Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, việc giữ ấm cho trẻ là rất quan trọng để tránh bị nhiễm lạnh dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác như viêm phổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ đã chết một cách thương tâm chỉ vì cách ủ ấm sai lầm của bố mẹ.
Đợt lạnh kỷ lục kéo nền nhiệt xuống thấp dưới 10 độ C, cha mẹ nào cũng xót xa và ra sức ủ ấm con bằng mọi cách. Thế nhưng nhiều người không biết rằng, những điều tưởng tốt cho bé đó nếu không có những kiến thức nhất định về chăm sóc trẻ sẽ rất dễ phản tác dụng. Những trường hợp trẻ nhỏ tử vong vì cách ủ ấm sai lầm của người lớn sẽ là bài học cảnh báo cho các bậc cha mẹ về cách chăm sóc con trong những ngày giá rét như thế này.
Trẻ tử vong vì mặc quá nhiều quần áo và đắp quá nhiều chăn
Vừa qua, câu chuyện đau lòng về 2 bé sơ sinh người Trung Quốc tử vong do được mặc quá nhiều quần áo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các ông bố bà mẹ về việc giữ ấm cho con ngày lạnh. Ngày 7/12/2015, tại khoa nhi bệnh viện Tân Kiều, thuộc đại học Y Trùng Khánh tiếp nhận ca trẻ sơ sinh 7 ngày tuổi đang trong tình trạng rất nguy kịch, sắc mặt đã chuyển sang màu đen. Theo lời bố mẹ em bé, hai người đã cho con mặc vài lớp quần áo sơ sinh, lại đắp thêm 2 cái chăn và để trẻ nằm cạnh mẹ vì sợ con bị lạnh. Đến sáng tỉnh dậy, thấy con rất bất thường, không khóc và tim cũng không đập, mẹ mới đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn. Ngày hôm sau, bệnh viện lại tiếp tục tiếp nhận thêm một trường hợp bệnh nhi 29 ngày tuổi bị tử vong vì lí do tương tự. Bác sĩ kết luận trẻ đã mắc hội chứng ủ quá nóng, dẫn đến cái chết đáng tiếc.
Bác sĩ Mông Manh, người trực tiếp tiếp nhận 2 ca bệnh trên cho biết, mặc quá nhiều quần áo có thể khiến đứa trẻ yếu hơn, chịu lạnh kém hơn, giảm sức đề kháng và có thể mắc hội chứng ủ quá nóng. Nhiều cha mẹ có suy nghĩ trẻ sẽ bị lạnh hơn người lớn nên thường mặc cho trẻ quá nhiều quần áo, đắp nhiều chăn, nhưng thực tế, theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh không "sợ" lạnh đến mức đó.
Ở Việt Nam, các trường hợp bị ốm và nhập viện vì được ủ ấm quá kĩ cũng không phải là quá hiếm. Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Loan, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho biết: "Khi được ủ ấm quá kỹ, có thể trẻ sẽ bị nóng, lúc ấy sẽ sinh ra hiện tượng toát mồ hôi. Tuy nhiên, lượng mồ hôi này sẽ khó thoát ra ngoài mà thấm vào các lớp vải ủ cho trẻ. Nếu không kịp thời phát hiện và lau khô người sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm lạnh ngược trở lại, gây nên các chứng bệnh như: cảm, sổ mũi, nặng hơn là các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, việc ủ quá nhiều lớp áo, chăn còn khiến làn da mỏng manh của trẻ dễ bị viêm, ngứa gây khó chịu cho trẻ. Thực tế, chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhiễm lạnh do được ủ ấm quá mức".
Trẻ sơ sinh ngủ cùng bố mẹ có thể đột tử
Rất nhiều bố mẹ Việt có thói quen ngủ chung cùng con, đặc biệt là trẻ sơ sinh trong những ngày siêu lạnh như thế này với suy nghĩ vừa trông bé, vừa ủ ấm cho bé. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có cơ thể bé hơn bố mẹ, cả nhà lại đắp chung 1 chăn, nên những tai nạn thương tâm có thể rất dễ xảy ra nếu bố mẹ vô ý ngủ say không chú ý đến con. Việc bị chăn kéo quá cao trùm kín mặt, gây nghẹt thở là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngủ chung với bố mẹ có thể tăng nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Các điều tra viên đã nhấn mạnh cảnh báo ngủ cùng bố mẹ là môi trường không an toàn cho con sau trường hợp của gia đình anh Justin Souster, Anh. Hai vợ chồng anh Souster đã để cô con gái Darcie-Rose ngủ giữa bố và mẹ, đến nửa đêm anh trai của bé lại vào nằm cùng. Sáng hôm sau, ngày 22/1, anh hoảng hốt khi thấy cô bé 11 tuần tuổi mềm oặt trong tay mình. Cô bé đã tử vong 10 phút trước khi được đưa đến bệnh viện Northampton.
