Giáo dục mầm non
   Giáo viên mầm non: ‘Tôi được cho tiền để không đánh trẻ’
 

Một giáo viên mầm non ở Lâm Đồng chia sẻ bài viết thể hiện sự day dứt khi phụ huynh đưa tiền để con họ không bị đánh. Cô giáo tự hỏi còn giữ được cái tâm với nghề trong bao lâu.

Mấy ngày gần đây, chúng tôi vẫn lên lớp bình thường, cố gắng để xua hình ảnh những giáo viên bạo hành, những lời chỉ trích từ cộng đồng mạng khỏi đầu.


Là giáo viên mầm non, tôi thực sự chạnh lòng khi nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ và cả chính chúng tôi - những người đang hứng chịu búa rìu dư luận vì hành vi sai trái của một bộ phận đồng nghiệp.


Những tủi cực ít ai hay

Cái nghề này vốn đã không có gì vinh quang, nay lại phải gánh thêm điều tiếng không hay.


Trên thực tế, trong các cuộc họp mặt bạn cũ, tôi thường ngại kể với mọi người về công việc của mình. Vì nếu kể, câu chuyện sẽ chẳng khác gì những lời than vãn lê thê, chán ngắt. Nhưng cuộc sống của giáo viên mầm non là vậy.


Sau 3 năm gắn bó với nghề, tôi đã quen với những việc lặt vặt liền tay không chút nghỉ ngơi. Tại nơi tôi dạy, mỗi lớp có khoảng 30 học sinh và hai giáo viên phụ trách. Việc này hoàn toàn không dễ dàng gì khi chúng tôi kiêm đủ chức trách, từ giáo viên đến bảo mẫu, bạn chơi cùng đến người phụ trách vệ sinh.


Hàng ngày, bắt đầu từ 6h45, chúng tôi đón trẻ, nghe những lời dặn dò từ phụ huynh trong trường hợp con họ ốm đau, cần uống thuốc hay phải kiêng ăn món nào.


Giáo viên mầm non không chỉ dạy trẻ múa, hát, nhận biết chữ cái hay làm các phép tính cơ bản. Cái khó của nghề là phải chăm lo cho những đứa trẻ còn chưa có khả năng điều chỉnh hành vi và tự chăm sóc bản thân.


Các em mất trật tự, ngủ hay khóc trong giờ học chỉ là chuyện nhỏ. Chúng tôi có thể giải quyết bằng kỹ năng sư phạm từng được học ở trường. Nhưng với nhiều việc, có lẽ chỉ có tình yêu thương thực sự cùng tính kiên nhẫn hơn người mới có thể làm được.


Hồi mới vào nghề, tôi nản vô cùng vì công việc khó khăn hơn những gì từng nghĩ. 22 tuổi, tôi đã phải làm quen với vai trò của người mẹ và không chỉ một con, tôi có đến 30 bé cần chăm sóc.


Các bé còn nhỏ, việc đánh nhau, cãi nhau xảy ra như cơm bữa. Việc quản lý không dễ dàng dù có đến hai giáo viên phụ trách mỗi lớp.


Phần khó khăn nhất chắc là cho các bé ăn và làm vệ sinh hộ. Mỗi giờ ăn quả thực là một cuộc vật lộn giữa cô và trò. Nhiều bé không chịu ăn, cô giáo phải đút. Một số em hay nôn trớ khắp người.


Kết thúc giờ ăn trưa, chúng tôi lao vào công việc dọn dẹp bàn ghế, đồ ăn vương vãi khắp sàn nhà và rửa ráy, thay quần áo cho các bé.


Thời gian đầu, tôi thấy ghê ghê nhưng khi quen, nó trở thành một phần bình thường của công việc. Và dù sao, tôi đến với nghề vì bản thân thực sự yêu trẻ.


Còn giữ được tâm trong bao lâu?

Song trong 3 năm qua, tôi đã phải tạm biệt hai đồng nghiệp. Một người nghỉ việc vì nghề quá vất vả mà đồng lương không được bao nhiêu. Người còn lại từ bỏ giấc mơ nhà giáo vì nỗi ám ảnh từ dư luận, phụ huynh.


