Nấm nấu mì, cháo, súp, canh hay xào cùng nhiều loại thực phẩm khác đều là những món ăn ngon tuyệt, lại giàu dinh dưỡng bất ngờ cho bé yêu.
Với mùi thơm lôi cuốn, vị ngon ngọt khá giống thịt, nấm là loại thực phẩm hấp dẫn, dễ ăn, lại giàu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.
Nấm có an toàn cho trẻ nhỏ?
Hẳn đây là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh thắc mắc lo lắng khi có ý định bắt đầu đưa nấm vào thực đơn của em bé. Nói chung, trong hầu hết các trường hợp, những loại nấm ăn được vốn được bày bán rộng rãi trong các cửa hàng, siêu thị (nấm rơm, nấm hương, nấm mỡ, nấm kim châm,...) đều an toàn đối với trẻ nhỏ. Nấm không nằm trong danh sách thực phẩm cấm dùng cho trẻ em ăn dặm hay thực phẩm dễ gây dị ứng. Tuy nhiên, để cho chắc chắn, cha mẹ có thể bắt đầu cho con ăn nấm khi bé được 10-12 tháng tuổi trở đi
Lợi ích "vàng" từ nấm đối với trẻ nhỏ
Vitamin D: Vitamin D giúp hệ xương, tim mạch và khả năng miễn dịch của bé phát triển hiệu quả. Có khá ít loại thực phẩm chứa nguồn vitamin D tự nhiên dồi dào như nấm.Theo nhiều nghiên cứu khoa học, cũng giống như da người, nấm chuyển hóa được tia cực tím từ mặt trời thành vitamin D và quá trình chuyển hóa đó vẫn tiếp tục kể cả khi nấm đã được thu hoạch. Sau khi mua nấm về, nếu các mẹ bỏ nấm ra khỏi túi bọc và để chúng ngoài trời trong khoảng 30 phút trước khi chế biến, nấm sẽ cung cấp lượng vitamin D tối đa.
Nấm là thực phẩm chứa vitamin D dồi dào. (Ảnh minh họa)
Protein: Nấm là thực phẩm giàu đạm, chứa nhiều axit amin thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể thay thế hoàn toàn thịt, cá, trứng,... bằng nấm cho bé. Bé cần ăn cả đạm động vật và đạm thực vật để đảm bảo hấp thu hàm lượng protein phong phú, cần thiết và cân đối.
Các chất dinh dưỡng khác: Ngoài ra, trong nấm có chứa nhiều chất khoáng, các vi chất (kẽm, selen, crom...), các vitamin tan trong nước như thiamine, riboflavin, niacin, biotin, cobalamins, ascorbic acid... và các chất polysaccharide và triterpen... có tác dụng tăng cường chuyển hoá và tăng đề kháng cho cơ thể. Đây cũng là những thành phần giúp phòng một số bệnh như ung thư, tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, giảm sức đề kháng...
Một số chú ý khi sử dụng nấm cho bé
- Nấm không nằm trong danh sách thực phẩm dễ gây dị ứng nhưng mẹ vẫn cần phải thận trọng khi cho bé ăn nấm lần đầu. Một số bé có cơ địa đặc biệt vẫn có thể dị ứng với nấm. Vì vậy, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn nấm với hàm lượng nhỏ, thấy ổn mới tăng dần lên. Mẹ không được rời mắt khỏi bé khi giới thiệu món ăn mới này và phải liên lạc ngay với bác sĩ nếu thấy những triệu chứng lạ xảy ra.
- Không cho bé ăn những thứ nấm lạ, có màu sắc sặc sỡ hay không biết chắc nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những loại nấm phổ biến hiện nay, được tiêu thụ rộng rãi là nấm kim châm, nấm rơm, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm mèo (mộc nhĩ).
- Khi chế biến các món ăn từ nấm, các mẹ không nên dùng nhiều loại lẫn lộn mà chỉ dùng một loại nấm duy nhất. Ngoài việc đề phòng lẫn nấm độc, còn vì nhiều loại nấm nấu cùng sẽ gây phản ứng hóa học, không độc cũng trở thành độc.
- Nên luộc sôi các loại nấm trước khi xào nấu để đề phòng có độc tính.
- Nấm dễ bị hư thối nên sử dụng nấm càng tươi càng tốt
Gợi ý món ngon cho bé từ nấm
Cháo gà nấm hương/ nấm rơm
"Lợi đủ đường" cho con ăn dặm với nấm - 2
Nguyên liệu: 50g gạo; 4 bát nước, 30g thịt gà nạc; 30g nấm rơm hoặc nấm hương; 1 muỗng nhỏ dầu ăn; hành; gia vị
Cách làm:
- Gạo ngâm qua đêm, vo sạch rồi đem nấu thành cháo.
- Nấm hương hoặc nấm rơm đem rửa sạch. Nếu là nấm hương còn thêm công đoạn ngâm trong nước cho mềm. Sau đó vớt nấm ra để ráo và thái nhỏ.
- Thịt gà và nấm xắt thật nhỏ rồi xào chung với hành và gia vị, nêm một chút muối cho vừa miệng.
- Cho hỗn hợp gà xào nấm hương vào cháo đã ninh nhừ rồi đun sôi trở lại. Thêm 1 thìa dầu ăn, trộn đều trên bếp là hoàn thành.
Súp gà ngô nấm
Nguyên liệu: 30g thịt gà, 5 tai nấm hương, 200g ngô ngọt hạt non đã bỏ lõi, 1 quả trứng gà, 2 thìa bột đao, 50g rau mùi, 1 củ hành khô, gia vị
Cách làm:
- Thịt gà đem luộc, xé nhỏ. Nấm hương ngâm nở, rửa sạch, cắt bỏ chân, thái nhỏ. Ngô rửa sạch, để ráo. Rau mùi rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô bóc vỏ, thái nhỏ. Trứng gà đánh tan. Hòa 2 thìa bột đao với 4 muỗng canh nước lọc cho bột tan đều.
- Đun nóng 2 thìa dầu ăn, cho hành vào phi thơm.Trút thịt gà, nấm hương vào xào tầm 5 phút. Cho ngô và nước dùng luộc gà vào đun cùng, nêm vào nửa thìa cà phê muối, nửa thìa cà phê hạt nêm. Đợi nguyên liệu sôi thì nêm nếm lại cho vừa miệng và đun thêm khoảng 10 - 15 phút cho đến khi ngô chín mềm.
- Trút từ từ bột đao vào nồi, vừa trút vừa quấy đều tay cho súp sánh, không bị vón cục. Có thể điều chỉnh lượng bột tùy theo sở thích của gia đình muốn ăn đặc hay loãng.
- Cho trứng gà vào nồi, vừa cho vừa quấy đều theo chiều kim đòng hồ để tạo vân đẹp.
- Đợi súp sôi để trứng chín thì tắt bếp, rắc một chút hạt tiêu lên trên để tạo mùi thơm. Múc súp gà ra bát, nhỏ vào súp vài gọt dầu mè cho có mùi thơm hấp dẫn, rắc lên súp một ít rau mùi thái nhỏ để màu sắc sinh động hơn.
Theo H.Nguyễn (Parentinghealthybabies) (Khám phá)