Đó là bài học làm sao để dạy con nhìn cuộc đời từ một góc rộng, rằng mọi gia đình đều hoàn toàn có quyền bình đẳng với nhau trên "thị trường hạnh phúc".
Chỉ là khác nhau hình thái
Trong một buổi tọa đàm: "Dạy con sống vững vàng", chúng tôi được cho xem những cuốn truyện tranh trẻ em của Mỹ, nhiều hình sặc sỡ.
Cuốn truyện nói về gia đình, có những gia đình sống cùng nhau, có gia đình xa nhau, có gia đình có bố mẹ con cái, có gia đình có cả ông bà, có cả cún cưng nữa. Có cả gia đình lại chỉ có 2 bố hoặc 2 mẹ đồng tính. Có nhà thì ăn chung cùng loại thức ăn, có nhà thì người ăn chay, người ăn thịt... Tất cả các gia đình đều khác nhau, nhưng đều rực rỡ, tươi tắn, bình đẳng.
Rồi tiếp cuốn truyện khác về ba mẹ ly hôn. Cậu bé trong câu chuyện cũng buồn. Cậu nằm dài ra, nhìn lên bầu trời và ước chi ba mẹ về ở chung với mình. Nhưng chỉ là ước thôi, ba mẹ cậu mãi mãi không về ở cùng nhau nữa!...
Xã hội hiện lên trong những cuốn truyện như một bức tranh thật rộng, thật đa dạng. Dù có thiếu bố, hay thiếu mẹ, hay có đến hai bố, hai mẹ, thì các bạn sẽ thấy nhà mình chỉ là một trong những kiểu gia đình bình thường mà thôi!
Các con cần được dạy rằng hạnh phúc không phải là một trạng thái, đó là một thái độ sống!
Ly hôn không phải là dị dạng, và không phải lỗi của trẻ
Tôi nhớ bố mẹ tôi thường bất hòa, cãi nhau tối ngày, và rất nhiều người biết điều đó. Tôi rất mặc cảm. Đi học, tôi thường đợi tới sát giờ vào học mới co giò chạy tới lớp. Ra chơi, tôi thường ngồi lỳ trong lớp, không thiết tha đá cầu, nhảy dây chơi u hay trốn tìm gì. Tất cả mọi trò chơi tôi đều chơi rất hậu đậu, khi chia phe, đội nào phải nhận tôi là đội đó xui lắm, cầm chắc phần thua.
Nhìn bề ngoài thì tôi vẫn học giỏi, ngoan ngãn, nhưng tôi luôn né tránh sự quan tâm. Tôi ghét kiểu bày tỏ sự ái ngại, cám cảnh thái quá của các bà các cô, các bác. Tôi cho rằng việc ba mẹ không hạnh phúc là lỗi của mình, là bất hạnh của mình, gia đình mình là dị dạng, cá biệt.
Một người bạn tôi, chịu đựng ông chồng gia trưởng, vô trách nhiệm lại còn vũ phu, đánh đập vợ không ghê tay... nói chung không được hưởng chút hạnh phúc nào từ việc lấy chồng. Nhưng cô ấy không dám ly hôn, nghiến răng chịu đựng cuộc sống địa ngục đó, đợi con thi đại học xong.
Tôi biết có người đợi gả xong chồng vợ cho con rồi mới ly hôn. Họ ra khỏi cái tổ nát bấy khi tuổi đã xế chiều, rất hiếm hoặc không còn chút cơ hội nào để làm lại cuộc đời... Tất cả là do chúng ta thiếu hiểu biết và không được trang bị các kỹ năng!
Hàn gắn yêu thương
Trong buổi hội thảo đó, tôi đã như nuốt từng lời, rằng: "Ở Mỹ, việc trang bị cho trẻ em một tâm thế lạc quan và những kỹ năng cần thiết để thích nghi với thay đổi, sẵn sàng trước những thử thách, được nghiên cứu bài bản và thiết kế hiệu quả. Từ những câu chuyện nhẹ nhàng, đơn giản nhưng sâu sắc, trẻ em được dẫn dắt để hiểu rằng việc thay đổi cấu trúc của gia đình là hoàn toàn bình thường.
Ở Việt Nam hiện chưa có tổ chức nào đứng ra làm công tác này. Làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi những tổn thương, những cảm xúc tiêu cực? Làm sao để dạy con vượt qua những thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh mới? Chỉ có cách chính chúng ta phải làm cho con hiểu việc đó hoàn toàn bình thường. Hãy tạo cho con một không gian tin tưởng và chia sẻ để con dần biết cách đọc tên các cảm xúc của mình, đối thoại được với cảm xúc, nói ra được những mong ước cuả con!".
Không ai chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có thể chọn cách để con mình lớn lên bình yên và hạnh phúc, ngay cả khi có một tổ ấm khác hình tròn. Những chấp nhận sự khác biệt của người khác, chấp nhận sự khác biệt cuả mình, khoan dung hơn, là một kỹ năng "an toàn tinh thần", làm con mạnh mẽ.
Bởi vì, hạnh phúc không phải là một trạng thái, đó là một thái độ sống!
Theo Thu Hà / Trí Thức Trẻ