Khi trẻ con cảm thấy thất vọng, bất mãn, tức giận hay một cảm xúc khó chịu khác, bé có thể nóng nảy hét lên "Con ghét mẹ!!!".
Đó chỉ là một câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng bao nhiêu cảm xúc tiêu cực, và đối với các mẹ, họ cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi nghe thấy câu nói đó.
Mùa hè năm ngoái, lúc đang trong kì nghỉ hè, khi đi ngang qua một cửa hàng, cậu con trai bốn tuổi của tôi xin mẹ mua một món đồ chơi và tôi đã từ chối không mua. Ngay lập tức, nó hét lên "Con ghét mẹ". Câu nói dữ dội đó đã thổi bay thần trí của tôi. Tôi chưa bao giờ nghe chính miệng con mình nói ra câu này, tôi hoàn toàn sửng sốt.
Câu "Con ghét mẹ" thường được phát xuất từ những tâm tư sau đây trong lòng bé:
"Thực sự là mẹ không biết con đang cần những bây giờ".
"Mẹ không chịu lắng nghe con".
"Mẹ và con không hề hiểu nhau".
"Con buồn lắm".
"Con đang thấy nặng nề, không biết phải giải thích thế nào cho mẹ hiểu".
"Mẹ hãy thử đứng vào vị trí của con đi rồi biết".
"Cái mẹ muốn và cái con cần không giống nhau".
Là cha mẹ, chúng ta trao cho con biết bao tình thương yêu, nên khi cái câu "Con ghét mẹ" lọt vào tai, bạn có thể cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Cho nên bạn sẽ rất dễ nóng nảy trả lời con như thế này:
"Được thôi! Mẹ cũng ghét con"
"Sao cũng được"
"Sao con dám nói thế hả?"
"Cứ ghét đi, rồi tối nay mẹ không nấu cơm cho mà ăn đâu!"
"Haha, mẹ chờ câu này lâu rồi đó!"
Vấn đề là giận dữ đáp trả lại cũng không cứu vớt tình hình được, cũng không dạy được cho trẻ cách điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực.
Bình tĩnh trả lời không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng thực sự trong giây phút đó, con cái cần bố mẹ phải nhạy cảm, động lòng, yêu thương và đồng cảm. Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó rằng: khi con cái ghét ba mẹ của nó, hãy dùng tấm lòng bao dung của bậc làm cha làm mẹ để tha thứ lỗi lầm ngây dại của con. Chinh phục "hận thù" bằng tình yêu thương dành cho nhau.
May mắn thay, tôi nhớ lại rằng vào cái ngày đó, sau một vài nhịp thở thật sâu, tôi đã nói với con rằng: "Chắc bây giờ con thấy khó chịu lắm phải không". Nước mắt bắt đầu chảy từ đôi mắt con và một giọng nói nhỏ, run run vang lên: "Con thực sự rất buồn khi Jorgy chết (đó là chú chó nhà tôi vừa mới qua đời, bố đã gọi điện báo tin cho mẹ con tôi biết), bây giờ mẹ còn không mua cho con đồ chơi mà con thực sự thích nữa", càng nói nước mắt càng theo đó tuôn ra. Những giọt nước mắt đó, tôi tin rằng con không dành cho thứ đồ chơi ao ước mà là do nỗi mất mát và đau buồn... "Ngày hôm nay thật buồn con nhỉ?", "Vâng ạ", cậu bé thở dài đáp, nghe rõ sự tổn thương. Tôi nhẹ nhàng ôm con vào lòng. Chúng tôi rời cửa hàng. Trên đường về, chúng tôi kể về những kỷ niệm của cả gia đình cùng chú chó, cả tôi và con đều khóc. Một vài giờ sau, con nói rằng con không ghét tôi mà chỉ là vì ghét chuyện Jorgy đã ra đi.
Vậy cho nên, đừng nóng giận. Hãy tìm hiểu kỹ nguồn cơn sự việc để giải quyết cho thấu tình đạt lý. Dưới đây là một số cách tích cực để đối diện với tuyên bố "Con ghét mẹ":
Phải làm gì khi trẻ nói
Đừng nói gì, hãy ở bên con: con có thể còn có nhiều cảm giác khó chịu khác trong lòng.
Hãy thử một câu nói nhẹ nhàng và thấu hiểu:
"Con buồn lắm phải không?"
"Có phải con không muốn nghe những lời mẹ vừa nói"
Xem xét lại chuyện gì đã và đang xảy ra:
"Có lẽ những gì mẹ đã nói làm con thấy rất khó chịu"
"Mẹ biết bây giờ con đang ghét mẹ lắm"
"Được rồi. Thì ra là con không thích quyết định của mẹ".
Đợi cho cơn nóng giận qua đi:
"Khi con sẵn sàng chia sẻ với mẹ, mẹ sẽ lắng nghe".
"Mẹ sẽ ở đây chờ con bình tĩnh hơn".
"Có lẽ con cần yên tĩnh một chút, vậy nên mẹ sẽ đi một lúc. Khi nào con muốn nói chuyện thì hãy đến".
Phải nghe "Con ghét mẹ" từ chính miệng đứa con mình luôn yêu thương quả là không dễ dàng. Cũng không có lời nào đúng đắn để la mắng con lúc này, nhưng hãy lắng nghe, đồng cảm, hỏi han và nhớ ràng bạn và bé đủ yêu thương để xí xóa hết và biến mọi thứ trở lại ban đầu. Dù sao thì đây cũng là một cơ hội tốt để hai mẹ con lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn.
Ariadne là một bà mẹ luôn hạnh phúc và bận rộn với ba đứa con nhỏ. Đam mê lớn nhất của cô là tất tần tật mọi điều về làm mẹ và sô cô la. Ariadne tốt nghiệp ngành Truyền thông, và đã hoàn thành một vài khóa học về nuôi dạy trẻ, tâm lý học và tư vấn gia đình.
(Nguồn: Positiveparenting)
Theo Thủy Tiên / Trí Thức Trẻ