Từ những chiếc áo mưa tiện lợi không còn sử dụng được, cô giáo Lê Thị Nga (60 tuổi) và cộng sự ở trường mầm non Đức Trí - Đà Nẵng đã sáng tạo ra hơn 200 loại đồ chơi, đồ dùng học tập hữu ích cho trẻ em.
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ luôn có nhu cầu thích khám phá các loại đồ chơi, đồ dùng học tập mới. Những món đồ cũ có khi tiếp xúc chỉ 2-3 lần trẻ đã thấy nhàm chán, không còn hứng thú. Trong khi, để mua được đồ ngoài thị trường luôn đòi hỏi kinh phí lớn, chưa kể các đồ chơi đó có thể độc hại, nguy hiểm với sức khỏe của trẻ . Đơn cử như trường mầm non Đức Trí có 20 lớp, mỗi lớp học hàng chục chủ đề khác nhau, chỉ tính khoản kinh phí mua đồ chơi, đồ dùng học tập mỗi năm đã rất lớn. Từ thực tế đó, để có đa dạng, sinh động nhiều loại đồ chơi, đồ dùng phục vụ cho việc học tập, tiếp thu của trẻ, các cô giáo trong trường đã vận động gia đình các em có đồ phế thải như chai lọ, túi nilon, hộp giấy, áo mưa tiện lợi... mang tới ủng hộ nhà trường. Từ các đồ phế thải này, các cô giáo đã tái chế, biến chúng thành các loại đồ chơi, đồ dùng học tập hữu ích.
Trẻ hứng thú với các loại đồ dùng, đồ chơi làm từ áo mưa tiện lợi đã qua sử dụng.
Trong đó, đáng kể nhất là bộ đồ dùng học tập được sáng tạo bằng áo mưa tiện lợi đã qua sử dụng. Loại áo mưa này rất phổ biến, nhiều người dùng 1 lần rồi bỏ. Cũng vì có nilon nên áo mưa tiện lợi rất khó phân hủy, gây tác hại xấu với môi trường. Tuy nhiên, nhìn ở mặt khác, áo mưa tiện lợi có tính bền, dai, dễ kéo dãn, đa dạng sắc màu, rất phù hợp để sử dụng làm một số loại đồ chơi, dụng cụ học tập. Cô Nga kể, những chiếc áo mưa tiện lợi sau khi thải ra được các cô giáo cắt ra từng sợi, đem giặt, phơi khô rồi xe lại thành những sợi mảnh như sợi chỉ nhưng hết sức chắc chắn. Các sợi này sẽ được bện, tít, dán, gắn với một ít xốp, chai lọ... để tạo hình các loại đồ chơi, đồ dùng học tập. Tổng cộng, cô Nga và đồng nghiệp đã nghiên cứu, sưu tầm mẫu mã và làm ra hơn 200 loại đồ dùng, đồ chơi đủ sắc màu.
Trong số hơn 200 loại đồ dùng mà các cô giáo tạo ra có nhiều mô hình rất sinh động, giàu ý nghĩa, được trẻ tiếp nhận đầy hứng thú. Đơn cử như mô hình các loại phương tiện giao thông như máy bay, ô tô, tàu thủy... giúp trẻ nhận biết đặc điểm các phương tiện, củng cố các kiến thức về giao thông qua trò chơi thực hành luật giao thông, hình thành cho trẻ ý thức về ATGT. Hoặc bộ đồ chơi các con vật, các loại cây hoa, các loại đồ dùng quen thuộc trong nhà giúp trẻ nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, biết so sánh các con vật to-nhỏ, cao thấp, biết trang trí đồ dùng trong nhà ngăn nắp... Cô Nga cho biết, những đồ chơi này khi đưa vào tổ chức các hoạt động cho trẻ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trẻ tích cực tham gia các hoạt động, thích quan sát, tìm hiểu các con vật, các loại hoa quả, đồ dùng; trẻ được vui chơi thỏa thích với các loại đồ chơi qua đó khắc sâu kiến thức đã được học và giúp trẻ thực hiện các kỹ năng thành thạo hơn. Đồng thời qua đó trẻ dễ dàng hiểu sâu hơn ý nghĩa các hoạt động bảo vệ môi trường, cách tiết kiệm một cách nhẹ nhàng, không khô cứng mà rất hiệu quả.
Bộ đồ dùng độc đáo và hữu ích này của cô Nga và đồng nghiệp đã giành được giải Nhất hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật của TP Đà Nẵng và giải Nhì toàn quốc trong năm 2016. Ban giám khảo đánh giá cao sáng tạo này vì ý tưởng tận dụng từ vật liệu phế thải, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, lại có giá trị cao về kinh tế cũng như hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục. Mặt khác, nguyên liệu áo mưa tiện lợi phổ biến, cách làm đơn giản, trong điều kiện nhiều trường mầm non đang thiếu đồ chơi, dụng cụ dạy học thì sáng tạo này càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Được biết, cô giáo Lê Thị Nga cũng là một trong 20 nhà hoạt động khoa học tiêu biểu của Đà Nẵng được TP tôn vinh mới đây trong dịp kỷ niệm 20 năm TP trực thuộc Trung ương.
Theo GD&TĐ