Tâm lý
   Trẻ con luôn luôn nói dối
 

Càng lớn, các lời nói dối của trẻ càng "tinh vi" và khó phát hiện, các lý do được đưa ra sẽ ngày càng hợp lý và dễ đánh lừa người khác hơn.


Có một sự thật là bất cứ đứa trẻ nào cũng từng nói dối. Từ các lời nói dối đơn giản như: "Con không làm vỡ cái đĩa, con mèo làm vỡ đó mẹ!" cho đến: "Con không lấy đồ của bạn, con chỉ mượn một chút thôi, mai mốt con trả lại cho bạn". Càng lớn, các lời nói dối của trẻ càng "tinh vi" và khó phát hiện, các lý do được đưa ra sẽ ngày càng hợp lý và dễ đánh lừa người khác hơn. Đó là do sự phát triển về mặt nhận thức và ngôn ngữ của trẻ, là tiến trình bình thường trong sự phát triển tự nhiên.

 

Nếu con bạn ba tuổi và có biểu hiện nói dối thì đừng quá lo lắng, vì thực ra con bạn đang lớn lên một cách bình thường và không có vấn đề gì về mặt nhận thức. Việc các bạn cần phải giải quyết là sửa tật nói dối ngay từ khi trẻ còn nhỏ, không để cho "nói dối" trở thành một thói quen và là cách giải quyết duy nhất khi trẻ phải đối diện với khó khăn. Hãy làm cho đứa trẻ của chúng ta lớn lên, trở thành người trung thực, thẳng thắn, sống đẹp đẽ và dũng cảm!


Ảnh mang tính minh họa

 

Trẻ tuổi nào cũng có thể nói dối
Một lần, tôi chở hai đứa cháu họ, một bé trai sáu tuổi, một bé gái ba tuổi đi chơi và cho cả hai ăn kem. Khi tôi giao hai bé cho mẹ của các cháu, cô ấy đã hỏi cả hai rằng: "Các con đi chơi có ăn kem không? Mẹ dặn không được ăn kem vì sẽ bị đau họng. Có nhớ lời mẹ dặn không?". Bé trai dù sợ mẹ nhưng vẫn thú nhận là đã ăn, khẳng định em gái cũng ăn. Nhưng bé gái lại cương quyết nói không ăn. Mẹ của bé nổi giận vì không thể tin con mới ba tuổi đã nói dối. Khi kiềm chế cơn giận, cô ấy nhẹ nhàng tỉ tê: "Nếu con có ăn thì con nói thật với mẹ, mẹ không giận đâu". Nhưng bé vẫn giữ nguyên thái độ "chối tội" của mình.


Lần khác, tôi chứng kiến trường hợp nói dối của hai nhóc tì nhà chị Tâm, hàng xóm gần nhà tôi, một đứa tám tuổi còn một đứa chín tuổi, học cùng trường. Khi đón con từ trường về nhà, chị phát hiện hai đứa có vết bầm trên đầu gối và vài vết xước ở mặt. Khi chị hỏi tại sao, hai đứa nhìn nhau một lúc rồi trả lời: "Tụi con chạy giỡn té". Chị xoa thuốc và dặn dò lần sau nhớ cẩn thận. Hôm sau đi làm về, tôi thấy hai nhóc khóc lóc om sòm, nhìn vào thấy chị đang cầm lăm lăm cây roi quất liên tục vào mông con, vừa đánh vừa mắng: "Cho chừa này, dám đánh nhau ở trường này, còn dám nói dối mẹ nữa". Thì ra là hai đứa nhỏ đánh nhau với bạn vì giành giật đồ chơi, nhưng khi mẹ hỏi thì lại nói là chơi giỡn té, đến khi cô giáo gọi điện mẹ mới vỡ lẽ.


Vì sao trẻ nói dối?

Trong trường hợp thông thường, trẻ sẽ nói dối vì:
Sợ hãi khi phải nhận lỗi, chưa hẳn trẻ sợ bị phạt, nhưng thật khó để trẻ thừa nhận mình đã gây ra một hậu quả nào đó.


Mắc cỡ với mọi người xung quanh nếu thừa nhận mình vừa gây ra lỗi. Chẳng hạn, giữa quán ăn, nhiều trẻ chạy nhảy, làm đổ nước, trẻ gây ra lỗi này sẽ mắc cỡ nên lắc đầu nguầy nguậy để trốn tội.


Muốn trốn tránh các hình phạt. Trẻ nghĩ rằng mình đã làm sai chuyện gì đó và biết chắc hậu quả nếu nhận lỗi. Nói dối làm sự việc đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần nói dối, sẽ tránh mọi rắc rối.


Trẻ muốn giấu người lớn về một việc nào đó mà trẻ muốn giữ bí mật cho riêng mình, không muốn cha mẹ biết. Ví dụ như trẻ có thói quen viết nhật ký, nhưng không muốn cha mẹ biết vì nghĩ cha mẹ sẽ lén đọc. Khi được hỏi, trẻ sẽ nói "con không viết nhật ký nữa", nhưng thực ra trẻ vẫn viết và giấu nơi nào đó.


