Thời tiết chuyển mùa nhiệt độ thay đổi thất thường ở cả miền Nam và Bắc, Nam nắng hanh khô ban ngày và se lạnh buổi tối, Bắc thời tiết sang xuân, mưa phùn và độ ẩm cao khiến vi sinh vật, nấm mốc phát triển mạnh và gây bệnh.
Bệnh hô hấp nào thường gặp vào thời điểm giao mùa
Sau những tháng đỉnh điểm của bệnh hô hấp vừa qua (tháng 8-9-10), tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em đang có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, vào những ngày thời tiết trở lạnh sẽ là điều kiện thuận lợi để trẻ mắc các bệnh đường hô hấp. Đối với các tỉnh phía nam, số trẻ mắc bệnh đường hô hấp có thể sẽ gia tăng đôi chút chứ không thật sự cao như giai đoạn đỉnh điểm trước đó. Riêng các tỉnh phía bắc, miền trung - là những nơi thời tiết thật sự trở lạnh thì có khả năng tình hình này sẽ rất đáng quan tâm.
Mùa lạnh trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: viêm hô hấp trên (từ cảm ho thông thường - do rhinovirus, cho đến cúm - do virus cúm, viêm mũi họng, viêm tai), hay các bệnh viêm hô hấp dưới (như viêm phổi và đặc biệt là viêm tiểu phế quản). Đó là do thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại virus đường hô hấp phát triển, trong khi sức đề kháng của trẻ - nhất là trẻ nhỏ - có phần bị ảnh hưởng xấu bởi nhiệt độ lạnh này.
Phòng bệnh hô hấp như thế nào?
Trong điều kiện thời tiết trở lạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn mặc đủ ấm phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài: mặc thêm áo ấm, nón len, mang thêm bao tay, vớ, khăn,... nhất là khi cần thiết phải đưa trẻ ra ngoài.
Rửa tay cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và cả viêm phổi nữa. Thật vậy, tuy là bệnh hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua bàn tay nhiễm bẩn.
Cần tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn hay trẻ khác đang cảm ho - dù chỉ là cảm ho thông thường. Và khi tình hình bệnh hô hấp thật sự đã gia tăng, nên tránh cho trẻ đến nơi đông người nếu không thật cần thiết.
Các bậc cha mẹ cũng cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng mức vì nếu kiêng tắm, vệ sinh thân thể kém thì trẻ cũng dễ dàng mắc nhiều bệnh khác chứ không chỉ là bệnh hô hấp. Tuỳ theo mức độ lạnh bên ngoài, chúng ta mỗi ngày cũng cần cho trẻ tắm hoặc lau người trẻ lần lượt từng phần bằng nước ấm vào thời điểm ấm nhất trong ngày, ở nơi kín gió. Sau đó cho trẻ mặc thêm quần áo ấm, vớ, bao tay, ... nếu cần.
Cha mẹ cũng cần tiếp tục cho trẻ ăn uống đầy đủ để trẻ đủ dinh dưỡng, năng lượng, sức đề kháng chống với cái lạnh cũng như các bệnh hô hấp.
Chủng ngừa, cả tiêm chủng mở rộng lẫn tự nguyện (cúm và đặc biệt là phế cầu) là biện pháp rất hữu hiệu bảo vệ trẻ tránh các bệnh hô hấp nặng nề.
Làm gì khi trẻ bị viêm phổi?
Trước tiên, cần lưu ý là mọi trẻ bị viêm phổi phải được thầy thuốc thăm khám, điều trị, theo dõi cẩn thận để tránh mọi hậu quả xấu.
Bên cạnh các biện phap chăm sóc thông thường, điều quan trọng nhất để giúp trẻ khỏi bệnh là điều trị kháng sinh thích hợp. Theo TCYTTG, nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh thích hợp, kết quả điều trị sẽ rất tốt. Thật vậy, khoảng 70-80% các trường hợp viêm phổi không nặng sẽ được chữa khỏi tại nhà chỉ với kháng sinh uống, không đắt tiền.
Khi được thầy thuốc chỉ định, cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc cần cho trẻ uống, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống thuốc. Không được tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẽ đã tốt hơn. Thông thường thởi gian điều trị trung bình cho viêm phổi là 7-10 ngày.
Tuy nhiên, việc phải dùng thuốc dài ngày với nhiều lần phải cho trẻ uống thuốc trong ngày là việc không phải hoàn toàn dễ dàng với các bậc cha mẹ. Gần đây, chiến lược điều trị kháng sinh ngắn ngày có thể là giải pháp tốt cho trường hợp này. Điều cần lưu ý là không phải người nào, bệnh nào và thuốc kháng sinh nào cũng đều có thể áp dụng chiến lược này. Chỉ có bác sĩ điều trị mới có thể giúp cha mẹ trẻ chọn lựa biện pháp điều trị phù hợp nhất cho con em mình.
Saga / Theo Trí Thức Trẻ