Hàng trăm em nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo ở các thôn thuộc xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) nhiều năm qua vẫn ngày ngày phải đi học nhờ tại nhà văn hóa (NVH) thôn, trụ sở HTX nông nghiệp, hoặc trường tiểu học. Điều kiện học tập, chăm sóc hạn chế khiến người dân lo lắng cho sự phát triển thể chất và nhận thức của các bé.
Nhà văn hóa thành... lớp học
NVH thôn Phú Nhi được xây dựng từ năm 1936, hiện là điểm trường của khoảng 20 cháu nhỏ lớp 5 tuổi với phòng rộng chừng 40m2. Khoảng sân trước NVH chỉ có duy nhất bộ cầu trượt đã cũ, hỏng. Điều kiện vật chất phục vụ giảng dạy cho các bé hết sức sơ sài. Cô Phạm Thị Thu Trang - giáo viên đứng lớp cho biết, việc đi học nhờ đã diễn ra trong suốt 3 năm qua. Ngoài sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, tại điểm trường này cũng chưa có điều kiện để tổ chức ăn ở bán trú cho các cháu. Điều đó khiến các bậc phụ huynh rất vất vả do phải đưa đón con đi lại mỗi ngày. Cách đó không xa, hơn 200 em nhỏ thuộc nhóm tuổi 3 - 5 của thôn Phú Nhi cũng đang phải đi học nhờ tại trường Tiểu học Thanh Lâm B.
Nhà văn hóa thôn Phú Nhi hiện trở thành lớp dạy học cho trẻ mầm non.
Không chỉ ở thôn Phú Nhi, 120 cháu học sinh điểm trường mầm non Thanh Vân hiện phải đi học nhờ trong khuôn viên đất chùa Thanh Vân, diện tích chỉ rộng chừng 70m2. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, vui chơi cho các em gần như bằng không. Tại 4 điểm trường mầm non khác trên địa bàn xã gồm: Yên Vinh, Lâm Hộ, Đồng Vỡ và điểm trường Trung tâm, hàng trăm em nhỏ đang ngày ngày phải đi học nhờ tại NVH thôn, HTX nông nghiệp, UBND xã cũ... Điều đáng lo ngại, hầu hết các điểm học nhờ này đều đã xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp.
Bên cạnh những bất cập của hệ thống các điểm trường mầm non, tại trường Tiểu học Thanh Lâm A, 2 dãy nhà với 16 phòng học cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 8 phòng học đã phải đóng cửa do không đảm bảo an toàn (?). Không chỉ thiếu phòng học, các trường tiểu học Thanh Lâm A, Thanh Lâm B đều chưa có điều kiện để học sinh ăn ở bán trú. Cùng với đó, hệ thống sân, vườn, tường rào... tại các điểm trường đều đã cũ và không đáp ứng yêu cầu.
Sẽ sớm được khắc phục?
Việc thiếu hụt điểm trường mầm non khiến nhiều bậc phụ huynh rất bức xúc. "Ở nông thôn không mong có điều kiện đầy đủ về trang thiết bị, đồ chơi cho các bé như TP, nhưng tôi thấy lớp học đã cũ quá rồi. Những ngày mưa gió, tôi không dám đưa cháu tới lớp" - một phụ huynh có con theo học tại NVH thôn Phú Nhi bộc bạch. Nhiều phụ huynh đến đón con lúc nửa buổi cũng phàn nàn rằng, công việc bị ảnh hưởng, vì cứ đến giờ là phải lo về đón con, do lớp không bố trí ăn ở bán trú được. Những hạn chế về cơ sở vật chất giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến các gia đình có con nhỏ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Anh Thưởng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm cho biết, đến hết năm 2014, xã mới đạt và cơ bản đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Trong đó, một số tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, chợ, đặc biệt là giáo dục đang trở thành rào cản lớn trên đường về đích NTM của xã. Trước bài toán cơ sở vật chất trường học, ông Thưởng cho biết, năm 2015, xã đã có kế hoạch đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng mới điểm trường mầm non Phú Nhi theo hướng đồng bộ đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp điểm trường Mầm non Yên Vinh và điểm trường mầm non Đồng Vỡ. Đối với cấp tiểu học, do kinh phí có hạn nên sẽ tập trung vào việc cải tạo, nâng cấp phòng học cũ, hạ tầng kỹ thuật phụ trợ... Các hạng mục này sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu về lớp học cho các em nhỏ trên địa bàn.
Kế hoạch xây dựng đã rất cụ thể, nhưng theo ông Thưởng, vốn đầu tư sẽ chủ yếu có được từ công tác đấu giá đất xen kẹt. Tuy nhiên, việc đấu giá đất hiện không dễ do nhu cầu mua của người dân chưa cao. Vì vậy, Nhân dân địa phương rất mong các sở, ngành TP quan tâm, bố trí vốn để xã từng bước chuẩn hóa hệ thống giáo dục, cũng như sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM hiện còn dang dở.
Theo GD&TĐ