Đừng nói rằng đó là công việc, "theo nghề thì phải yêu nghề". Không một ai có thể trả lương cho sự dịu dàng, tận tụy.
Tôi đã lo lắng biết bao khi cô con gái đầu lòng được ba tuổi và chuẩn bị đến trường. Tiếp đến là những ngày đi chọn trường cho con, tham khảo ý kiến của những phụ huynh khác, rồi những ngày theo con lên lớp sớm, cùng con làm quen với môi trường mới - nơi vắng cha mẹ, những người luôn bên con từ lúc lọt lòng.
Tôi cũng rưng rưng nước mắt khi nghe tiếng khóc của con với theo mẹ, khi nghe con mếu máo nói: "Mẹ ở đây, đừng bỏ con".
Về đến nhà, tôi chăm chú vào màn hình máy tính theo dõi con qua camera, xem con có khóc nhiều không, cô giáo có quan tâm đến con không, con ăn ngủ thế nào. Cũng qua camera, tôi thấy cô giáo ôm con, cử chỉ trìu mến, cô ngồi cạnh con, giới thiệu con với các bạn; giờ ăn, cô lấy thức ăn cho con đầu tiên; giờ chơi, cô ưu ái cho con vài món đồ chơi.
Tôi cảm nhận được sự tin tưởng của con tôi với cô giáo, con níu váy cô, đi theo cô như một cái đuôi. Con chưa quen với nếp sinh hoạt ở trường, cô dùng tay đỡ sau lưng con ngồi lên ghế ăn, trò chuyện với con trước khi ra bể bơi. Cô dùng rối tay (con rối tay yêu thích của con gái tôi mang ở nhà lên lớp) trò chuyện với con để con cười. Tôi cảm nhận được sự ân cần của cô trong cử chỉ.
Lớp học có hơn hai mươi cháu, chưa lúc nào tôi thấy các cô được ngơi tay. Các cô dọn bàn ăn bữa chính, bữa phụ, đút cho những bé ăn chậm, thay áo quần cho các bé đi ngủ trưa. Khi các bé ngủ dậy, các cô lại tắm cho từng em, cột tóc cho từng bé gái. Đó là chưa kể những giờ học chuyên môn, cô cầm tay hướng dẫn các em tập tô.
Thử làm một phép so sánh nhỏ: bản thân mình chăm sóc cho hai đứa con mà đã thấy vất vả lắm rồi. Tôi biết, có rất nhiều cô giáo mầm non muộn chuyện hôn nhân cũng vì đặc thù công việc. Chăm sóc, dạy dỗ hơn hai mươi cháu bé, hẳn các cô phải hiểu tính cách từng em, phải nhẫn nại vô cùng.
Chính các bậc làm cha mẹ đôi khi cũng mất kiểm soát đối với con mình. Trẻ con tuổi lên ba hầu hết đứa nào cũng hiếu động, cũng bướng bỉnh. Vất vả lắm chứ. Đừng nói rằng đó là công việc, "theo nghề thì phải yêu nghề". Không một ai có thể trả lương cho sự dịu dàng, tận tụy.
Con gái tôi đi học đã quen, thi thoảng ở nhà phạm lỗi bị mẹ phạt, con thường mếu máo khóc và nói rằng: "Con đi cô Cúc, con đi cô Hằng".
Tôi hiểu, các cô đã đối xử tốt với con như một người thân. Sau mỗi ngày đón con ở trường về, tôi đều dành vài phút trao đổi với cô giáo về thái độ của con với các bạn, mức độ tiếp thu hay tập trung của con trong giờ học...
Về nhà, tôi thường trò chuyện cùng con, luôn bắt đầu bằng câu hỏi: "Ngày hôm nay của con ở trường thế nào?". Qua những lần trò chuyện đó, tôi phân tích cho con, động viên con - đó cũng là cách phụ giúp cô giáo. Đừng giao phó con mình cho các cô và nhà trường rồi hễ có bất cứ vấn đề gì lại trách móc các cô.
Những ngày gần đây, lướt qua nhiều trang báo, thấy không ít những tin tức về bạo hành trẻ em trong trường mẫu giáo. Điều đó được chia sẻ một cách chóng mặt, tòa án dựng lên khắp nơi, ai cũng tự cho mình là thẩm phán, kết tội, vơ đũa cả nắm...
Chúng ta chia sẻ, lên án những điều xấu để cái ác và bất công bị loại trừ, nhưng chúng ta cũng nên chia sẻ và ca ngợi những điều tốt đẹp. Vậy mà, dường như rất nhiều thầy cô giáo yêu nghề và ân cần lại thường bị chúng ta bỏ quên hay cố tình quên.
Tôi luôn tin rằng, khi những điều tốt đẹp được nhân lên nhanh chóng và mạnh mẽ thì cái xấu cũng bị thu hẹp đất sống. Ươm những hạt giống tốt lành thì hoa trái cũng ngọt thơm.
Theo PNO