Việc các địa phương dồn giáo viên dư thừa ở bậc tiểu học, trung học xuống dạy mầm non một lần nữa khiến dư luận không khỏi lo lắng...
Chỉ hơn 27% trẻ ở trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc ở các cơ sở giáo dục mầm non
Việc các địa phương dồn giáo viên dư thừa ở bậc tiểu học, trung học xuống dạy mầm non một lần nữa khiến dư luận không khỏi lo lắng về biểu hiện thiếu coi trọng, không công bằng và chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của giáo dục mầm non.
Thiếu trường lớp trầm trọng
Hầu hết những vụ bạo hành trẻ, tai nạn thương tích trong thời gian qua để lại hậu quả đau lòng đều xảy ra ở những nhóm lớp mầm non tư thục hoạt động manh mún, tự phát, thiếu sự quản lý giám sát chặt chẽ. Phụ huynh đau lòng khi thấy trẻ bị bạo hành nhưng khi nghe tin cơ sở mầm non đang gửi con phải đình chỉ hoạt động thì lại lo lắng vì không biết gửi con ở đâu khi trường công lập không có chỗ để nhận học sinh ở lứa tuổi nhà trẻ.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận "vùng trũng" của giáo dục mầm non chính là lứa tuổi dưới 36 tháng tuổi. Hiện cả nước mới có khoảng hơn 27% trẻ trong độ tuổi này được chăm sóc ở các cơ sở giáo dục mầm non. Trong khi đó, một cực khác của giáo dục là giáo dục ĐH thì phát triển quá nhanh, vượt quá xa nhu cầu của xã hội dẫn tới mỗi năm có tới hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Theo thống kê trên toàn địa bàn TP hiện có 2.107 nhóm trẻ, 292 trường tư thục. Địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cũng là những nơi mà nhóm lớp trẻ tư thục mọc lên nhanh nhất như Q.Hoàng Mai có tới hơn 300 nhóm trẻ tư thục, trong đó riêng P.Định Công đã có tới 64 nhóm trẻ do các khu đô thị cao tầng ở đây phát triển quá nhiều. Tiếp đến là Hà Đông, Đống Đa...
Ông Quang cũng chỉ ra không ít lo ngại xung quanh vấn đề này. Việc cấp phép hoạt động cho các nhóm lớp mầm non tư thục là UBND phường, xã. Trong khi cấp phường xã chỉ có một người phụ trách về hoạt động giáo dục mầm non nhưng bản thân người này cũng không có chuyên môn nghiệp vụ.
Với Hà Nội, ông Quang thông tin mầm non cũng là bậc học có số lượng trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất trong hệ thống giáo dục với 33,8%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở tiểu học là 66,5%, THCS là 63,4%...
Chưa được hiến pháp quy định ưu tiên đầu tư
Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chỉ ra một thực tế đáng suy nghĩ: Trên quy mô toàn quốc, ngoại trừ trẻ 5 tuổi được hỗ trợ để phổ cập, nói chung bậc học mầm non cho đến nay chưa được Hiến pháp và pháp luật VN xác định là một bậc học được ưu tiên đầu tư. Trong khi tiểu học và THCS đều xác định là cấp học phổ cập, Hiến pháp có nói tiến tới phổ cập giáo dục THPT nhưng riêng giáo dục mầm non thì không được đề cập trong Hiến pháp và luật Giáo dục với tư cách là bậc học được ưu tiên.
"Đây là một điều rất thiệt thòi, là một khiếm khuyết mà tôi cho rằng nếu giải quyết căn bản thì phải bổ sung ngay trong những văn bản pháp luật quan trọng nhất", GS Thi nói.
Cũng theo GS Thi, khác với giáo dục tiểu học và THCS, quy mô giáo dục mầm non, nhất là khối công lập thấp so với nhu cầu gửi trẻ của xã hội, quy mô lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) lại càng thấp.
Đầu tư ngân sách thiếu công bằng
Về đầu tư, theo báo cáo hằng năm của Bộ GD-ĐT, tổng chi cho giáo dục mầm non khoảng 11 - 12% tổng chi cho sự nghiệp giáo dục địa phương; định mức chi thường xuyên cho trẻ mầm non đạt bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/năm. Đây là mức chi mà các chuyên gia giáo dục đã không ít lần lên tiếng rằng: Không hề tương xứng với vị trí và nhu cầu của giáo dục mầm non, đặc biệt là khi các khoản chi đó chủ yếu là chi lương cho cán bộ, giáo viên (khoảng 83%).
