|
Ảnh Minh Họa |
Trường mầm non Văn Chương (Hà Nội) hấp lại cơm nguội còn thừa hôm trước cho các cháu ăn.
Sáng 5/10/2006, bà Nguyễn Thị Hiếu, ở tổ 64, cụm dân cư số 9, làng Linh Quang, phường Văn Chương, đưa cháu nội đến trường mầm non Văn Chương. Vì sắp đến ngày đón Tết Trung thu nên bà Hiếu nán lại ít phút để thăm cơ sở vật chất nhà trường và xem thầy trò nơi đây chuẩn bị vui đón tết ra sao. Và bà bất ngờ khi thấy một khay cơm nguội khoảng 3kg để trên kệ bếp.
Sau khi nêu thắc mắc của mình, bà Hiếu nhận được trả lời rằng nhân viên nhà bếp theo lệnh của hiệu trưởng phải hấp cơm nguội thừa từ hôm trước để các cháu ăn cho đỡ phí! Không bằng lòng với cách trả lời này, vị đại diện phụ huynh gặp trực tiếp hiệu trưởng và các cán bộ liên quan để lập biên bản kiểm tra về vấn đề trên.
Ngay sau đó biên bản kiểm tra về việc “Hiệu trưởng đề nghị tổ bếp hấp lại cơm của ngày hôm trước (4/10/2006) cho các cháu” được lập giữa một bên là bà Nguyễn Thị Hiếu và phía nhà trường gồm bà hiệu trưởng Lê Tuyết Sơn, Chủ tịch Công đoàn kiêm bếp trưởng Nguyễn Hữu Tần, và cán bộ thanh tra Nguyễn Quỳnh Trang.
Theo bà Sơn, số cơm nguội được thổi bằng gạo mới với giá 7.000 đồng/kg còn thừa từ ngày hôm trước và không bị thiu nên hấp lại cho các cháu ăn. Lời giải thích trên bị bà Phó chủ tịch Công đoàn kiêm bếp trưởng Nguyễn Hữu Tần phản bác ngay.
Theo bà Tần, bữa ăn trưa, nhà bếp nấu 22 kg gạo cho tổng số 271 học sinh. Sau bữa ăn, số lượng cơm còn thừa nêu trên không nhiều. Hơn nữa, cơm thừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì được thu gom từ các khay ăn của các cháu và ít nhiều bị lẫn canh hoặc thức ăn khác.
Chính bà Tần và nhiều cán bộ khác trong trường không đồng ý hấp lại cơm thừa nhưng vì theo lệnh hiệu trưởng nên phải chấp hành! Đồng tình với ý kiến của bà Tần, bà Phạm Thu Hoa, Chủ tịch Công đoàn, bổ sung: “An toàn cho các cháu phải đặt lên hàng đầu nên cơm thiu hay không thiu cũng không được phép hấp lại vào ngày hôm sau”.
Còn bà Nguyễn Thị Hiếu đã tỏ ra quan điểm cơm đã hấp lại thì mất ngon, mất chất và để đảm bảo an toàn cho các cháu thì phải kiên quyết bỏ đi... Cuộc kiểm tra kết thúc và biên bản được lập xong vào hồi 8 giờ 15 cùng ngày, hầu hết mọi người đều ký vào biên bản chỉ riêng bà hiệu trưởng Lê Tuyết Sơn không ký.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi đã bao nhiêu lần các cháu phải ăn cơm thừa của ngày hôm trước được hấp lại theo lệnh của bà Hiệu trưởng và các cơ quan chức năng có biết việc làm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và coi thường sức khỏe và tính mạng của các cháu nơi đây không?
Chiều 6/10/2006, phóng viên chúng tôi cùng bà Phạm Thu Hòa - Chủ tịch Công đoàn và bà Nguyễn Hữu Tần - Phó Chủ tịch Công đoàn kiêm bếp trưởng nhà trường đã đến thăm bà Nguyễn Thị Hiếu để được nghe bà kể lại việc phát hiện cơm thừa... Tại đây bà Hiếu còn cho biết một chuyện gây bức xúc cho phụ huynh các cháu. Đó là nhân dịp đón Tết Trung thu năm nay, chiều 5/10, nhà trường tặng mỗi cháu một chiếc bánh dẻo có hình con cá để đem về nhà. Có điều là kiểm tra kỹ chiếc bánh, bà Hiếu và mọi người trong gia đình không thấy ghi tên đơn vị, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Chính vì vậy gia đình đã không dám cho cháu ăn.
Về việc này, Bà Phạm Thu Hòa cũng bày tỏ thái độ bất bình vì bà hiệu trưởng Lê Tuyết Sơn chỉ đạo bộ phận kế toán mua bánh ở đâu với giá cả ra sao mà hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường không biết. Lẽ ra việc này bà Hiệu trưởng phải bàn bạc và công khai trong nôi bộ giáo viên, nhân viên nhà trường nhưng bà đã không làm như vậy.
Vẫn theo bà Hòa, sáng 6/10, nhiều phụ huynh mang bánh đến trường thắc mắc về chất lượng và tính pháp lý của quà Trung thu có đảm bảo không khiến nhiều giáo viên chủ nhiệm bối rối không trả lời được?!.
Chỉ hai vụ việc trên đã cho thấy những biểu hiện mất dân chủ, không công khai minh bạch và coi thường sức khỏe và tính mạng của các cháu học sinh nơi đây.
Theo An Ninh Thủ Đô