Không ít bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng khi con mình thường quá hiếu động, đứng ngồi không yên, khó tập trung chú ý vào một nhiệm vụ cụ thể nào đó, hay lơ đãng những công việc đang làm, hay rơi vào trạng thái mơ màng, mông lung trong thế giới riêng của trẻ.
Trong tâm lý học trẻ em, đó được gọi là hội chứng rối loạn chú ý. Nguyên nhân sâu xa và hậu quả hội chứng rối loạn này không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ. Vì thế, có những trường hợp không có biện pháp chăm sóc kịp thời, để lại những hệ lụy trong sự phát triển tâm lý của trẻ.
Chị Lan Vi (Q. 2, TP. HCM) than phiền: "Con trai mới lên 3 tuổi của tôi thường có biểu hiện chân tay hoạt động không ngưng nghỉ, tính tình ương ngạnh. Không ai được đụng vào các đồ chơi của cháu khi cháu chưa cho phép, kể cả mẹ. cháu dễ có khuynh hướng xung đột hay gây sự với người khác, phá phách, làm hư hỏng khá nhiều đồ đạc ở trong nhà. Gia đình rất khổ sở vì phải tìm cách ứng phó với con".
Gia đình anh Dũng (Q. 4, TP. HCM) cũng rất mệt mỏi vì tính hiếu động của cô con gái (4 tuổi). Bé thường hành động theo ngẫu hứng, hăng hái một cách vô độ, tính khí thất thường, dễ nổi cáu. Bé luôn thèm ăn vì cần năng lượng để tham gia các hoạt động, nhất là chạy nhảy. Bé rất thích nói chuyện nhưng phát âm khó khăn và hay nói lắp. cũng chính do hấp tấp, vội vàng nên bé rất vất vả trong việc khắc phục những hạn chế về ngôn ngữ nói. Bé thường hát rất say mê, có khi hát liên tục hơn một tiếng đồng hồ nhưng không rõ nội dung.
Những nguyên nhân thường gặp
Những nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý cho thấy, biểu hiện trẻ bị rối loạn chú ý không phải là lỗi của trẻ, do những nguyên nhân mà phụ huynh ít để ý đến:
Thứ nhất, rối loạn chú ý và khả năng tự kiềm chế kém bẩm sinh bị ảnh hưởng từ người mẹ ngay từ khi trẻ còn trong bào thai. Trong giai đoạn mang thai, nếu người mẹ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, buồn rầu, hẫng hụt trong quan hệ tình cảm, rơi vào tình trạng stress thì nguy cơ đứa con mắc chứng rối loạn chú ý cao hơn so với ở những thai phụ có tâm trạng bình thường. Khi mang thai, người mẹ hít phải khói thuốc lá một cách chủ động hay thụ động thì tỷ lệ mắc chứng rối loạn chú ý ở con cũng cao hơn. Những người cha có biểu hiện làm trái các chuẩn mực xã hội, như: hay bạo hành người khác, nghiện rượi, nghiện ma túy và những người mẹ có rối loạn tâm lý thì con cái họ thường có nguy cơ bị rối loạn chú ý.
Thứ hai, do sai lầm trong cách giáo dục trẻ. Khi trẻ làm điều không vừa ý, không ít bậc phụ huynh chọn cách xử phạt để giáo dục con với suy nghĩ khiến con sợ mà thực hiện. Hoặc cha mẹ có tính hung hãn, thiếu kỹ năng nuôi dưỡng con cái dẫn đến chứng rối loạn chú ý của trẻ. Ngược lại, sự chiều chuộng một cách thái quá của cha mẹ với trẻ, luôn đáp ứng những đòi hỏi không hợp lý của trẻ cũng dẫn đến trẻ khó thích ứng với cuộc sống, do đó hoặc là có hành vi gây hấn hoặc "nổi loạn" khi tiếp xúc với người khác.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý còn chỉ ra rằng, hậu quả hành vi củatrẻ bị rối loạn chú ý ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ cha mẹ - con cái sau này và làm giảm chất lượng cuộc sống gia đình. Nhiều trẻ bị rối loạn chú ý bị "chụp mũ" là hư đốn, lỳ lợm, khó bảo nên thường bị bạn bè bỏ rơi. Trẻ còn gặp khó khăn trong việc học vì kém khả năng chú ý. Phụ huynh không nên quá lo lắng, hốt hoảng và buông xuôi khi thấy con mình không có xu hướng tiến bộ. Nếu được cha mẹ hỗ trợ kịp thời thì cơ hội thàn công của trẻ sẽ nhiều hơn.
Khi thấy con có những dấu hiệu của rối loạn chú ý, cha mẹ cần đưa bé đến các trung tâm tư vấn tâm lý để trao đổi cách ứng phó giáo dục trẻ cho phù hợp.
Trẻ bị rối loạn chú ý rất khó tập trung làm một việc gì đó
Trị liệu tâm lý một cách tích cực
Những trẻ mắc chứng rối loạn chú ý cần sự giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn của cha mẹ và các nhà giáo dục để chúng có thể làm chủ hành động của mình, tập trung vào các nhiệm vụ. Trước hết, cha mẹ cần giúp trẻ biết tiếp nhận thông tin, chọn lọc và xử lý thông tin. Giúp trẻ uốn nắn dần để khắc phục trạng thái "tâm hồn treo ngược cành cây". Bên cạnh đó, các thành viên cần được cung cấp một số các kỹ năng sống như gần gũi trẻ thường xuyên, nâng cao chất lượng giao tiếp bằng mắt, bằng biểu cảm trên mặt và giọng nói, giúp cha mẹ trẻ tính kiên trì và khả năng chấp nhận thất bại, hụt hẫng để bình tĩnh ứng phó với các hành vi ứng xử của con. Tránh các hình thức xử phạt, hãy khuyến khích và khen ngợi khi trẻ tập trung làm tốt một hoạt động nào đó, giảm thiểu các hành động ngẫu hứng của trẻ.
Cha mẹ cần biết chủ động phối hợp kịp thời với giáo viên để cùng có cách tác động thống nhất, giúp trẻ thuận lợi trong giao tiếp với mọi người. Trao đổi với giáo viên về những hạn chế của con, giúp con khắc phục những nhược điểm do rối loạn chú ý gây nên. Ngoài ra, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi, các môn thể thao mà bé yêu thích để có thể luyện tập sự kiên trì, chịu khó. Cùng con giải trí như nghe nhạc, xem những bộ phim hài hước để giúp con biết cách cân bằng cuộc sống. Giúp con lập các kế hoạch hành động cụ thể, để trẻ tự đề ra các phương pháp giải quyết. Tôn trọng những nhu cầu chính đáng của con để bé thấy gia đình luôn quan tâm, gần gũi trẻ. Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện rối loạn trong hoạt động và chú ý, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của các nahf chuyên môn về tâm lý trẻ em càng sớm càng tốt, giúp áp dụng có hiệu quả các liệu pháp trị liệu kịp thời giúp trẻ sớm hòa đồng vào cuộc sống.
Lê Phạm Phương Lan
Giảng viên tâm lý Trường Đại học Nguyễn Huệ, Đồng Nai.
Theo GiadinhNet