Hiện tại, khi đã làm mẹ, tôi hiểu nỗi lo lắng của phụ huynh khi gửi con cho người khác chăm sóc. Tôi biết họ cần kiểm tra thân thể con mỗi lần trở về từ lớp để đảm bảo trẻ luôn khỏe mạnh.


Tôi thực sự sợ ánh mắt của những bà mẹ tìm đến trường khi con họ bị bầm tím. Tôi không bao biện nhưng trẻ con xây xát do nhiều lý do, đâu nhất định là vì giáo viên đánh. Tuy nhiên, ánh mắt họ nhìn như thể tôi là kẻ vô lương tâm đã đánh đập con họ dã man.


Mỗi dịp lễ tết, phụ huynh tặng chúng tôi quà cáp. Nhiều cha mẹ còn đưa phong bì với lời dặn dò các cô quan tâm đến cháu. Đây cũng là một trong những điều khiến tôi buồn nhất khi nghĩ về nghề. Phụ huynh tặng quà không phải thay lời cảm ơn người đã chăm sóc con họ mà để đảm bảo giáo viên không đánh các bé.


Tôi buồn nhưng trên hết là nỗi day dứt khi chúng tôi trở thành đối tượng cần đề phòng trong mắt cha mẹ học trò. Và rõ ràng, sự đề phòng đó không hề vô căn cứ.


Trên thực tế, không ít giáo viên "gợi ý" phụ huynh đi tiền để có thêm nguồn thu nhập. Điều này tạo cho họ tâm lý tặng quà, đi tiền thầy cô để đảm bảo con họ không bị đánh.


Càng nhiều vụ giáo viên đánh học sinh, lối suy nghĩ bỏ tiền mua an toàn cho con trẻ càng được củng cố vững chắc. Không ít người tâm sự họ cực chẳng đã mới gửi con tại nhà trẻ và luôn cảm thấy thấp thỏm khi không thấy con xuất hiện trên màn hình camera giám sát.


Song với vai trò giáo viên, tôi khẳng định việc phụ huynh biếu quà không thể cải thiện tình trạng bạo hành học trò đáng lo ngại hiện nay.


Tiền không thể mua nổi lương tâm và đạo đức nhà giáo. Những nhà giáo chân chính sẽ luôn chăm lo học sinh chu đáo. Còn những người thiếu lòng yêu thương trẻ vẫn ra tay đánh đập dù họ nhận bao nhiêu tiền.


Khi viết những dòng này, tôi ngẫm lại 3 năm qua và bỗng giật mình bởi sự thay đổi đáng sợ của chính bản thân.


Tôi đã không còn quá lo lắng khi học trò không may bị ngã hay lên cơn sốt đột ngột. Thay vào đó, tôi gọi điện thông báo phụ huynh, xử lý hết chức trách và lo ngại rắc rối sẽ xảy ra nếu các em lỡ gặp chuyện chẳng lành. Không ít lần, tôi vừa chăm trẻ, vừa nghĩ cách để đối phó phụ huynh khi họ đến trường.


Thời gian đầu, tôi thực sự quan tâm từng học trò, tự nhận mình là nhà giáo chân chính. Nhưng có lẽ tôi cũng không tốt như mình nghĩ hoặc áp lực cuộc sống, sự chỉ trích từ xã hội đang dần che lấp nhiệt huyết thuở mới vào nghề.


Tôi không biết mình sẽ giữ được cái tâm, đạo đức trong bao lâu khi nhiều đồng nghiệp đi trước đã rẽ sang hướng khác hoặc phạm phải sai lầm không thể tha thứ và khi giáo viên mầm non trở thành đối tượng bị xã hội chỉ trích, phụ huynh đề phòng.


* Tên cô giáo đã thay đổi. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.


Theo Zing.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non (24/2)
 Chấn chỉnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ (23/2)
 Gia Lai triển khai nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2017 (22/2)
 Cho trẻ cơ hội làm quen với lao động (21/2)
 Tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (20/2)
 Nhà trẻ cho con em công nhân lao động: Mong mỏi đến bao giờ?! (17/2)
 Hải Dương ban hành kế hoạch xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm (16/2)
 Chia sẻ tâm huyết của một giáo viên mầm non (15/2)
 Điều cần cân nhắc khi chọn trường mầm non cho con. (14/2)
 Hạn chế lớp ghép nhiều độ tuổi ở trường mầm non (13/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i