Từ khi chia tách tỉnh (năm 2004), Lai Châu đã thu hút rất nhiều CNVCLĐ trẻ. Cùng với đó, số lượng các trường mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) đã được xây dựng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gửi con của CNLĐ. Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có 30.596 CNLĐ, nên nhu cầu gửi con rất lớn.
Trường Mầm non Sông Đà (thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Ảnh: T.T
Có tiếp tục xây thêm trường?
Trường Mầm non Sông Đà (thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn) là nơi chủ yếu phục vụ con em của CNLĐ đang thi công trên công trường thủy điện Lai Châu. Được biết, hiện tại công trường có khoảng 6.000 CNLĐ, trong đó có nhiều người đã xây dựng gia đình, ở lại nơi đây. Chị Trần Thanh Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sông Đà - cho biết, trường có 5 điểm trường tất cả, hiện đang trông giữ 232 cháu. Ngôi trường này được thành lập năm 2012, trước khi thuộc về huyện Nậm Nhùn (được thành lập từ một phần của huyện Mường Tè và một phần của huyện Sìn Hồ), đồng thời nhằm phục vụ số lượng lớn CNLĐ tập trung tại đây để xây dựng thủy điện Lai Châu. Ngôi trường này đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu gửi con em của các CNLĐ nơi huyện miền núi xa xôi này.
Theo chị Vũ Thị Mai Phương - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Lai Châu - hiện các trường mầm non công lập trong tỉnh nhận các cháu từ 19 tháng tuổi trở lên, trong khi đó, theo Bộ luật LĐ, nữ CNVCLĐ được nghỉ thai sản 6 tháng, nên các cháu từ 6 đến 17, 18 tháng tuổi không có cơ sở để nhận. Khi chưa đủ tháng tuổi để gửi vào mầm non công lập, các vị phụ huynh đều phải gửi ở các cơ sở tư nhân, hoặc thuê người trông trẻ. Tiền thuê người trông con cùng với tiền thuê nhà tiêu tốn khá nhiều thu nhập của các cặp vợ chồng CNLĐ có con, trong khi họ chủ yếu còn trẻ, mới ra trường, lương thấp, nên cuộc sống rất khó khăn. "Tổ chức CĐ rất băn khoăn, quan tâm đến các đối tượng này" - chị Phương cho biết.
Bản thân Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Thiện đã có ý kiến đề nghị UBND quan tâm đến tạo dựng cơ sở vật chất nhà trẻ để nữ CNVCLĐ nói riêng và người dân nói chung được gửi trẻ. Nhưng, về vấn đề này, UBND tỉnh rất băn khoăn, bởi Lai Châu là tỉnh mới chia tách, hiện số lượng CNVCLĐ trẻ lên với Lai Châu rất nhiều, nhưng dự báo sau 15 - 20 năm nữa, số lượng CNVCLĐ sẽ ổn định. Vì vậy, nếu xây nhiều nhà trẻ nữa thì thời gian sau nữa, các cơ sở vật chất nhà trẻ mẫu giáo sẽ bị bỏ phí. Hiện UBND tỉnh cũng đang phối hợp với LĐLĐ tỉnh tiếp tục rà soát, thống kê chính xác để xem vấn đề tiếp tục xây dựng thêm nhà trẻ có cần thiết hay không và xây dựng như thế nào.
Hỗ trợ CNLĐ gửi con
Bà Nguyễn Thị Thiện cho biết, ở các huyện trong tỉnh, tỉ lệ LĐ trẻ ít hơn nên các trường công lập đều tiếp nhận các cháu từ 16 tháng tuổi của các cán bộ CNVCLĐ, nên ở các huyện không bức xúc chuyện gửi con. Còn tại thành phố (TP), vào đầu năm học 2013-2014, nhiều CNVCLĐ phản ánh, con của họ phải từ 20 - 22 tháng tuổi mới được vào các trường công lập của TP nên gây khó khăn trong việc gửi con. Sau khi nghe các ý kiến phản ánh, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, trong các phiên họp của UBND tỉnh hàng tháng, đã phản ánh ý kiến này với UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh đã có ý kiến với thành phố, giải quyết thu hút con CNVCLĐ đến mức tối đa vào trường công lập. Ngoài ra, còn phát triển thêm 5 lớp tư thục. Đến thời điểm này, vấn đề nhà trẻ cho con CNVCLĐ trên địa bàn TP.Lai Châu đã không còn bức xúc như năm học trước nữa.
"Tuy vậy, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo giao cho TP và LĐLĐ tỉnh tiến hành khảo sát chính xác số con CNVCLĐ chưa được gửi vào trong các trường công lập trên địa bàn TP là bao nhiêu. Nếu thực sự khó khăn thì tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ để CNVCLĐ gửi con. Hiện LĐLĐ tỉnh đang cùng với TP tiếp tục khảo sát" - bà Nguyễn Thị Thiện nói.
Theo Báo GD&TĐ