Xác định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT) là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu những năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và các thầy giáo, cô giáo, chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) của tỉnh Vĩnh Long đang từng bước được nâng lên rõ rệt.
Tích cực vận động trẻ ra lớp
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tỉnh Vĩnh Long, tính đến tháng 7-2016, toàn tỉnh có 107 trong số 109 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDMNTNT (đạt tỷ lệ 98,2%). Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên mầm non ngày càng đáp ứng yêu cầu huy động trẻ đến trường, nhất là đối với trẻ năm tuổi. Toàn tỉnh có 128 trường mầm non, trong đó 81 trường có bếp ăn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; 309 trong số 415 điểm trường có sân chơi xanh, sạch, đẹp và 349 sân chơi có đồ chơi ngoài trời được sử dụng thường xuyên, an toàn. Từ năm 2011 đến 2016, toàn tỉnh xây mới 349 phòng học, nâng tổng số phòng học của bậc học mầm non lên 1.321 phòng, trong đó có 237 phòng học dành cho PCGDMNTNT. Ngoài ra, trong số 2.276 cán bộ, giáo viên biên chế thì đạt chuẩn là 2.186 người, trong số đó có 1.738 người đạt trên chuẩn. Công tác đầu tư cho GDMN được quan tâm, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 6-2016 cho giáo dục mầm non là 1.467 tỷ đồng, trong đó ngân sách thường xuyên là hơn 871 tỷ đồng, ngân sách đầu tư là gần 274 tỷ đồng và ngân sách từ nguồn chương trình mục tiêu, dự án là gần 95 tỷ đồng. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục là nguồn huy động để cùng chăm lo cho trẻ và phát triển GDMN với tổng kinh phí là gần 70 tỷ đồng.
Đến thăm Trường mầm non thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm vào giờ sinh hoạt ngoài trời, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, bên cạnh những trò chơi dân gian, trẻ còn được tự do chơi các trò chơi vận động như cầu trượt, đu quay, cầu lông. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Lan cho biết: Người dân trên địa bàn phần lớn làm nghề nông, chưa coi trọng việc cho con em đến trường, nhất là trẻ năm tuổi. Bằng nhiều biện pháp như cử cán bộ, giáo viên đến tận nhà vận động, thuyết phục; xây dựng môi trường học tập, vui chơi thân thiện, an toàn cho trẻ, tạo sự gắn bó giữa trò với cô, với trường lớp, tăng cường hoạt động để trẻ được tiếp xúc, tìm hiểu, khám phá về thế giới chung quanh..., kết quả là 100% số trẻ năm tuổi trên địa bàn được đến trường. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Thạch Thị Ngọc Oanh, người 12 năm gắn bó với nghề dạy trẻ chia sẻ: Nhiều khi công việc rất áp lực bởi một lớp chỉ có hai giáo viên và một nhân viên, chăm sóc khoảng 40 trẻ. Nếu không yêu trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình sẽ khó có thể theo được nghề. Ngoài ra, để trẻ hào hứng đến trường, cô Oanh cùng các giáo viên khác tự trang trí lớp, làm đồ dùng dạy học nhằm phục vụ cho từng nội dung, chủ đề dạy học. Không có điều kiện đóng góp kinh phí để mua đồ dùng, đồ chơi, phụ huynh học sinh đã tham gia ủng hộ nhà trường bằng những nguyên vật liệu thiên nhiên và phế liệu như vỏ chai, vỏ hộp bánh, kẹo, que kem, ống hút để giáo viên có thể tái sử dụng sáng tạo những đồ dùng, đồ chơi để phục vụ chính cho hoạt động giáo dục.
Theo Trưởng phòng GD và ĐT huyện Vũng Liêm Nguyễn Thị Kha: Toàn huyện có 20 trường mẫu giáo ở khắp 20 xã, thị trấn; tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi duy trì luôn đạt 100%. Sau hơn năm năm nỗ lực, đến nay có 19 trong số 20 xã, trị trấn đạt chuẩn PCGDMNTNT. Không chỉ ở Vũng Liêm, tại huyện Mang Thít, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quy định, nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện đã sửa chữa cơ sở vật chất, mượn phòng học ở các trường tiểu học, cơ sở của UBND xã để bảo đảm phòng học cho trẻ năm tuổi theo quy định; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng bếp ăn, mua sắm đồ chơi và thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ năm tuổi. Nhờ thế đến nay, tất cả 13 xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn PCGDMNTNT, đạt tỷ lệ 100%.
Bảo đảm các điều kiện cần thiết
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời: Công tác PCGDMNTNT ở tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn do nhu cầu kinh phí lớn, việc đầu tư cho GDMN nói chung và PCGDMNTNT nói riêng chưa đồng đều ở các đơn vị cấp huyện. Thực tế, công tác đầu tư cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về phòng học, toàn tỉnh hiện còn thiếu 92 phòng học, 17 phòng học tạm thời và mượn 66 phòng học của các trường tiểu học... Ngoài ra, khu vui chơi ngoài trời cho trẻ còn hạn chế, nhất là ở các điểm lẻ; thiếu các phòng chức năng phục vụ công tác chăm sóc dinh dưỡng như phòng y tế, bếp ăn và văn phòng làm việc ở một số trường chưa có hoặc còn phòng mượn, phòng tạm. Để giữ vững tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi đến trường, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học mang tính đặc thù của bậc học, phát huy tính tích cực ở trẻ, phù hợp khả năng, năng lực và nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nâng chuẩn và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Thực hiện tốt và có hiệu quả chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Khuyến khích, động viên giáo viên tự học tập, trau dồi nghề nghiệp để bổ sung kiến thức và kỹ năng thực hiện tốt chương trình GDMN. Ưu tiên đầu tư bảo đảm đủ phòng học và đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn đạt chuẩn PCGDMNTNT.
Theo Vụ trưởng GDMN (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Bá Minh, đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như tỉnh Vĩnh Long, để nâng cao chất lượng PCGDMNTNT, cần quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng hiệu quả, chuẩn, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân. Bên cạnh đó, tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường, nhất là trẻ trong độ tuổi nhà trẻ; nâng cao tỷ lệ trẻ học hai buổi/ngày; thực hiện chi trả đúng, đủ và kịp thời các chế độ, chính sách cho trẻ theo quy định hiện hành. Việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non cũng cần chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của các trường mầm non.
Theo GD&ĐT