Bạn có bao giờ ép con ăn hết suất hoặc sẽ mắng hay phạt con khi con không chịu ăn hết phần ăn không? Nếu có thì hãy bỏ ngay vì lý do sau đây!
Bài viết sau đây là câu chuyện của Janie Keddie - một bà mẹ nuôi con nhỏ, đồng thời là một nhà báo chuyên viết về cách nuôi dạy trẻ tại trang web nổi tiếng Fatherly. Bà mẹ này đã tâm sự về lý do vì sao mình quyết định bỏ đi những hình phạt cho con khi con bỏ dở bữa ăn và cũng không còn ép con ăn hết suất nữa.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, bố mẹ tôi rất nghiêm khắc, họ đưa ra quy định rằng không ai được rời khỏi bàn cho đến khi "ăn sạch sẽ phần ăn của mình". Chúng tôi buộc phải ăn bằng sạch cho dù là từng vụn thức ăn còn sót lại trên đĩa. Trong khi tôi không thể ăn nổi thêm một chút nào nữa và thỉnh thoảng còn bị nôn ra. Những lúc như thế tôi thường sẽ bị phạt. Nếu tôi không chịu ăn hết phần ăn của mình, thì bố mẹ sẽ y như rằng dọn món mà tôi đã bỏ dở trong bữa ăn tiếp theo và cả bữa sáng hôm sau nữa. Đằng nào tôi cũng phải ăn cái món đó cho đến khi thấy chán thì thôi.
Bố mẹ đã bao giờ phạt con khi con không ăn hết phần ăn của mình chưa? (Ảnh minh họa).
Để tôi đưa ra cho bạn một vài khía cạnh lịch sử và văn hóa về lý do vì sao bố mẹ tôi làm như thế. Họ lớn lên trong thời chiến ở Anh khi mà lương thực thực phẩm khan hiếm. Lúc họ còn bé, nguồn cung cấp thức ăn vô cùng hạn hẹp và chất lượng thì rất kinh khủng. Thịt là thứ vô cùng hiếm hoi. Ăn bằng sạch từng mẩu thức ăn, do đó mà thức ăn không bị phí phạm là mệnh lệnh quốc gia để ngăn chặn tình trạng chết đói trên diện rộng. Thực sự họ không còn sự lựa chọn nào khác - nếu bạn đòi hỏi ăn uống cầu kì thì bạn không thể tránh khỏi bị suy dinh dưỡng hoặc bị bỏ đói. Bố mẹ tôi đã được rèn luyện trong bối cảnh đó rằng họ buộc phải ăn bất cứ thứ gì được dọn ra trước mắt họ.
Vì thế, việc "không được phí phạm, không được đòi hỏi" đã trở thành những luật lệ.
Đừng áp đặt những luật lệ không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay (Ảnh minh họa).
Điều này rõ ràng là đã ăn sâu trong ý thức hệ của họ. Họ mang theo ý thức hệ đó để áp dụng khi họ trở thành cha mẹ thậm chí là khi hơn hai mươi năm đã trôi qua, và trong một hoàn cảnh đã hoàn toàn khác. Khi tôi còn nhỏ, mọi người đều có đủ cơm ăn, nhưng luật lệ hiển nhiên vẫn còn đó: "Ăn tất cả thức ăn được dọn trên đĩa".
Mãi cho đến khi tôi có con, và tư tưởng đó đã ăn sâu trong tâm trí tôi thì tôi mới bắt đầu tự hỏi là tư tưởng "phải ăn" này của các ông bố bà mẹ bắt nguồn từ đâu.
Bố mẹ được khuyên là nên chia số lượng và khối lượng ăn hợp lý cho con (Ảnh minh họa).
Tôi quyết định áp dụng lô-gic và khoa học để thay đổi những gì mình được dạy. Sau đó, tôi có thể tự tạo ra những luật hiệu quả hơn, phù hợp với thời đại ngày nay hơn cho các con của mình. Tôi rất tin tưởng vào tầm quan trọng của việc đa dạng hóa bữa ăn. Những đứa trẻ của tôi đều được dạy cách ăn các loại thực phẩm và bữa ăn đa dạng. Tuy nhiên, tôi không ép buộc chúng phải ăn hết thức ăn. Tôi muốn chúng tự điều chỉnh để thích ứng với cơ thể và nhận ra những dấu hiệu của cơ thể báo hiệu lúc thèm ăn hay lúc no bụng.
Nói chung, bố mẹ không nên ép buộc con phải ăn hết thức ăn khi con đã cảm thấy no hoặc không muốn ăn nữa. Một bí quyết cho bố mẹ vừa để con không bỏ thừa thức ăn vừa không phải mắng hay phạt con đấy chính là cung cấp số lượng và khối lượng thức ăn hợp lí. Bố mẹ nên cho con ăn những phần ăn nhỏ mỗi lần, khi trẻ ăn hết cha mẹ có thể cho thêm. Việc này giúp con có cảm giác "hoàn thành" mỗi khi ăn hết và thể hiện sự tôn trọng trong nhu cầu ăn của con. Con không có cảm giác bị ép buộc một cách vô hình để ăn một phần ăn quá sức. Nếu trẻ quay sang ngậm hay chơi với đồ ăn, đây chính là lúc bố mẹ có thể kết thúc bữa ăn của con.
Theo Afamily