Với kinh nghiệm nhiều năm giám sát giáo dục, GS Đào Trọng Thi nhận định: "Phương thức hỗ trợ của nhà nước về tài chính còn thiếu, không công bằng, đã vậy chỉ dồn hết cho các cơ sở mầm non công lập, các cơ sở mầm non tư thục hầu như chưa được hưởng hỗ trợ của nhà nước. Đây là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ".
Theo GS Thi, ở các cấp học khác có thể ưu tiên về đối tượng, về học sinh học giỏi nhưng giáo dục mầm non thì chẳng có tiêu chí nào để lựa chọn. Bố mẹ phải quen biết, phải bốc thăm, xếp hàng để mong có một chỗ học trong cơ sở mầm non công lập. Trẻ nào được vào thì nhận được hết các hỗ trợ của nhà nước, trẻ nào học ở ngoài thì không được hưởng chút nào từ nhà nước. "Như vậy là rất bất công. Theo tôi, điều này chỉ chấp nhận ở những cấp học cao hơn nhưng ở cấp mầm non thì lẽ ra phải quan tâm đặc biệt", GS Thi nói.
Đồng quan điểm, bà Lê Minh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT, cho rằng ngay cả quyết định về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cho đến nay vẫn chưa được thực hiện như nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Chính phủ đặt ra. Ví dụ, theo quyết định thì phải có thêm 11.000 phòng học nhưng đến nay thì điều này vẫn chưa thực hiện được vì trượt giá, vì chương trình kiên cố hóa trường lớp... Cả nước mới có 62% phòng học kiên cố. Nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa... còn thiếu rất nhiều phòng học kiên cố, ví dụ Kon Tum mới chỉ có 0,7% phòng.
Mầm non chỉ có một chương trình được đầu tư từ vốn vay ODA trong khi tiểu học có rất nhiều chương trình. Một số tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Tiền Giang số trường mầm non là dưới 100, nhưng tỷ lệ kiên cố hóa, sân chơi cho trẻ em rất thấp. Tại sao số trường rất ít mà vẫn không đầu tư được cho mầm non?
Bà Hà cũng chỉ ra thực tế, hiện nay khu công nghiệp, chế xuất, khu cao tầng mọc lên rất nhiều nhưng vẫn không quan tâm tới giáo dục mầm non. "Chúng tôi đi kiểm tra thấy rất rõ điều này. Ví dụ, khu công nghiệp Biên Hòa, công nhân đổ về làm việc cho nhà máy rất nhiều nhưng việc xây dựng trường mầm non chỉ căn cứ vào số dân ở trên địa bàn. Con của công nhân lại gửi ở những nhóm trẻ tự phát rồi tai nạn và nhiều vấn đề đã xảy ra".
Khó thực hiện mục tiêu
Định hướng phát triển giáo dục mầm non của TP.HCM từ nay đến năm 2020 là khoảng 60% trẻ được học trường công lập, 40% trẻ học ngoài công lập. Hầu hết lãnh đạo phụ trách bậc học này ở các quận huyện đều cho rằng khó thực hiện. Thực tế cho thấy, đến nay tính trung bình TP chỉ có khoảng 45% trẻ được học công lập, trong đó khối nhà trẻ chỉ có khoảng 32% số trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong khối trường này.
Ở Q.Tân Phú, nguyên Phó phòng giáo dục phụ trách mầm non cho rằng để đáp ứng mục tiêu đặt ra, quận này cần xây mới khoảng 30 trường mầm non nhưng điều này rất khó thực hiện. Còn tại Q.6, theo Trưởng phòng Giáo dục Lưu Hồng Uyên, chỉ huy động 100% học sinh 5 tuổi học trường công lập, từ 16 -18 tháng tuổi khoảng 40%.
Bà Chung Bích Phượng, chuyên gia đề án hỗ trợ giáo viên ngoài công lập, cho biết việc thiếu thốn trường lớp, chỗ học chủ yếu ở các quận có dân nhập cư cao.
Bích Thanh
Theo TN