Bố mẹ của bé Darcie-Rose vẫn không thể tin con gái mình chết do ngủ cùng bố mẹ.
Kết quả khám nghiệm cho thấy bé gái đã bị thiếu oxy sau khi tìm thấy dấu vết máu đọng trong phổi, dẫn đến tử vong bởi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Tiến sĩ Roger Malcomson, một nhà tư vấn nghiên cứu bệnh học nhi khoa cho biết : "Do đầu đứa trẻ được đặt trên cánh tay cha, cổ bị uốn cong nên càng dễ bị ngạt khi ngủ chung với nhiều người". Hội chứng đột tử cho trẻ sơ sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi ở Mỹ, thường xảy ra khi trẻ đang ngủ. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này, và ngủ cùng bố mẹ có thể tăng nguy cơ trẻ mắc SIDS cao gấp 5 lần, do quá nhiều chăn đệm, thú bông, sự ủ ấm của cha mẹ khiến trẻ bị thiếu oxy, ngạt thở và tử vong.
Trẻ tử vong do sưởi ấm sai cách
Câu chuyện này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng vẫn có những trường hợp tử vong đáng tiếc vì thói quen sưởi ấm bằng bếp than. Ngày 22/1 vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Nga, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã phải đi cấp cứu tập thể sau một đêm sưởi ấm bằng bếp than. Bé gái 18 tháng tuổi con chị đã không qua khỏi, trong khi đó,các thành viên còn lại gồm có chị Nguyễn Thị Nga (20 tuổi), bà Nguyễn Thị Tiến (40 tuổi, mẹ ruột chị Nga), chị Đậu Thị Hạnh (17 tuổi, em chồng chị Nga) và bé trai 1 ngày tuổi con chị Nga vẫn đang phải tiếp tục điều trị. Bà Tiến đã đốt than củi để sưởi ấm cho cả nhà, nhưng chính việc đó đã khiến cho cả gia đình bị nhiễm độc, mê man, bất tỉnh, bé 18 tháng tuổi tử vong.
Nguy hiểm từ việc sưởi ấm bằng bếp than đã được cảnh báo từ lâu.
Trước sự việc trên, các bác sĩ bệnh viện tỉnh Nghệ An khuyến cáo: "Bước vào những ngày giá rét, người dân cần đặc biệt thận trọng với các thiết bị sưởi ấm bằng than tổ ong, than củi. Than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra một loại khí cực độc là carbon monoxide (CO), rất nguy hiểm, thậm chí làm cả nhà tử vong. Nạn nhân khi hít phải khí này nặng thì bị tử vong, nhẹ hơn thì để lại di chứng thần kinh - tâm thần".
Những lưu ý khi sưởi ấm cho trẻ nhỏ
Vào những ngày thời tiết lạnh, bố mẹ vẫn cần mặc đủ ấm, đeo găng tay, mũ len, khăn quàng cổ cho trẻ khi đi ra ngoài cũng như giữ ấm trong nhà. Bố mẹ cũng cần lưu ý những cảnh báo nguy hiểm sau:
- Không mặc quá nhiều lớp quần áo cho con, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ mặc hơn người lớn 1 lớp quần áo, tốt nhất không quá 4 lớp quần áo.
- Không cho trẻ sơ sinh nằm ngủ chung với bố mẹ hoặc anh chị em. Nếu ngủ chung, cần đặc biệt chú ý đến diện tích, các đồ vật có thể khiến trẻ ngạt như chăn, gối.
Trẻ sơ sinh nên có chỗ ngủ riêng, tốt nhất là đặt cũi cạnh giường của bố mẹ.
- Khi đi ngủ không nên đội mũ cho trẻ sơ sinh, không cho trẻ sơ sinh nằm gối vì vùng đầu là nơi phát tán 85% lượng nhiệt cơ thể. Đội mũ không giúp con giữ ấm vùng thóp của con như nhiều bố mẹ nghĩ, mà ngược lại làm tăng nhiệt độ của não, ảnh hưởng đến vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
- Không sưởi ấm cho trẻ bằng các loại bếp than, bếp củi trong phòng kín.
(Nguồn: Tổng hợp)
Theo Thùy Dương / Trí Thức Trẻ