Chiếu cố và trò chuyện về những món ăn con thích, những món ăn mẹ nấu ngon hay không là cách để trị tính biếng ăn ở trẻ.
Nếu mẹ nghĩ trẻ biếng ăn chỉ là do vấn đề bệnh lý thì hoàn toàn sai lầm, nó còn xuất phát từ những nguyên nhân tâm lý.
Thông thường, tình trạng biếng ăn xảy ra ở trẻ từ 1-3 tuổi, thời điểm tập đi của hầu hết các bé. Điều đó đồng nghĩa với việc bé độc lập hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào mẹ nữa, biết trốn nếu không thích ăn và biết lựa chọn những món mà mình thích, từ chối hoặc khóc um lên nếu như bị ép ăn.
Mẹ cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề biếng ăn ở con. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, ở thời điểm này, thức ăn không chỉ là thứ duy nhất hấp dẫn con mà mọi việc, mọi sự vật xung quanh đều khiến bé thu hút và bỏ ra hàng giờ để chơi nhưng tuyệt nhiên không muốn đụng chạm đến đồ ăn.
Vì thế, để chấm dứt tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ, mẹ cần phải hiểu tâm lý của con, biết được nguyên nhân khiến cho con không có cảm giác thèm ăn và luôn trốn tránh trước bữa cơm.
Những dấu hiệu cho thấy bé bị biếng ăn:
- Không đòi ăn
- Chậm tăng cân
- Suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời
- Dù bị kích thích bởi những món ăn ngon nhưng vẫn không đòi ăn
- Thích chơi và nói chuyện hơn là ăn uống
Khi mẹ nhận thấy con có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây chứng tỏ vấn đề biếng ăn đang bắt đầu được hình thành. Hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra giải pháp.
Để con tự đút, tự ăn cũng là một giải pháp tuyệt vời. Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ:
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho một đứa trẻ bỏ ăn, không hứng thú với đồ ăn mặc dù đã được mẹ chuẩn bị rất kĩ. Một trong số đó có thể là:
- Miệng của con có vấn đề: Một số bất thường trong miệng cũng có thể khiến trẻ bỏ ăn. Mẹ cần chú ý kiểm tra răng miệng của con thường xuyên.
- Trong thời gian mang thai hoặc cho con bú có thể mẹ đã sử dụng một số loại thuốc không an toàn.
- Thiếu chất dinh dưỡng: Mẹ có tin được không khi trong những thức ăn mẹ nấu cho con chưa thực sự đầy đủ chất dinh dưỡng cũng có thể phát triển một số vấn đề sức khỏe ở con, trong đó có chứng biếng ăn.
- Sức khỏe cơ thể: Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe các bộ phận cơ thể con. Bị đau ở tay chân hay bất kỳ bộ phận nào đều có thể ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý ăn uống của con.
Dưới đây là một số lời khuyên cho mẹ để điều trị chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ:
- Dạy cho con cách nhận biết "đói và no"
- Lập một thời khóa biểu cố định về các bữa ăn cho con
- Cho phép con tự cầm muỗng để xúc thức ăn
- Giới thiệu với con một số món ăn bốc
- Nói cho con biết rằng con chỉ có một thời gian nhất định để hoàn thành bữa ăn của chính mình. Bên cạnh đó, việc con phải ngồi cùng bàn ăn với các thành viên trong gia đình cũng là một cách để giáo dục trẻ về cách ăn uống.
- Trò chuyện với con: Nhiều mẹ sẽ hỏi rằng "Làm thế nào để tôi có thể nói chuyện với nó trong khi nó đã không thích ăn?". Câu trả lời tốt nhất đó là hãy quan sát, quan tâm tới con để biết chúng thực sự đang cần gì hơn là gắt gỏng lên hay đối đầu với chúng.
- Hành động ngay lập tức: Khi thấy con có biểu hiện chán ăn mẹ cần ngay lập tức tìm hiểu nguyên nhân và tham khảo ý kiến, lời khuyên từ người khác hoặc bác sĩ bởi càng để lâu, chứng biếng ăn ở trẻ càng nặng hơn.
Không nên khen ngợi thái quá nếu như bé ăn được nhiều. Ảnh minh họa
Mẹ không nên làm gì?
- Đổ lỗi cho con: Đổ lỗi cho con khi con biếng ăn càng khiến vấn đề trở nên nặng nề hơn bởi đây thực sự là kết quả của một sự kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố sinh học, dinh dưỡng, tâm lý và xã hội / văn hóa.
- Không nên tránh né vấn đề: Đừng nghĩ rằng con sẽ tự giác ăn uống trong khi bạn không cần phải can thiệp. Bởi đây là một vấn đề xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan của bé, con sẽ không thể tự giải quyết được.
- Háo hức mong đạt được hiệu quả: Đừng quá vội vàng hy vọng bé sẽ nhanh chóng ăn uống ngon lành trở lại khi mẹ mới "dùng một vài chiều đơn giản". Cần theo dõi và thực hiện trong thời gian dài.
Theo Eva.vn