Các mẹ bầu hẳn rất ám ảnh bởi hiện tượng bị rách âm đạo trong quá trình sinh nở do các mẹ đi trước kể lại. Tuy nhiên bị rách âm đạo khi sinh không đáng sợ như mẹ nghĩ đâu ạ! Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nguyên nhân và những cách tránh hiện tượng này nhé.
Rách âm đạo trong quá trình sinh nở là hiện tượng khiến các mẹ bầu ám ảnh
Rách âm đạo trong quá trình sinh nở là hiện tượng xảy ra phổ biến ở 90% phụ nữ. Trên thực tế, những vết rách không gây hại chiếm đến 99% trường hợp. Đa phần các vết rách này sẽ tự lành và không gây ra biến chứng nguy hiểm cho sản phụ sau sinh.
Tại sao lại bị rách âm đạo?
Trong quá trình chuyển dạ, đầu em bé chúc xuống và di chuyển xuống đáy chậu. Vùng da đáy chậu (vùng giữa âm đạo và hậu môn) rất mỏng và sẽ bị kéo giãn do lực em bé chúc xuống.
Khi đầu em bé lọt ra ngoài, âm đạo người mẹ phải phồng và kéo giãn hết cỡ để tạo điều kiện cho em bé chào đời. Và khi đó người mẹ bị rách âm đạo là điều hiển nhiên.
Một số nguyên nhân sau cũng gây ra tình trạng rách âm đạo:
- Thai nhi quá to
- Thai nhi ngôi mông
- Mẹ bầu tăng cân quá nhiều trong thai kỳ
- Sinh con lần đầu
Bật mí mẹo nhỏ tránh bị rạch âm đạo khi sinh
Có mấy loại rách âm đạo?
Rách âm đạo được chia thành bốn cấp độ. Phổ biến nhất là rách âm đạo cấp độ 1 và 2. Rách âm đạo cấp độ 1 là vùng da bị rách rất nhỏ và không cần hoặc chỉ cần khâu vài mũi. Các vết rách âm đạo cấp độ 2 sẽ nhỉnh hơn so với cấp độ 1 và phải khâu nhiều hơn.
Rách âm đạo nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra, chỉ chiếm khoảng 1% và thường là do biến chứng từ rạch tầng sinh môn.
Rách âm đạo cấp độ 3 là vết rách ở vùng da âm đạo, vùng da đáy chậu và các cơ xung quanh hậu môn. Rách âm đạo cấp độ 4 là vết rách giống cấp độ 3 nhưng mở rộng đến các mô xung quanh hậu môn. Cả hai đều ảnh hưởng đến chức năng đáy chậu và hậu môn.
Cách tránh bị rách âm đạo khi sinh
1. Chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển dạ
Khi mang thai, mẹ bầu nên tránh việc ngồi lì một chỗ mà không vận động. Có thể tham khảo một số bài tập nhẹ nhàng cho phụ nữ mang thai. Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu, tăng độ đàn hồi của da, tăng lưu lượng máu truyền đến đáy chậu và âm đạo cũng giúp cải thiện các mô cơ khỏe mạnh hơn.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đủ chất, đặc biệt uống nhiều nước cũng giúp tăng độ đàn hồi của da và làm săn chắc các cơ. Đặc biệt khi mang thai, mẹ bầu nên bổ sung các chất béo có lợi (omega-3) có trong cá, hạt chia, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt bí.... Những thực phẩm giàu protein như thịt nạc, thịt gia cầm cũng là nguồn bổ sung omega-3 quý giá. Ngoài ra không thể thiếu rau xanh để cung cấp đủ vitamin E, vitamin C và kẽm. Các vitamin và khoáng chất có lợi này sẽ giúp mẹ bầu hồi phục nhanh hơn sau khi lâm bồn.
2. Các bài tập khung xương chậu
Các bài tập khung xương chậu hay còn gọi là bài tập Kegel giúp tăng cường các cơ xung quanh xương chậu. Các bài tập này sẽ phát huy tác dụng khi mẹ bầu chuyển dạ và sinh nở, giúp mẹ sinh dễ dàng hơn và hạn chế tối đa tình trạng bị rách âm đạo.
Các bài tập khung xương chậu hay còn gọi là bài tập Kegel giúp tăng cường các cơ xung quanh xương chậu
3. Sinh con dưới nước
Mặc dù không có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh mẹ bầu sinh con dưới nước sẽ không bị rách âm đạo như mẹ bầu sinh ở bệnh viện. Tuy vậy, ở các nước phương Tây, rất nhiều mẹ bầu đã áp dụng phương pháp này và khẳng định rằng việc sinh con dưới nước giúp họ bớt đau khi sinh con. Nước ấm cũng giúp làm mềm các mô cơ xung quanh khung chậu và giảm cảm giác đau buốt khi đầu em bé chui ra.
Sinh con dưới nước sẽ giúp mẹ không bị rách âm đạo khi sinh
4. Lựa chọn tư thế sinh con phù hợp
Tư thế rặn đẻ và sinh con ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mẹ bị rách âm đạo. Tư thế nằm ngửa, hoặc hơi ngửa với hai chân dạng rộng là tư thế dễ khiến mẹ bị rách âm đạo nhiều nhất vì toàn bộ trọng lượng dồn vào đáy chậu và đáy chậu khó mở rộng ở tư thế này.
Mẹ nên chọn tư thế ngồi, quỳ hoặc hơi cúi người về phía trước hoặc nằm nghiêng sẽ giảm được nguy cơ rách âm đạo.
5. Chỉ rặn khi có hiệu lệnh từ bác sỹ
Khi âm đạo chưa mở hết, đầu em bé chúc xuống rất mạnh xuống khung chậu, lúc này mẹ sẽ rất muốn rặn, và rất khó để kìm cơn rặn lại. Nhưng nếu rặn ngay mà chưa có lệnh từ bác sỹ, mẹ bầu sẽ càng tăng nguy cơ bị rách âm đạo trầm trọng hơn. Hãy tập thở và giữ bình tĩnh để kìm cơn rặn lại.
6. Mát xa đáy chậu
Mát xa đáy chậu vừa giúp mẹ bầu thoải mái, lưu thông mạch máu, vừa khiến mẹ quen hơn với cơ thể nhiều thay đổi của mình, từ đó tự tin hơn khi chuyển dạ và sinh nở.
7. Lựa chọn cơ sở y tế bệnh viện chuyên khoa uy tín
Việc lựa chọn sinh ở các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín với đội ngũ y bác sỹ có kinh nghiệm sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị rách âm đạo.
8. Tránh bị rạch tầng sinh môn
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật cắt/ rạch vùng da từ âm đạo xuống gần hậu môn, làm cho âm đạo mở rộng hơn và để em bé chui ra dễ dàng. Ở Việt Nam, thủ thuật này khá phổ biến. Tuy vậy không phải ai cũng phải rạch tầng sinh môn. Mẹ có thể tránh việc bị rạch tầng sinh môn bằng cách tập luyện và mát xa tầng sinh môn làm tăng độ đàn hồi của các mô cơ âm đạo.
Theo Lamchame.com