Mùa hè thời tiết nóng bức dễ khiến trẻ bị rôm sẩy. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh cần biết nên cho trẻ ăn gì và không nên ăn gì để tránh làm tình trạng bệnh nặng.
Khi trẻ bị rôm sẩy nên ăn những gì?
Khi trẻ bị rôm sẩy thân nhiệt thường cao, hay khó chịu, cáu gắt và gãi ngứa nhiều dẫn tới tình trạng chán ăn, mệt mỏi. Lúc này các bậc phụ huynh phải tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước và ăn các loại trái cây mát như cam, bưởi. Nếu được nên cho trẻ uống nước rau má, nước râu ngô, bột sắn dây hoặc nước chè loãng và không sử dụng hoặc sử dụng rất ít đường để không làm cơ thể trẻ nóng thêm.
Riêng bột sắn dây thì cần hòa thành bột đặc với nước ấm nóng để tránh trường hợp hòa nước lạnh khiến trẻ ăn bị đau bụng bởi lúc mắc bệnh hệ tiêu hóa cũng như sức đề kháng của trẻ rất yếu.
Cho trẻ uống nước trái cây như chanh, thanh long, bơ, cam, nhưng tuyệt đối không cho trẻ uống nước đá hoặc nước và trái cây để ở ngăn đá vì chúng có thể làm trẻ bị viêm họng hoặc có thể bị sốc nhiệt giữa trời hè oi bức.
Một số lưu ý cần tránh khi chăm sóc trẻ bị rôm sẩy
Trong khi chăm sóc trẻ bị rôm sẩy tại nhà, các mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây để tránh nặng bệnh thêm cho trẻ:
- Không massge cho trẻ bằng dầu oliu hoặc dầu dừa: Bởi những loại dầu này dễ khiến tình trạng tắc lỗ chân lông trở nên nặng thêm và từ đó dẫn đến tình trạng rôm sẩy không những không thuyên giảm mà còn nghiêm trọng hơn.
- Không tắm nước chanh quá nhiều và nước lá quá đặc: Tuyệt đối không được vắt nhiều nước chanh vào nước tắm của trẻ hoặc chà xát lên da trẻ tránh gây tổn thương cho làn da mỏng manh non nớt của bé.
Nước chanh đậm mang axit lớn có thể gây kích da, tổn thương da của trẻ bé do hàm lượng axit quá cao. Đối với nước lá cũng không nên nấu quá đặc bởi lượng tinh bột của lá có thể đọng lại trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da hoặc dị ứng cho trẻ.
- Nếu da trẻ bị trầy xước thì càng không nên tắm nước lá để tránh da bị vi khuẩn xâm nhập dẫn tới nhiễm trùng.
- Không dùng sữa người lớn tắm cho trẻ bởi trong sữa tắm của người lớn chứa đồ kiềm cao dễ khiến da trẻ bị khô, từ đó làm tình trạng bệnh rôm sẩy thêm nặng.
- Không được tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi nếu sử dụng nhầm thường hoặc liều lượng quá so với quy định sẽ rất nguy hiểm.
- Tránh đưa trẻ đến nơi đông người để tránh tình trạng nhiễm khuẩn bởi không khí ngột ngạt nóng nực của mùa hè.
Theo SK&ĐS