Trong những ngày giá rét, một chiếc túi sưởi sẽ giúp con nhanh chóng lấy lại được nhiệt độ cơ thể khi vừa đi học về.
Tuy nhiên, có nhiều quy tắc an toàn khi dùng túi sưởi cho con mẹ cần lưu ý để không gây hại cho con.
Theo GS Dương Xuân Đạm, nguyên Trưởng khoa phục hồi chức năng bệnh viện TW quân đội 108 cũng cho biết, chườm ấm có nhiều ý nghĩa trong công tác điều trị bệnh, giống như một biện pháp giảm đau bằng thuốc. "Người ta thường dùng nhiệt độ gần 50 độ C để chườm trong các bệnh lý liên quan đến dãn mạch, cơ co, giảm đau. Có thể nói cơ thể được ủ ấm trong mùa đông sẽ giúp tuần hoàn máu tốt, tránh bị nhiễm lạnh, tránh viêm khớp, đau bụng... Riêng những bệnh đe dọa chảy máu (chảy máu dạ dày), vùng nghi ngờ ung thư, bệnh nhân tuyệt đối không được dùng" - GS Đạm khuyến cáo.
Và để đảm bảo an toàn cho con cũng như những người trong gia đình khi dùng túi sưởi đa năng, mẹ nên nhớ:
1. Tách xa con với nguồn điện
Khi cắm điện bạn nên để túi vào nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên, cắm dây vào chỗ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện sau. Bạn nên lót một chiếc khăn hay miếng vải bên dưới túi để cách nhiệt.
Mẹ nên trực tiếp cắm điện cho túi sưởi, khi nào túi sưởi nóng lên, rút nguồn điện rồi mới đưa cho con sưởi. Tuyệt đối không được vừa dùng và cắm điện.
Trong quá trình cắm điện thỉnh thoảng dùng tay lắc nhẹ cho dung dịch trong túi nóng đều và độ nóng cao hơn. Khi dung dịch trong túi chuyển động có tiếng kêu tộp, tộp, là bình thường.
Khi đủ độ nóng cần thiết rút dây điện ra khỏi ổ cắm trước rồi mới rút phích cắm ở túi ra. Khi rút giữ chặt phần ổ điện trên túi, tránh làm đứt dây nối với nguồn điện.
2. Không cho con chơi, đùa nghịch với túi sưởi
Vì nhiệt độ nước trong túi sưởi là rất cao nên hãy dặn trước con rằng không được đùa nghịch với nó vì nó có thể làm con bị bỏng. Không được dùng vật nhọn để chọc túi sưới. Để yên tâm, mẹ hãy để ý tới con khi con dùng túi sưởi.
3. Không thay nước trong túi sưởi
Dung dịch nước trong túi sưởi là một dung dịch khác với các loại nước lọc thông thường. Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm.
Nếu trên bề mặt túi bẩn có thể dùng giẻ tẩm dung dịch tẩy nhẹ để lau sạch, không dùng chất tẩy mạnh tránh hư hại sản phẩm. Không được lau khi đang cắm điện, không được ngâm túi trong nước để giặt rửa. Nếu túi bị ướt nhất định phải lau khô mới được cắm điện sử dụng.
4. Không dùng túi sưởi đã bị rò rỉ
Nếu phát hiện túi bị rò rỉ dung dịch, nên sửa chữa hoặc thay mới nếu không khắc phục được "sự cố" này. Bạn tuyệt đối không nên cố sử dụng túi sưởi không đảm bảo an toàn.
5. Đảm bảo an toàn cho chính mình
Túi sẽ tự động ngắt điện khi đạt độ nóng tối đa (khoảng 70 độ C). Để an toàn, nên rút điện sau khi cắm điện được 7-10 phút mới sử dụng.
Lưu ý: Túi sưởi là vật dụng hữu ích cho trẻ nhỏ và cả người lớn nhưng nó cũng rất nguy hiểm. Vì thế, hãy nhớ sử dụng đúng cách, giám sát trẻ nhỏ khi chúng dùng túi sưởi để đảm bảo an toàn.
Theo Gia Đình Việt Nam