Chỉ một chút lỡ đễnh của cha mẹ thì những đồ vật thủy tinh trong nhà có thể là sát thủ giấu mặt gây hại cho trẻ.
Mùa hè, nhu cầu vui chơi, chạy nhảy của trẻ tăng cao cũng là lúc bố mẹ buộc phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tai nạn đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh những lời cảnh báo về việc trẻ nhỏ bị giật điện, bỏng hay đuối nước đã được nói thường xuyên mỗi khi dịp hè đến thì một hiểm hoạ nữa mà bố mẹ ít ngờ tới đó là những đồ vật thủy tinh trong nhà.
Mới đây một vụ tai nạn thương tâm xảy ra cao ốc Hưng Phát (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) đã khiến nhiều cha mẹ lo ngại về đồ vật thủy tinh trong nhà. Chị Diệu Ly - hàng xóm cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 16h20 chiều 17/6, theo đó, cậu bé 4 tuổi bị tai nạn rất nghịch ngợm, hay nhảy lên bàn gỗ có mặt kính thủy tinh chơi, không may lực quá mạnh khiến kính bị vỡ tung tóe khiến cậu bé bị vết thương khá nặng ở phần chân. Rất may, là chị đã phát hiện và hỗ trợ chị của cậu bé đưa đi cấp cứu kịp thời.
Đối với trẻ em, nguy hiểm nhất là để trẻ tự chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Cha mẹ cần phải nghĩ ra và loại trừ tất cả những trường hợp đồ vật thủy tinh nguy hiểm ở trong nhà dưới đây:
Kẹp nhiệt độ
Kẹp nhiệt độ là đồ vật nhà nào cũng có, đặc biệt là những nhà có trẻ nhỏ. Nhưng nhiều bố mẹ vẫn còn chủ quan không để gọn gàng. Chiếc kẹp nhiệt độ là đồ vật nhỏ, được thiết kế với phần thủy tinh mỏng và thủy ngân bên trong. Thứ đồ vật này thường được bố mẹ sử dụng khi trẻ ốm nên trẻ dễ lầm tưởng là đồ chơi được. Nếu chẳng may trẻ nghịch bị vỡ hoặc cho vào miệng cắn vỡ có thể rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Thủy ngân rất độc, có thể gây tổn thương não nếu trẻ tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Nó có thể tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm, răng . Hít phải thủy ngân có thể khiến trẻ bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân lớn.
Ngoài ra những mảnh vỡ thủy tinh sẽ có thể gây tổn thương ngoài hoặc rất nguy hiểm nếu trẻ không biết khi cắn vỡ kẹp nhiệt độ và vô tình nuốt phải thủy tinh.
Bố mẹ cần làm:
- Không nên cuống cuồng làm các biện pháp như móc họng, bóp bụng gây nôn cho trẻ, vì rất có thể hành động này sẽ khiến trẻ bị sặc, thủy ngân bị đẩy ngược lên, có nguy cơ chui vào phổi, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Nếu không may trẻ nuốt phải thủy ngân, cha mẹ chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định, đánh giá lượng thủy ngân đã được bài tiết ra ngoài. Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống nhiều nước để tránh táo bón, giúp sự bài tiết tốt hơn.
- Khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ bạn nên kiểm tra xem thủy ngân có bị dính vào người và quần áo của trẻ không.
- Nếu có thì nên thay bỏ toàn bộ quần áo. Thu dọn hạt thủy ngân vương vãi, tránh cho trẻ nhỏ chạm trực tiếp.
Nếu thấy trẻ bị thương tích nặng do mảnh vỡ của kẹp nhiệt độ rơi vào thì cần sơ cứu và đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.
Bàn kính phòng khách hoặc bàn ăn bằng kính trong bếp
Chiếc bàn kính vỡ tan gây tai nạn cho cháu bé 4 tuổi ở Tp.HCM. (Ảnh: Internet)
Cho dù gia đình này đã sử dụng kính cường lực dày tới 10 ly nhưng khi chịu một lực tác động lớn vẫn vỡ tan tành và để lại những mảnh vỡ sắc nhọn vô cùng nguy hiểm không chỉ với trẻ nhỏ.
