Gần 30 năm gắn bó với giáo dục mầm non nơi vùng đất khó, cô Đoàn Thị Thảo - Giáo viên Trường Mầm non Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) đã dành trọn tình yêu thương cho trẻ em vùng cao.
Vượt lên chính mình
Qua tìm hiểu được biết, trước khi trở thành giáo viên của Trường Mầm non Tân Lập, cô Thảo là cô nuôi dạy trẻ tại Đội 12 thuộc Nông trường Cờ đỏ Mộc Châu.
Cô cho biết: Cách đây 10, 20 năm, những giáo viên giáo mầm non như cô gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn không chỉ bởi đồng lương ít ỏi, hay đường sá đi lại với biết bao nguy hiểm luôn rình rập; mà còn nhận thức của người dân về bậc học này.
Nhiều gia đình không coi trọng nên không cho con đi học mẫu giáo, giáo viên phải rất vất vả vận động trẻ đến trường. Có những hôm, cả buổi học chỉ có vài ba em học sinh đến lớp, nhất là vào mùa Đông, hoặc thời điểm trước và sau Tết, đón được các em đến trường đã khó, nhưng giữ chân các em ở lại trường còn khó khăn gấp vạn.
"Thú thật, thời điểm đó, nếu không yêu nghề, mến trẻ thì chắc khó ai có thể bám trụ được đến ngày hôm nay. Nhiều khi giáo viên chúng tôi bỏ cả việc nhà, việc cửa để đến nhà phụ huynh đón trẻ đến trường; nghĩ lại mới thấy giáo viên chúng tôi thật nghị lực và vượt lên chính mình để bám trường, bám lớp" - Cô Thảo bộc bạch.
Là giáo viên mầm non, chỉ kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ
Được biết, cô Thảo đã đứng lớp ở hầu hết 14 điểm trường của Trường Mầm non Tân Lập và được phân công dạy học ở tất cả các độ tuổi của trẻ.
Ở các điểm trường, học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số và con em hộ nghèo, cận nghèo nên con đường đến trường của các em còn nhiều khó khăn.
"Vào mùa Đông, các em thường thiếu quần áo ấm, nhiều em còn đi chân đất đến trường. Vì vậy, lúc nào chúng tôi cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân quan tâm và đồng hành cùng các em, để các em được đến trường trong điều kiện tốt nhất" - Cô Thảo trải lòng.
Theo cô Thảo, dạy học ở vùng cao không biết thế nào là đủ và tròn vai của một người giáo viên. Bởi các em học sinh dân tộc vẫn còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng, nên lúc nào cô cũng thấy không đủ thời gian để truyền đạt, hướng dẫn các em.
Chính vì vậy cô và các đồng nghiệp luôn tìm mọi cách, sáng tạo trong từng tiết học để bù đắp cho các em, để các em không bị thiệt thòi nhiều so với trẻ em miền xuôi.
Chẳng thế mà học sinh của cô luôn mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động vui chơi và học tập; các em biết chào hỏi khi có khách đến lớp, biết cảm ơn khi được người khác giúp, biết xin lỗi khi mình mắc sai lầm...
Bằng sự chân thành, hết lòng yêu thương trẻ, nên tất cả các lớp mà cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số huy động trẻ ra lớp, không có trẻ bỏ học; tỷ lệ trẻ đạt chuẩn phát triển cao, các em ngoan ngoãn, lễ phép.
Gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, cô Thảo luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Cô tâm niệm: Với cô giáo mầm non, ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất là phải có tình thương yêu, lòng nhân ái và kiên nhẫn...
Mặt khác, trẻ ở lứa tuổi mầm non, các em rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, ứng xử thân thiện và luôn là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
Đây có lẽ là lý do vì sao cô Thảo được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng chọn cô là giáo viên nòng cốt để dạy trẻ lớp 5 - 6 tuổi nhằm hình thành tốt những kỹ năng cần thiết cho các em trước khi vào lớp 1.
Làm GVMN không chỉ dạy mà còn phải dỗ trẻ, phải yêu thương trẻ như người mẹ hiền thì trẻ mới yêu thích đến lớp và hứng thú tham gia các hoạt động vui chơi và học tập.
Cô Đoàn Thị Thảo
Theo GD&TĐ