Tâm lý chống đối trong lần đầu tiên đến trường là điều dễ hiểu ở trẻ tuổi mẫu giáo, quan trọng là phải giúp con vượt qua.
Lại đến mùa tựu trường, sáng nay mẹ cũng đã đưa Đậu đi khai giảng lớp mầm non dành cho bé từ 12-36 tháng tuổi. Dù trong lớp có khá nhiều bạn mới, cô chủ nhiệm cũng mới nhưng con không bỡ ngỡ nhiều. Lúc mẹ ra về con còn ra tận cửa lớp nói tạm biệt với mẹ.
Nhớ lại cách đây vài tháng, khi lần đầu tiên cho con đi học ở khóa hè, mẹ cũng suýt bị stress. Trước khi cho con đi học, mẹ đã làm tư tưởng với con cách đó cả tháng. Mẹ thường hỏi con có muốn đi học không, mẹ kể ở trường có bạn bè, có cô giáo, có nhiều đồ chơi... Con tỏ ra rất thích thú và muốn đi học.
Con đến trường, mẹ stress
Ngày nhập học đầu tiên, mẹ đến ghi danh, con đứng sau lưng mẹ lạ lẫm nhìn mọi thứ xung quanh nhưng không khóc. Mẹ nắm tay dắt con vào lớp ngồi với các bạn. Có nhiều bạn lớn hơn tuổi con nên mẹ bảo con gọi bằng anh, chị. Sau khoảng 20 phút, con bắt đầu hòa nhập và chơi với các bạn.
Mẹ đã suýt bị stress trong những ngày đầu con đến trường. Ảnh minh họa
Sau đó mẹ gửi con cho cô giáo rồi về. Đúng 4h chiều, mẹ đi đón. Vào lớp, thấy con đang vui đùa với các bạn, mẹ mới thấy nhẹ nhõm vì cả ngày cứ lo con sẽ khóc tìm mẹ. Cô giáo bảo con chơi ngoan, vì chưa quen nên ngủ ít, ăn ít nhưng không khóc.
Mẹ yên tâm đón con về, hôm sau lại đưa đến trường. Con vẫn vui vẻ như ngày đầu, chạy lại chơi đu quay ở trong sân với cô giáo mà không đòi mẹ. Mẹ nghĩ, con thật ngoan, hòa nhập môi trường mới thật tốt.
Nhưng mẹ nhầm rồi. Sang ngày thứ 3, con bắt đầu chống đối. Từ khi ở nhà, thấy mẹ xếp quần áo và sữa vào ba lô con đã bắt đầu hét lên "Không đi học nữa đâu", "Mẹ ơi, không đi học nữa đâu". Mẹ ngạc nhiên hỏi em sao không đi học, đi học vui mà. Con cứ ôm mẹ, giành lấy balo cất vào tủ khóc không chịu đi học.
Mẹ vẫn đưa con đến trường. Con khóc khản cả cổ. Mẹ phải ở lại dỗ hơn 30 phút, con nín khóc nhưng không chịu vào lớp.Cô giáo phải kiên quyết bảo, mẹ cứ về đi để cô dỗ con cho. Thế là mẹ quay lưng về, để mặc con khóc.
Chiều mẹ đến trường, vừa thấy bóng mẹ từ xa con đã hớt hải, mếu máo chạy ra, miệng thì la "Mẹ ơi, không đi học nữa đâu", "Không đi học nữa".
Lặp lại hơn 1 tuần như thế, cứ mỗi sáng thức dậy con lại khóc không chịu đến trường. Trông con hốc hác, biếng ăn, lười chơi hơn. Tối ngủ còn nằm mơ, khóc cả đêm, có hôm còn đái dầm. Ba lo lắng, bảo cho con nghỉ học đi, đợi 3-4 tuổi rồi cho đi học. Bà nội thì bảo chuyển con sang trường khác thử xem. Mẹ cũng thật sự stress vì không biết làm sao để con ngoan ngoãn đến trường.
Thực hiện kế hoạch 3 KHÔNG và 3 NÊN
Ban đầu mẹ cũng có ý định cho con nghỉ học nhưng nghĩ sau này con đi học lại cũng sẽ bắt đầu tập làm quen từ đầu, biết đâu con sẽ lại không chấp nhận. Tâm lý chống đối lần đầu tiên đến trường là điều dễ hiểu ở trẻ tuổi mẫu giáo vì phải tập làm quen môi trường mới, thầy cô bạn bè mới. Các con sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm. Thế nên, điều quan trọng là phải giúp con vượt qua được chướng ngại ban đâu này.