Hơn nữa, trẻ con rất thích leo trèo lên bàn có độ cao để nhảy múa và nghịch. Chỉ cần một tác động lực nhỏ khi trẻ nhảy lên cũng có thể làm vỡ kính gây tai nạn đáng tiếc. Mảnh kính vỡ có thể gây ra những vết cắt nghiêm trọng, gây mất máu và làm vết thương bị nhiễm trùng.
Bố mẹ cần làm:
- Cảnh báo trẻ không được chơi, nghịch nhảy nhót trên bàn kính
- Khi sự việc đã xảy ra cần bình tĩnh xử lý vết thương cho trẻ và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Gương treo trong nhà
Tủ quần áo có gương hoặc gương soi trong nhà tiềm ẩn nguy cơ gương bị nứt vỡ sẽ tự động rớt xuống và gây tai nạn cho trẻ nếu đứng gần đó. Trẻ con thường hiếu động và thích soi gương, hoặc với với để chơi với gương trong nhà. Hoặc cũng có thể do khung gỗ lâu ngày bị mối mọt, bị lỏng ra và không giữ được gương trong khung gỗ, toàn bộ gương rớt ra ngoài và gây tai nạn cho trẻ.
Bố mẹ cần làm:
- Hãy thường xuyên kiểm tra gương treo trong nhà bao gồm tủ quần áo có gương, gương treo tường, gương trong phòng tắm.
- Thay thế ngay nếu phát hiện gương bị nứt, vỡ hoặc khung gỗ giữ gương bị yếu, bị lỏng lẻo hoặc bị hư hỏng do mối mọt.
- Nếu có thể sử dụng băng keo trong để dán gương hoặc sử dụng gương hai lớp có dán keo ở giữa.
- Tuyệt đối không cho trẻ em đùa nghịch gần gương, tỳ đè vào gương.
Cách xử lý khi trẻ bị chảy máy do các vết cứa của gương, kính vỡ gây ra:
Chảy máu nhiều là một vấn đề quan trọng và làm trẻ sợ hãi. Cần phải xử lý nhanh trước khi trẻ lâm vào tình trạng sợ hãi quá mức.
- Đối với các vết thương bị chảy máu không nhiều, có thể dùng biện pháp băng chặt vết thương. Để thực hiện biện pháp này, trước hết cần rửa vết thương bằng nước sạch và khử trùng vết thương bằng thuốc, đặt lên trên vết thương một vài lớp gạc, bên trên là một lớp bông. Dùng băng băng thật chặt vào tay hoặc chân bị tổn thương hoặc vào thân mình trẻ. Sau đó đưa trẻ đi khám lại để bác sĩ xử lý vết thương.
- Đối với trường hợp động mạch bị tổn thương thì thủ thuật băng sẽ không hiệu quả. Trong thời gian đợi bác sĩ cấp cứu cần phải cố gắng hết sức để cầm máu cho trẻ bằng cách ấn thật chặt mạch phía trên nơi chân, tay hoặc phần cơ thể bị thương hoặc làm ga rô cầm máu. Để tránh những biến chứng không mong muốn khi làm ga rô cầm máu, cần phải lưu ý một số nguyên tắc sau:
Ga rô cầm máu cần đặt lộ ra ngoài tấm lót mềm ( khăn tay, khăn mặt ) hoặc ngoài quần áo.
Ga rô phải đặt sát ngay phía trên vết thương. Kéo căng băng ga rô (nếu băng co giãn ) và quấn quanh một vài vòng, sao cho vòng quấn sau bện chặt vào vòng quấn trước, ép chặt vào da.
Nếu trong khoảng thời gian cho phép nêu trên mà vẩn chưa đưa trẻ trẻ đến được cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi được "xe cấp cứu " gần nhất, thì phải nới ga rô cứ 10-15 phút một lần. Để nới ga rô, cần phải dùng ngón tay để ấn chặt mạch máu bị tổn thương.
(Nguồn: Tổng hợp)
Theo Tường Vy / Trí Thức Trẻ