Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được dạy dỗ để trở thành 1 người nhân ái và hành xử lịch thiệp trong tương lai. 10 phương pháp sau sẽ giúp cha mẹ làm được điều đó mà không quá khó khăn.
1. Giúp đỡ người khác
Cha mẹ nên cùng con giúp đỡ hàng xóm hoặc người thân quen khi có việc cần, những người có hoàn cảnh khó khăn gặp trên đường. Những hành động này có thể không mang giá trị vật chất, đôi khi chỉ là chiếc bánh, một chút tiền lẻ,... nhưng cũng đủ giúp con nhận ra niềm vui khi làm việc tốt, hạnh phúc vì giúp đỡ được người khác.
2. Chia sẻ
Cha mẹ nên dạy con cái cách sẻ chia với mọi người xung quanh, từ việc tặng bông hoa trong vườn nhà cho cô giáo đến việc tặng sách, chia sẻ đồ chơi cho các bạn,... Sẵn sàng cho đi và nhận lại là bài học đạo đức quan trọng hàng đầu cha mẹ nên truyền dạy cho con.
3. Bảo vệ môi trường
Không bao giờ xả rác sai chỗ là bài học bất cứ đứa trẻ nào cũng cần thực hành. Ngay từ khi còn rất nhỏ, nếu trẻ lỡ tay vứt rác bừa bãi, cha mẹ có thể hướng dẫn và để con tự giác nhặt lên và đem vứt đúng nơi quy định.
4. Thu nhặt rác tái chế
Việc phân loại rác cũng quan trọng không kém trong việc bảo vệ môi trường. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tạo niềm vui từ việc thu nhặt những lon bia, vỏ chai lọ,... để đem bán hoặc quyên góp cho các đơn vị làm từ thiện.
5. Phân công việc nhà
Trẻ nhỏ cần hiểu rằng, bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng phải chia sẻ việc nhà. Cha mẹ hãy phân cho con những việc nhỏ phù hợp với khả năng như tự dọn đồ chơi, cho thú cưng ăn, sắp bát đĩa cho bữa ăn,... Cha mẹ hãy cùng trẻ lên 1 bảng kế hoạch hoàn chỉnh những việc cần làm cùng mốc thời gian thực hiện. Trẻ sẽ cảm thấy hãnh diện và háo hức khi hoàn thành mọi việc.
6. Làm việc theo nhóm
Người lớn không nên ôm đồm mọi việc, nên đề nghị sự giúp đỡ của trẻ để giúp con hiểu được tầm quan trọng của mình. Điều này sẽ khơi gợi và nâng cao tinh thần làm việc nhóm, ý thức trách nhiệm của con.
7. Nhìn cuộc sống qua lăng kính rực rỡ
Đôi khi mọi chuyện cùng lúc dường như đều trở nên không thuận lợi. Những lúc đó, cha mẹ càng nên dạy con cách suy nghĩ lạc quan, hướng đến những điều tốt đẹp thay vì u sầu và ảo não. Ví dụ, cha mẹ có thể sưu tầm các mẩu chuyện về những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn, thậm chí là cùng trẻ giúp đỡ những bạn đó. Điều này giúp con nhận thức rõ mình vẫn thật may mắn, đồng thời giúp con mở rộng lòng nhân ái đối với mọi người.
8. Không nên chỉ trích, nên coi trọng nỗ lực của con
Trẻ nhỏ khi tập làm việc nhà sẽ không tránh khỏi những vụng về, làm đổ vỡ hoặc hỏng vài món đồ,... Cha mẹ đừng vì thế mà mất kiên nhẫn và nghĩ rằng, để mình làm sẽ nhanh, hiệu quả hơn. Trẻ mới đầu sẽ có hứng thú với việc nhà nhưng sẽ rất nhanh chóng chán nản và sợ làm hỏng nếu bị bố mẹ chê trách, mắng mỏ. Những sai lầm và vụng về bây giờ của con chính là tiền đề tạo nên sự chăm chỉ và rèn luyện kỹ năng sống hoàn thiện cho tương lai.
9. Thường xuyên hỏi thăm, quan tâm những người xung quanh
Hãy giúp trẻ thấy được ý nghĩa của việc bày tỏ lòng quan tâm tới những người xung quanh từ người hàng xóm đến nhân viên giao hàng buổi sáng,.. Cũng như học cách an ủi người thân, bạn bè khi họ gặp chuyện buồn, khó khăn trong cuộc sống.
10. Luôn nói lời cảm ơn và khen ngợi
Biết trân trọng và sẵn sàng tỏ lòng biết ơn với những người giúp đỡ mình là cách để nuôi dưỡng 1 đứa trẻ tốt bụng, nhân hậu. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con thường xuyên nói lời cảm ơn với người giao hàng, người giúp việc hay khen ngợi chiếc áo mới của cô giáo, món đồ của bạn học. Điều này sẽ giúp lan truyền những cảm xúc tích cực sang mọi người xung quanh.
Theo Dân Việt