Khen ngợi là cách mẹ Nhật gieo hạt mầm tạo nên động lực cho trẻ hành động, cũng như nuôi dưỡng sự tự tin ở bản thân.
"Con giỏi quá", "Con rất cố gắng" có lẽ là những câu cha mẹ thường dùng nhất để khen ngợi con mỗi khi trẻ làm được điều gì. Vì khen ngợi là cách để cha mẹ gieo hạt mầm tạo nên động lực cho trẻ hành động, cũng như nuôi dưỡng sự tự tin ở bản thân. Thế nhưng lời khen cũng như một hạt giống - tùy cách gieo khác nhau mà sẽ nảy mầm hay bị sâu mọt - nên cũng tùy theo từng lứa tuổi, từng cá tính của trẻ, cũng như của chính cha mẹ mà sử dụng.
Với trẻ từ 0 - 3 tuổi
Trẻ từ 0 - 3 tuổi vẫn nằm trong giai đoạn gần với trẻ sơ sinh, khả năng lí giải về ngôn ngữ cũng như tư duy chưa nhiều, nên ngoài các câu khen ngợi thông thường còn rất cần sự biểu cảm phong phú về mặt ngôn ngữ cũng như động tác cơ thể, nét mặt của cha mẹ khi khen ngợi bé. Một "bầu không khí" vui vẻ, ấm áp, của cha mẹ khi muốn khen ngợi trẻ còn quan trọng hơn cả việc dùng "lời nói" để khen hành động ấy. Trẻ chỉ cần nghe được giọng nói nhẹ nhàng, hoặc không khí vui vẻ lan tỏa từ cha mẹ mỗi khi trẻ làm điều gì tích cực cũng đủ để truyền tải cho trẻ hiểu rằng cha mẹ đã vui vẻ với việc làm của mình. Trẻ sẽ an tâm và tự tin tiến về phía trước.
Ảnh minh họa.
Bạn có biết ở giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi, trẻ rất thích nghe các tính từ tượng thanh, tượng hình không. Khi trẻ làm động tác nào hãy kết hợp những tính từ và từ láy để diễn tả hành động ấy nhé. Những tính từ miêu tả âm thanh nhiều khi chẳng có nghĩa gì nhưng quan trọng là nó tạo ra không khí vui vẻ, hài hước để cả mẹ và con đều vui vẻ, chỉ cần như thế là đủ.
Ví dụ như khi trẻ ăn dặm ngoài việc khen trẻ là "Con nuốt giỏi quá, há miệng to quá" hãy kết hợp các từ "măm măm" với ngữ điệu vui tươi, giọng nói nhẹ nhàng mỗi khi trẻ há miệng hoặc nhai. Hoặc khi trẻ thích thú nhìn vòi nước chảy hãy bắt chước tiếng vòi nước "zà, zà, zà", khi trẻ dùng 2 tay cầm vật nào đó gõ vào nhau phát ra tiếng kêu thì hãy kết hợp miêu tả "cộp cộp cộp", "leng keng leng keng" tùy tình huống âm thanh phát ra. Khi trẻ vỗ hai tay vào nhau có thể kết hợp thêm như "độp độp độp", "hoan hô hoan hô".
Có nhiều cha mẹ kiệm lời nên không phải hành động nào của trẻ cũng khen, nhưng thay vào đó họ chỉ cần ngồi cạnh để canh chừng cho trẻ chơi, rồi mỉm cười mỗi khi trẻ hướng ánh mắt về phía cha mẹ. Đó cũng là một cách khen ngợi bằng ánh mắt và cảm tình để biểu cảm và truyền đạt cho trẻ biết rằng mình có quan tâm đến trẻ.
Ảnh minh họa.
Với trẻ từ 3 tuổi trở lên
Với những trẻ tầm 3 tuổi trở lên, trẻ đã hiểu chuyện, đã nhận biết được cảm xúc của người đối diện, đã hiểu những điều cha mẹ nói rồi thì lời khen lại cần cụ thể hóa. Hãy khen những hành động của trẻ thay vì khen chung chung "con giỏi quá". Ví dụ khi trẻ vẽ được một bức tranh, xếp được hình ngôi nhà hãy khen việc làm của trẻ như "con vẽ rất đẹp", hay "ngôi nhà có màu sắc rất đẹp"
Ngoài ra khi được tầm 3 tuổi trở đi, trẻ đã có thể biết giúp mẹ làm việc vặt như chạy đi lấy giùm cái rổ, bỏ cái tất bẩn vào túi giặt đồ, gấp quần áo, dọn phòng...thì khi ấy khen trẻ như thế nào?
Trong cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập" tác giả Sugarhara đã lí giải thế này: Nếu cha mẹ nào lấy việc khen ngợi con làm động lực cơ bản khiến trẻ hành động, sẽ nuôi dưỡng bên trong nguy cơ trẻ chỉ làm việc khi được cha mẹ khen ngợi. Nhưng khi trẻ làm được việc gì, thay vì nói những câu "Con mẹ giỏi quá", "Con mẹ quả là người lớn", thì cha mẹ hãy nói những lời cảm ơn với việc con đã làm giúp bằng cảm xúc vui sướng và chân thành với trẻ như "Cảm ơn con", "Con đã giúp mẹ được rất nhiều việc", "Mẹ rất vui", hay là "mama so happy". Bởi vì khi giúp đỡ cha mẹ, trẻ rất muốn biết cha mẹ cảm nhận gì về hành động ấy. Khi có thể hãy nói cho trẻ biết cảm xúc của mình, và càng truyền tải cụ thể từng việc làm của trẻ đã đem đến cho mình những niềm vui và lợi ích gì càng tốt.
Những lời khen "con mẹ giỏi quá", "con mẹ quả là người lớn" không hề có ý xấu nhưng nó lại không cho trẻ biết được rằng việc làm của trẻ đã có những lợi ích tích cực như nào đối với cha mẹ, bởi nó không phải là những lời nói diễn tả cha mẹ cảm nhận như nào với việc làm của trẻ.
Thừa nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân về hành động ấy cũng chính là một cách khen ngợi.
Nguyễn Thị Thu/Tạp chí Kilala