Bị bệnh cúm khi mang thai rất nguy hiểm, bởi những độc tố của virus cúm có thể tác động xấu đến thai nhi gây dị tật. Vì vậy mẹ bầu cần chủ động phòng ngừa cũng như biết cách nhận biết và điều trị sớm tránh để lại những hậu quả đáng tiếc
Theo các chuyên gia, nếu mẹ bị bệnh cúm trong thời gian mang thai đặc biệt là 3 tháng đầu là vô cùng nguy hiểm. Bởi đây là thời điểm thai nhi bắt đầu hình thành những cơ quan quan trọng, virus cúm sẽ "tấn công" làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình này. Mặt khác, việc dùng thuốc để điều trị bệnh cúm khi mang thai cũng gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các loại thuốc đều không tốt cho cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ cần hết sức cẩn thận và đặc biệt quan tâm đến sức khỏe.
Virus cúm thường "tấn công" gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành cũng như sự phát triển của thai nhi
1/ Hậu quả khôn lường khi bà bầu bị cúm
Bị cúm thường lành tính và không gây nguy hiểm gì đối với mẹ nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với quá trình hình thành và sự phát triển của thai nhi. Trong đó, khi người mẹ bị sốt cao ở 39 độ C và kéo dài liên tục thì nguy cơ bé bị dị tật sẽ xuất hiện, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Những dị tật như: sứt môi, hở hàm ếch, hội chứng Down, khiếm khuyết một bộ phận hay cơ quan nào đó...
Trong 3 tháng giữa nếu mẹ bị cúm nặng thường sẽ để lại nhiều di chứng về não bộ của thai nhi. Ngoài ra, độc tính của virus cúm kết hợp với sốt cao có thể kích thích tử cung co bóp gây ra tình trạng sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
2/ Dấu hiện nhận biết bệnh cúm
Bệnh cúm là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus cúm gây ra nên thường có những triệu chứng đặc trưng như sau:
- Người mẹ bị sốt từ khoảng 38-39 độ C
- Cơ thể rét run kèm cảm giác ớn lạnh
- Đau đầu, mệt mỏi, đau họng hoặc ho khan
- Hắt hơi, sổ mũi liên tục và nghẹt mũi
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như sức đề kháng và chế độ chăm sóc nghỉ ngơi của mẹ bầu mà các triệu chứng trên sẽ hết sớm hoặc kéo dài. Thông thường từ 3-5 ngày là bệnh sẽ giảm nhưng đôi khi phải mất đến hơn 1 tuần.
3/ Cách điều trị bệnh cúm khi mang thai
Mẹ bầu sử dụng thuốc tây để điều trị cúm cần hết sức thận trọng, nếu bệnh quá nặng bắt buộc phải dùng đến thuốc thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc mẹ hãy áp dụng những cách điều trị bằng thực phẩm biết đâu sẽ có tác dụng hiệu quả.
Tỏi trị cảm cúm
Không đơn giản là một loại gia vị, tỏi còn có công dụng điều trị bệnh cúm rất hiệu quả. Trong tỏi có thành phần Allincin, là một chất kháng sinh giúp chống lại các loại virus gây bệnh. Bên cạnh đó, tỏi còn có tác dụng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau cúm và tăng sức đề kháng, rất an toàn với phụ nữ có thai.
Cách làm: Dùng tỏi giã nhuyễn sau đó uống với nước. Hoặc nhỏ vài giọt nước cốt tỏi vào mũi, tuy sẽ khiến mẹ khó chịu nhưng các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi sẽ giảm hẳn.
Xông hơi bằng lá thảo dược
Mẹ hãy chuẩn bị một số loại lá như lá bưởi, húng quế, tía tô, bạc hà, sả, gừng tươi, chanh với lượng vừa đủ. Rửa sạch rồi cho vào nồi đổ ngập nước và đun sôi, sau đó chùm kín chăn lên người cùng với nồi lá, mở nắp he hé cho hơi nóng thoát ra. Nên nhớ không nên mở hết nắp nồi vì sẽ gây phỏng hơi. Ngồi như vậy khoảng 15-20 phút cho đến khi đổ mồ hôi, dùng khăn khô lau sạch là được.
Dùng cháo trứng và lá tía tô
Khi mới nhận thấy dấu hiệu bị cảm cúm mẹ bầu chỉ cần ăn cháo trứng nấu với lá tía tô là sẽ khỏi nhanh chóng. Lưu ý khi ăn phải ăn lúc cháo còn nóng và có nhiều lá tía tô, có như vậy mới giúp cơ thể toát nhiều mồ hôi.
4/ Phòng ngừa bệnh cúm
Trong thời gian mang thai, nếu bà bầu có sức khỏe tốt và biết cách phòng ngừa thì bệnh cúm sẽ không đến "làm phiền". Vì vậy hãy thực hiện những điều sau, mẹ nhé!
- Tích cực bổ sung nhiều loại trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch. Uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối loãng hàng ngày.
- Khi đi ra ngoài mẹ hãy trang bị cho mình một chiếc khẩu trang chống bụi cùng với áo mưa.
- Bà bầu có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao do hệ miễn dịch suy giảm vì thế cần tránh tiếp xúc với người đang bị cúm.
- Hạn chế thói quen dùng tay che miệng khi hắt hơi hoặc ho, không nên sờ tay lên mặt vì có thể làm vi khuẩn lây lan nhanh.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết giao mùa, trở lạnh. Kiêng cữ những món ăn có tính lạnh như kem, uống nước đá...
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng khi mang thai và nghỉ ngơi hợp lý để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Theo Marrybaby