Trường đại học Essex (Anh quốc) khẳng định chỉ cần vài phút ra ngoài thiên nhiên, con người có thể tăng cảm giác tự tin, đánh giá bản thân tốt hơn và tâm trạng ổn định, hưng phấn cũng tăng lên rất nhiều.
Đối với một đứa trẻ, thiên nhiên có vai trò gì?
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con kể về một cậu bé 7 tuổi, rất sợ học, nghe đến "học", "bài tập" là hoảng loạn, ghét phải cùng làm một việc gì đó với cả nhóm học sinh, dễ lăn ra kêu khóc hoặc hét lên khi đang ngồi học. Thế nhưng, cứ mỗi lần việc học được diễn ra ở môi trường ngoài trời, thiên nhiên, có cây cỏ hoa lá, hành vi của cậu tỏ ra kiềm chế hơn hẳn và ít có cảm xúc tiêu cực như khi ngồi trong 4 bức tường.
Đó là lý do vì sao tôi cho rằng, không phải đợi đến những kỳ nghỉ, bố mẹ hãy nghĩ đến thiên nhiên và các hoạt động ngoài thiên nhiên cùng các thiên thần nhỏ của mình. Đến với thiên nhiên 2 tuần 1 lần, 1 tháng 1 lần, 3 tháng 1 lần... - là lựa chọn của gia đình bạn. Dù ít dù nhiều tùy theo điều kiện sắp xếp thời gian thì việc tiếp xúc với thiên nhiên luôn để lại dấu ấn tích cực đối với cuộc sống của cả gia đình và mỗi thành viên của nó.
Tháng 11/2012 báo chí đưa tin về kết quả thí nghiệm của các nhà khoa học trường đại học Essex (Anh quốc) trên 1252 tình nguyện viên: họ khẳng định rằng, chỉ cần vài phút ra ngoài thiên nhiên, con người có thể tăng cảm giác tự tin, đánh giá bản thân tốt hơn và tâm trạng ổn định, hưng phấn cũng tăng lên rất nhiều.
Thiên nhiên có những "bảo bối" quan trọng ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của trẻ: ánh nắng mặt trời, không khí trong lành, các chất khoáng trong nước biển, không khí biển, trong bùn đất...
Thiên nhiên là người thày với trẻ. Hiện nay trên thế giới càng ngày càng nhiều trường học thực hiện tổ chức học thực địa. Một số môn học được đưa ra bên ngoài nhà trường, trong các chuyến dã ngoại, ở vùng thiên nhiên xinh đẹp. Trẻ tập trung hơn và dễ bộc lộ mình hơn. Ngoài ra, trẻ có thể học được rất nhiều từ thiên nhiên: màu sắc, hình khối, âm thanh, những hoạt động của côn trùng, cảm nhận về nắng, gió, mây và những bài học nho nhỏ của lá cây, rễ cây, mưa... đều rất có ích cho lũ trẻ.
Tôi còn nhớ, con trai tôi năm lên 7 được mẹ đưa đến rừng Cúc Phương. Nó đã rất hưng phấn, say sưa tìm, ngắm côn trùng, cây lá. Có lúc thấy cậu ta đứng rất lâu lắng nghe, bảo mẹ: Mẹ có nghe thấy tiếng đập cánh của mấy bạn này không? Nhìn kỹ thì đó là một đàn kiến mối. Chúng đi một đoạn lại dừng lại đập cánh. Phải lắng nghe kỹ mới nhận ra được. Và đấy là một quan sát thú vị, từ đó, cậu bé đặt ra rất nhiều câu hỏi khác. Những hiện tượng trong tự nhiên luôn kích thích sự tò mò tìm hiểu của trẻ.
Trẻ học được các kỹ năng gì cùng thiên nhiên?
1. Quan sát, đặt câu hỏi: thiên nhiên rộng lớn có đầy ắp những "giáo cụ trực quan" phong phú, thú vị để trẻ thực hiện những thao tác tư duy. Đây cũng là nơi nảy sinh nhiều câu hỏi bất ngờ, cần thiết cho quá trình tìm hiểu thế giới của trẻ.
