Không phải thành công hay trí tuệ giỏi giang, cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình hơn nhất phải sống thật hạnh phúc. 10 bí quyết dưới đây sẽ khiến các bậc phụ huynh càng độc càng thấm thía.
1. Tự chăm sóc bản thân
1 đứa trẻ hạnh phúc là có thể tự do làm những điều mình muốn với sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, dạy trẻ cách tự chăm sóc và yêu thương bản thân thay vì lệ thuộc vào cha mẹ là 1 trong những bài học đầu tiên con cần được trang bị.
2. Tôn trọng và thực hiện nhất quán những quy tắc đã được đặt ra
Trẻ em thường có biểu hiện chống đối lại các quy tắc, dù ít dù nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia đã khẳng định rằng, khi trưởng thành chúng sẽ biết ơn vì những quy tắc mà cha mẹ đặt ra khi còn nhỏ. Vì vậy, phụ huynh nên thảo luận với con về các quy tắc riêng trong gia đình và bảo đảm việc giám sát thực hiện chúng.
3. Đánh giá cao nỗ lực, không quá tập trung vào kết quả
Cha mẹ không nên lấy thành tích làm thước đo mà nên tập trung vào nỗ lực của con. Mục tiêu giáo dục không phải là dựa vào điểm số của bài kiểm tra, tư duy sáng tạo cũng như quyết tâm của con mới là then chốt cho sự thành công trong tương lai.
4. Gắn kết con cái và cha mẹ bằng sự tin tưởng và chân thành
Rất nhiều thanh thiếu niên hư hỏng hoặc trầm cảm, nguyên nhân là do khoảng cách giữa chúng và cha mẹ quá lớn. Nên thiết lập sự đồng cảm và gắn bó giữa cha mẹ và con cái ngay từ khi trẻ còn nhỏ thay vì khi phát hiện những dấu hiện bất thường của trẻ mới thay đổi.
5. Lạc quan
Cha mẹ vui vẻ, lạc quan sẽ tác động tích cực đến tính cách và thái độ độ của con. Bởi vậy, phụ huynh không nên phàn nàn quá nhiều về những khó khăn trong cuộc sống cũng như những sai lầm mà con mắc phải.
6. Không nên che giấu cảm xúc thật
Không thường xuyên phàn nàn về cuộc sống không có nghĩa là cha mẹ che giấu mọi khó khăn cũng như bất đồng trong gia đình. Như vậy chỉ khiến trẻ trở nên mong manh và dễ bị tổn thương hơn khi gặp biến cố. Tìm cách giãi bày và củng cố niềm tin, cùng con vượt qua mọi vấn đề bằng thái độ lạc quan là cách tốt nhất giúp trẻ trưởng thành.
7. Có ít đồ chơi
Việc có ít đồ chơi sẽ giúp trẻ tự khám phá bản thân cũng như phát triển trí sáng tạo nhiều hơn. Trẻ em có khả năng tuyệt vời trong việc tự tạo ra niềm vui từ bất kỳ thứ gì có trong tay, vì vậy khi có thừa thãi đồ chơi sẽ làm giảm khả năng sáng tạo của con. Thỉnh thoảng tặng trẻ 1 món đồ chơi mới sẽ là cách giúp con biết trân trọng món quà hơn.
8. Để trẻ được tự khám phá thế giới
Cha mẹ thường vì yêu thương mà trở nên bao bọc trẻ quá mức. Sự thật là, trẻ có khả năng thích nghi và làm quen tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Phụ huynh nên quan sát trẻ trong phạm vi an toàn thay vì luôn ở cạnh để nâng đỡ con. Đây là cách giúp trẻ tự hoàn thiện kỹ năng xã hội và trí tuệ cũng như phát triển những bản năng sẵn có.
9. Trao cho con trách nhiệm
Trẻ em rất hào hứng khi được giao nhiệm vụ vì điều đó giúp con cảm thấy mình quan trọng và trưởng thành hơn. Cha mẹ hãy giao cho con những việc vặt trong nhà phù hợp với sức lực: dọn đồ chơi, lau bụi đồ đạc,...
10. Học cách biết ơn
Trẻ em được học cách thấu hiểu và bày tỏ lòng biết ơn thường có các kỹ năng xã hội tốt hơn. Cha mẹ nên hướng dẫn và khuyến khích con thể hiện lòng biết ơn với mọi người xung quanh 1 cách tự nhiên và chân thành từ những việc làm nhỏ nhất.
Theo HNM