Cách xử lý khi trẻ nói dối

Phản ứng của cha mẹ cần tinh tế và khéo léo. Khi trẻ nói thật, khuyến khích trẻ bằng cách bỏ qua lỗi lầm. Khi trẻ nói dối, cố gắng đừng nóng giận hay dùng những lời lẽ cực đoan chỉ trích. Nguyên tắc ở đây là: chỉ nói về hành vi sai lầm của trẻ, chứ không xét đoán nhân cách trẻ. Ví dụ, khi trẻ nói dối, bạn có thể nói: "Nói dối là không tốt, ba mẹ không thích con nói dối. Khi con nói dối, ba mẹ rất buồn". Không nên nói: "Con thật là hư, suốt ngày chỉ đi quậy, không ra làm sao cả". Dùng từ ngữ tiêu cực sẽ càng làm cho đứa trẻ cảm thấy tổn thương và có xu hướng nói dối vào những lần tới để không phải nghe chỉ trích nữa.


Như vậy, nếu nhìn việc "nói dối" như một hành vi không thích hợp để can thiệp thì chúng ta có thể dùng nguyên tắc can thiệp hành vi để điều chỉnh. Nguyên tắc này cơ bản là đưa ra sự kích thích tích cực (thưởng) đối với hành vi tốt và rút lại phần thưởng (hoặc phạt) theo sau hành vi sai trái. Tuy nhiên cách thức tiến hành cần linh hoạt.


Bỏ qua hình phạt, nhắc nhở khi trẻ vi phạm các lỗi lần đầu, tránh khiến trẻ quá sợ bị phạt mà phải nói dối. Ví dụ, khi tôi phát hiện con tự cắt tóc khi chơi đồ hàng, tôi hỏi: "Có phải con cắt tóc không?", nếu bé trả lời có, hãy bỏ qua hình phạt, vì ít nhất nó cũng đã dũng cảm nhận lỗi, chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở lần sau không được tái phạm. Cố gắng nhẹ nhàng nhưng vẫn bảo đảm nghiêm túc: "Mẹ không thích con tự ý cắt tóc, vì việc đó không đúng, làm con xấu đi rất nhiều và trông rất buồn cười".


Cho phép con phạm sai lầm, nhưng con phải thừa nhận sai lầm và có ý thức thay đổi. Không có đứa trẻ nào không mắc vài lỗi trong quan hệ với bạn bè và người lớn. Cần cho trẻ thấy cái lợi của việc thừa nhận sai lầm so với nói dối. Ví dụ khi trẻ vẽ bậy lên tường bằng bút chì, mẹ hỏi: "Có phải con làm không?", nếu trẻ chối bay chối biến, hãy cho biết rằng bạn biết rằng trẻ đã làm và trẻ đang nói dối, và vì nói dối mẹ nên phải tự lau sạch tường. Nếu trẻ thừa nhận, hãy mềm mỏng: "Việc con vẽ lên tường là sai. Con cần lau tường cho sạch, và vì con đã thành thật nên mẹ sẽ làm cùng với con".


Khi đưa hình phạt, đi kèm giải thích rõ lý do bị phạt. Nếu trẻ nói dối, cần đưa ra hình phạt: "Vì con nói dối nên con vào góc đứng úp mặt vào tường ngay" hoặc rút thưởng: "Vì nói dối nên cuối tuần này con không được đi chơi công viên nữa" và nhớ giải thích rằng trẻ bị phạt vì trẻ nói dối chứ không phải vì trẻ làm sai.


Khen ngợi thường xuyên khi trẻ có hành vi tốt. Khi một đứa trẻ được khen ngợi đủ, chúng sẽ thường xuyên thực hiện các hành vi tốt để được khen ngợi nhiều hơn, điều đó cho thấy chúng ta đang tôn trọng những phẩm chất cá nhân và cái tôi rất riêng của trẻ.


Tác giả William Shakespeare đã nói: "No legacy is so rich as honesty" (Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực) vì vậy, rèn luyện trẻ trở thành một người trung thực là điều cực kỳ quan trọng và đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn của cha mẹ.


Theo PNO

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ba kiểu dạy dỗ của cha mẹ dễ biến con thành người bất hiếu (21/9)
 Bé học giỏi hơn nếu ở giữa thiên nhiên (19/9)
 17 điều cha mẹ ứng xử khiến trẻ thêm tự tin (16/9)
 Hãy dạy bé những điều này là bạn đã có thể cứu sống con của mình (14/9)
 Những kĩ năng cha mẹ cần dạy trẻ trước khi lên 10 (13/9)
 6 hành vi nhỏ cần trị ngay để con không hư (12/9)
 Mẹ nên làm gì để con đỡ khóc trong những ngày đầu đi nhà trẻ? (9/9)
 Phụ huynh nên làm gì để giúp trẻ thành công (7/9)
 7 phép lịch sự tối thiểu cha mẹ phải dạy con khi ngồi vào bàn ăn (6/9)
 5 kỹ năng trẻ nào cũng cần biết trước khi đi học mẫu giáo (5/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i