Một tòa chung cư nhưng lại có đến 4-5 cơ sở mầm non. Phòng học, phòng ngủ và "sân chơi" là những căn hộ siêu nhỏ vốn chỉ được thiết kế cho 1 hộ gia đình. Thế nhưng không hiểu bằng cách nào địa phương vẫn cấp phép và các cơ sở giáo dục này vẫn ngang nhiên tồn tại.
"Loạn" cơ sở mầm non
12 tòa chung cư tại khu HH thuộc Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là nơi có cư dân đông đúc với đa phần là các gia đình trẻ. Đây cũng là cơ hội để khoảng 1 năm trở lại đây, các cơ sở mầm non tư thục mọc lên như nấm sau mưa nhằm phục vụ như cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh. Theo con số thống kê sơ bộ của Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, hiện tại cả phường Hoàng Liệt có 67 cơ sở mầm non tư thục và 3 trường mầm non công lập, nhưng riêng khu HH đã chiếm đến 15 cơ sở.
Pano quảng cáo chiêu sinh mầm non có ở khắp các sảnh tòa nhà khu HH
Trong số 12 tòa của khu HH thì chỉ tính riêng tòa HH2C mới đi vào hoạt động từ tháng 10-2016 nhưng đến nay đã có 5 cơ sở mầm non được thành lập. Điều đặc biệt là, tất cả các cơ sở này đều sử dụng căn hộ vốn chỉ dùng để ở làm nơi nuôi dạy trẻ. Dù không có bất kỳ biển hiệu nào nhưng chẳng khó khăn để chúng tôi tìm đến các cơ sở mầm non này. "Các anh lên tầng 2, 3, 5, 6, 7, 21, cứ chỗ nào có tiếng ồn ào, huyên náo của trẻ con thì đó chính là trường mầm non" - một phụ nữ bán tạp hóa trước tòa HH2C chỉ dẫn.
Vì "ở chung" với các căn hộ nên gần như các cơ sở mầm non tại đây đều không treo biển hiệu. Trong vai một phụ huynh đang đi tìm trường cho con học, chúng tôi đến các cơ sở mầm non này để tìm hiểu. Đến bất cứ đâu, phóng viên Báo ANTĐ cũng được mời chào nhiệt tình với lời quảng cáo cơ sở của mình là tốt nhất. "Hầu hết các cơ sở trong tòa này chỉ thuê một căn hộ để mở nhưng riêng em thuê hẳn 2 căn hộ đối diện nhau để mở trường. Một căn dành cho lớp lớn, căn còn lại dành cho lớp bé. Các cô giáo ở đây đều "đạt chuẩn", phương pháp nuôi dạy rất tốt, khoa học, học phí lại cạnh tranh..." - một chủ cơ sở mầm non tại tầng 5 tòa HH2C quảng cáo.
Để phụ huynh yên tâm, cô gái tự nhận là chủ cơ sở này còn mang cả một đống giấy tờ ra thuyết phục: "Anh xem đây, trường em giấy phép đầy đủ. Hồ sơ để được cấp phép không thiếu thứ gì. Anh có thể cho con học thử, nếu thấy hài lòng thì học tiếp, không thì thôi. Nếu học từ bây giờ, trường sẽ miễn phí 100% tiền xây dựng cơ sở vật chất" - cô chủ cơ sở nói.
Tham quan các lớp học, chúng tôi đếm sơ sơ có tới hơn 20 trẻ khoảng 3-4 tuổi chen chúc trong căn phòng nhỏ với "cơ sở vật chất" chỉ là vài thứ đồ chơi sơ sài. Một chiếc cầu trượt nhựa, một nhà bóng nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn, nhưng vẫn được giới thiệu là "đầy đủ không gian cho các em chơi".
Cơ sở mầm non không biển hiệu tại một căn hộ chung cư
Cái tài tình của cơ sở mầm non này là việc bố trí diện tích. Căn hộ gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách thì phòng khách là chỗ duy nhất để các em nhỏ chơi. Phòng ngủ được biến tấu thành bếp ăn, phần còn lại là chỗ cho các em nhỏ ngủ trưa. Hà Nội những ngày qua mưa, nồm khủng khiếp. Những "trường" mầm non siêu nhỏ này vốn đã ngột ngạt vì quá đông trẻ, nay vì mưa nồm buộc phải đóng kín cửa nên càng ngột ngạt hơn.
Tại một cơ sở mầm non khác trên tầng 6, chúng tôi có mặt đúng giờ ăn trưa. Từ bên ngoài hành lang, tiếng trẻ thi nhau quấy khóc không chịu ăn, tiếng cô giáo dỗ dành, tiếng huyên náo từ nhà bếp tạo thành mớ âm thanh hỗn tạp. Bước vào trong lớp còn khủng khiếp hơn, hàng chục đứa trẻ đang chen chúc trong không gian nhỏ hẹp. Mùi thức ăn, mùi hơi người đặc quánh ngột ngạt đến khó thở. Nhìn phòng ngủ của lũ trẻ chỉ được 10m2, chúng tôi cứ băn khoăn không biết các cô sẽ thu xếp thế nào để chúng có thể "nghỉ ngơi" trong không gian ấy.
Khâu "thẩm định, kiểm tra" có vấn đề
Theo Điều lệ của trường mầm non (Bộ GDĐT): Diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em phải đảm bảo ít nhất 1,5m2 cho một trẻ. Những nơi có tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp riêng, an toàn, bếp đặt xa lớp mẫu giáo, nhóm trẻ... Phòng sinh hoạt chung phải đảm bảo 1,5 - 1,8m2 cho một trẻ; đủ ánh sáng tự nhiên và thoáng. Phòng ngủ phải đảm bảo 1,2 - 1,5m2 cho một trẻ; đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông...
Chiếu theo những quy định trên có thể thấy, hàng loạt cơ sở mầm non mà chúng tôi đã tìm hiểu đều không thể đáp ứng. Tuy nhiên, vì sao những cơ sở mầm non này vẫn được cấp giấy phép hoạt động?
Theo quy định, các cơ sở mầm non được UBND phường cấp phép. Thế nhưng, trước khi được cấp phép, UBND phường phải có văn bản gửi Phòng GD&ĐT quận đề nghị kiểm tra các điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Những cơ sở mầm non chót vót trên cao
Sau đó, Phòng GD&ĐT xem xét, kiểm tra trên thực tế, nếu thấy đủ điều kiện, sẽ có ý kiến bằng văn bản gửi UBND cấp xã, phường. Căn cứ vào đó, UBND xã, phường sẽ cho phép thành lập hoặc từ chối.
Với quy trình chặt chẽ như vậy nhưng hàng loạt cơ sở mầm non với cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn vẫn mọc lên như nấm. Câu hỏi đặt ra là quy trình kiểm tra và cấp giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng đã thực hiện đến đâu? Việc thực hiện có nghiêm túc hay không? Nếu việc thẩm định và kiểm tra qua loa, những cơ sở mầm non kém chất lượng mọc lên ồ ạt, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và sự phát triển của một đứa trẻ.
(Còn tiếp)
Theo ANTD.VN