2. Tưởng tượng, liên tưởng: Ra với thiên nhiên, trẻ được thư giãn, các giác quan hoạt động cao nhất: mắt nhìn, tay sờ các "hiện vật" mà không bị hạn chế, lắng nghe các âm thanh xung quanh, thu nhận các mùi hương từ nhiều nguồn (hoa, lá, đất, bùn, thậm chí mùi mưa, mùi của các con côn trùng phát ra...), đôi khi được cảm nhận thế giới qua vị giác (hoa quả, chút mật ở cuống hoa, vị nhặng nhặng của cỏ.v..v..). Những khung cảnh khác nhau trẻ được đến, được đắm mình vào thiên nhiên sẽ dần cho trẻ những cảm nhận thế giới thông qua một hệ thống cảm giác khó tách bạch, khiến trẻ nhạy cảm hơn với hình ảnh, mùi vị, âm thanh, đôi khi chỉ là thoảng qua. Từ cảm nhận được ghi nhận ấy, trẻ phát triển được trí tưởng tượng và sự liên tưởng về sau - tư duy hình tượng phát triển. Sau này, khi nhắc đến cây, hoa, lá, rừng, ... và những từ khóa liên quan đến tự nhiên, trẻ có thể liên tưởng rất nhanh đến hình ảnh, màu sắc, hình khối, mùi vị... liên quan, là cơ sở để trí tưởng tượng hoạt động, vẽ được nhanh không gian, hình ảnh trong đầu khi đọc sách...
3. Tư duy logic: những gì diễn ra ngoài thiên nhiên cho trẻ những liên tưởng logic quan trọng. Ví dụ, những quan sát như: trời nắng nên cây cối cằn cỗi, khi trời mưa, cây cối được uống nước, lại vươn lên. Gió thổi mạnh, mây đen đang kéo đến, kiến mối kiến cánh xuất hiện nhiều, chuồn chuồn bay thấp vội vàng → chắc là trời sắp mưa giông.
4. Ghi nhớ: có thể luyện trí nhớ cùng với các sự vật, hiện tượng ngoài thiên nhiên. Ghi nhớ các loài cây cỏ, ghi nhớ hình dạng côn trùng, nhớ đường đi.v..v
5. Bài học về Mỹ học: Vẻ đẹp (màu sắc, hình khối, cách sắp đặt hình ảnh) của thiên nhiên trao cho trẻ bài học đầu tiên thấm thía vể mỹ học. Khái niệm về cái đẹp, sự hài hòa đến với trẻ bắt đầu từ "người nghệ sĩ" Thiên nhiên. Cảnh mặt trời mọc trên biển, cảnh hoàng hôn với ánh nắng rực lên cuối ngày đọng trên các ngọn cây ở một làng quê, cảnh mưa chiều trắng xóa, cảnh cầu vồng lấp lánh sau mưa, cảnh đàn gà con líu ríu chạy theo chân mẹ, cảnh cò trắng bay rợp một cánh đồng... - trẻ cần được chứng kiến những cảnh ấy. Chúng cho những bài học không lời.
6. Vận động: tất nhiên rồi, bài học vận động là bài học lớn nhất được nhận khi ở ngoài thiên nhiên. Các bạn nhỏ có thể dang tay vung chân, chạy thoải mái, hét hò thật to - những gì bạn không được khuyến khích lắm khi ở trường, ở nhà, ở nơi không gian chật hẹp đông người. Đôi khi bạn có thể học trèo cây, đi qua một cây cầu khỉ, khéo léo đi trên những con đường độc đạo gai góc..v.v. Vận động giúp giảm được stress, giải tỏa năng lượng thu động tích tụ, suy nghĩ tích cực hơn. Các trò chơi ngoài trời tiếp thêm năng lượng mới cho các hoạt động học tập.
7. Các bài học kỹ năng sống: ra ngoài thiên nhiên, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cuộc đi chơi của bạn: côn trùng đốt, nắng quá, mưa, đói, bị lá ngứa cọ vào, lạc đường, cần nấu ăn, buộc một cái cọc... - là cơ hội để học cách vượt qua.
TSGD Nguyễn Thụy Anh - Theo Emdep.vn