Kiên quyết mỗi lần đưa trẻ đến trường giúp chúng nhận ra đi học là điều chúng phải thực hiện. Ảnh minh họa
Thế là mẹ quyết định thực hiện chiến dịch 3 KHÔNG và 3 NÊN với con.
Không thỏa hiệp với đòi hỏi của con: Mỗi lần con khóc không chịu đi học, mẹ thường làm lơ yêu cầu của con. Sau đó đưa ra điều kiện "Nếu con không chịu đi học mẹ sẽ không cho con đi công viên", "Không mua đồ chơi", "Không cho đi nhà bác, anh chị chơi"... Mẹ nhấn vào những sở thích của con để con đáp ứng việc đến lớp. Ban đầu, con không chịu thỏa hiệp. Con bảo "Không đi công viên nữa", "Không mua đồ chơi nữa", "Không đi nhà bác nữa"... Thế là, sau khi đón ở trường về, dù con khóc mếu máo mẹ cũng không chở đi công viên hay đi nhà sách, siêu thị chơi như mọi lần nữa. Mẹ chở con về nhà, cho con tự chơi một mình, con đòi gì mẹ cũng không đáp ứng. Cuối cùng, sau nhiều ngày khóc lóc, con cũng miễn cưỡng không khóc và đồng ý đến trường.
Không tỏ ra lưu luyến, dỗ dành mỗi khi đưa con đến trường: Mỗi lần chở con đến trường, trao con cho cô mẹ liền dứt khoát ra về. Không lưu luyến ở lại nhìn con hay phỉnh con rằng đừng sợ, có mẹ ở đây. Cô giáo bảo lại rằng, bé thấy mẹ về thì không khóc nữa, đã chịu ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi.
Không đón con nửa buổi hoặc quá sớm trước giờ ra về: Ban đầu, mẹ sợ con khóc nên mới hơn 3 giờ bảo chạy vội về hoặc bảo bà nội buổi trưa chạy ra xem con có chơi ngoan không, nếu con khóc quá thì đón con về. Cô giáo bảo vì mẹ đón sớm quá nên hôm nào mẹ đón muộn hoặc có phụ huynh khác đến đón con em sớm hơn là bé lại đòi mẹ. Thế là, mẹ đợi đến sát giờ tan lớp, gần 4h30 mới đến đón con. Mấy ngày đầu con còn thút thít khóc khi thấy mẹ nhưng dần dần đã chơi với các bạn, quên luôn thời gian mẹ đến đón.
Luôn dành thời gian cho con để trẻ biết mình không bị bỏ rơi. Ảnh minh họa
Nên cho con mang theo đồ chơi yêu thích đến lớp: Con rất thích những quả trứng đồ chơi bên trong có những chú khủng long. Vì thế mẹ đã hỏi ý kiến cô giáo và cho phép con được mang theo những quả trứng nhỏ đến lớp và chơi cùng các bạn. Được chơi đồ chơi của mình, con vui vẻ và hoạt bát hơn rất nhiều.
Nên khen thưởng khi con ngoan: Những hôm con ngoan, đi học không khóc, ăn hết cơm, uống hết sữa, ngủ đủ giấc... mẹ liền cho con đi chơi công viên sau giờ học như một sự khích lệ. Có hôm dẫn con đi ăn chè, đi mua đồ chơi. Con đã thực sự rất vui và biết nghe lời hơn.
Nên dành thời gian cho con nhiều hơn: Mẹ thường xuyên trò chuyện với con về việc sinh hoạt ở lớp, hỏi về những người bạn, cô giáo. Thỉnh thoảng, mẹ và con cùng chơi trò giảng dạy, mẹ có thể làm con, còn con làm cô giáo. Bà nội cũng thường xuyên đọc sách và kể chuyện cho con nghe. Ba cũng chơi đùa với con nhiều hơn mỗi khi con tan lớp về nhà. Mọi người luôn tạo cho con cảm giác con không bị bỏ rơi, luôn được yêu thương.
Vậy là, sau hơn 2 tuần áp dụng những phương pháp này con đã vui vẻ đến lớp. Không còn khóc nhè, mè nheo. Con chơi ngoan, ăn ngủ tốt và bắt đầu tăng cân. Sau hơn 2 tháng hè, con không chỉ tăng về mặt cân nặng, chiều cao mà còn hoạt bát, hòa đồng hơn rất nhiều.
Và hôm nay, con đã chính thức trở thành học viên của lớp mầm non, những điều mới mẻ trong môi trường mới đang chờ con gái của mẹ khám phá, học hỏi và dần trưởng thành.
Theo Phunu8