Việc giáo viên mầm non gây ra những hành động phản sư phạm, thậm chí là bạo hành trẻ em nhiều khiến phụ huynh lo ngại về đạo đức người thầy.
Theo các chuyên gia giáo dục, những hình ảnh phản cảm của giáo viên mầm non xuất hiện gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể từ áp lực công việc, từ lỗi chuyên môn kém, thậm chí là từ tâm tính không ổn định. Tất cả những điều này cần được phân tích, cảnh báo để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc với trẻ mầm non, bởi các em chưa đủ năng lực bảo vệ bản thân và dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Áp lực công việc của giáo viên mầm non quá lớn dễ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ
80 cháu/lớp - cô giáo không ức chế mới lạ
Hình ảnh giáo viên lấy dép đánh vào đầu trẻ hay dốc đầu vào máy vặt lông gà, dọa vứt qua cửa sổ... của giáo viên, thậm chí là hiệu trưởng của một số cơ sở mầm non cho thấy, số lượng hành vi phản sư phạm của cô giáo ngày một tăng. Câu chuyện phạt nhốt trẻ trong nhà vệ sinh rồi để quên trẻ đến tối như ở trường mầm non Hương Sơn, Mỹ Đức dù đang còn tranh cãi nhưng cũng khiến phụ huynh hết sức lo ngại về khả năng bao quát, chăm sóc trẻ. Những sự việc trên cho thấy, khi không có sự quan sát của phụ huynh, các cô rất dễ áp dụng những hình phạt không phù hợp đối với trẻ...
Phân tích vấn đề này, Ths Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, với kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục phát triển trí tuệ trẻ em cho biết, việc giáo viên mầm non chịu áp lực lớn trong công việc là điều không thể phủ nhận. Trong khi đó, việc đào tạo giáo viên mầm non lại đang bị thả nổi, chất lượng khó kiểm soát. "Đào tạo giáo viên mầm non không đơn giản chỉ là đào tạo kiến thức mà quan trọng là kỹ năng sư phạm, nắm bắt tâm lý trẻ, xử lý tình huống thực tế phát sinh... Điều này đáng tiếc lại chưa được coi trọng" - Ths Lan Anh cho biết.
Liên quan đến những hành vi phản sư phạm nói trên, Ths Lê Thị Lan Anh cho rằng, ngoài nguyên nhân do nghiệp vụ chuyên môn kém, không biết cách xử lý phù hợp khi trẻ quấy khóc thì còn xuất phát từ tâm lý bản thân giáo viên ức chế, không được chia sẻ, giải tỏa. "Với các trường công lập, một lớp có thể lên tới 70-80 cháu với 3 cô, áp lực công việc rất lớn, thời gian làm việc kéo dài, chưa kể tới những vấn đề cá nhân, phản ứng gây ra do ức chế là điều hoàn toàn có thể xảy ra" - Ths Lan Anh chia sẻ.
Cần được tư vấn tâm lý
Về vụ việc ở trường mầm non Hương Sơn, Mỹ Đức, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Mầm non - Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, sự việc đến thời điểm này cũng đủ để các trường mầm non cũng như các giáo viên trên địa bàn thành phố tự rút kinh nghiệm cho mình trong vấn đề quản lý trẻ và chăm sóc trẻ.
Theo bà Hoàng Thanh Hương, sự việc xảy ra cũng khiến cơ quan quản lý các cấp phải tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non. Do phát triển "nóng" trong thời gian gần đây nên trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều trường mầm non chưa đạt chuẩn.
Nhiều trường công vẫn có các điểm lẻ (vụ trẻ bị bỏ quên trong nhà vệ sinh xảy ra ở điểm lẻ), hoặc điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục chưa đảm bảo. Thành phố có gần 1.800 trường mầm non công lập nhưng chỉ 33,8% trong số đó đạt chuẩn quốc gia. Khối trường tư thì chỉ có 19/292 trường đạt chuẩn. Đặc biệt, hiện thành phố có tới 2.107 nhóm trẻ - mô hình chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với chất lượng giáo dục mầm non.
Bà Hoàng Thanh Hương nói: "Muốn giảm thiểu tối đa các sự cố thì phải thúc đẩy mạnh việc chuẩn hóa hệ thống trường mầm non".
Bên cạnh đó, việc tăng cường tư vấn tâm lý, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cũng được Ths Lê Thị Lan Anh nhấn mạnh. "Một trong những công việc các trường cần quan tâm nhất là đầu tư đào tạo nhân sự. Chúng tôi thường xuyên sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, mỗi học kỳ lại đào tạo chuyên sâu một khóa 4-5 tuần vào các ngày nghỉ cuối tuần hoặc buổi tối. Trong các buổi học này, giáo viên được chia sẻ hướng giải quyết các tình huống phát sinh với trẻ hay cách xử lý với yêu cầu quá cao của phụ huynh... Cách làm này giúp giáo viên giải tỏa áp lực tâm lý, biết cách xử lý tình huống..." - Ths Lan Anh cho biết. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thực hiện được vì cần thời gian, chi phí và đặc biệt là chuyên gia để thực hiện thường xuyên.
Ngoài tăng cường, bồi dưỡng nghiệp vụ, bà Hoàng Thanh Hương cho rằng, với các lỗi nghiệp vụ thì ngành có thể khắc phục bằng cách bồi dưỡng, trau dồi thường xuyên do giáo viên. Nhưng hành vi có tính bạo hành là do tâm tính của cá nhân cô giáo. Vì thế, ngành sư phạm mầm non cũng nên xem lại cách thức tuyển sinh để lựa chọn và đào tạo được những người có tố chất phù hợp.
Theo ANTD.VN