Một điều quan trọng là lúc đó mẹ cũng phải thể hiện sự kiên nhẫn và lắng nghe con tuyệt đối, mình nghĩ rằng sự kiên trì là chìa khoá cho việc trở thành một người mẹ tốt.
1. Lâu lâu tự nhận thấy mềnh rất chi là ác và bạn Nhím khá là tội nghiệp...
Bạn Nhím rất hạn chế được cho ăn bánh kẹo, đồ ngọt. Thường là cuối tuần mới được ăn bánh ngọt hoặc socola gì đó, hoặc lâu lâu được cho ăn bánh quy, kẹo M&M loại viên nhỏ xíu. Nhà thì lúc nào cũng có sẵn 1 hộp bánh quy và 1 hộp kẹo nhỏ trong tủ lạnh phòng khi bạn quá đói, nhà ăn cơm trễ hoặc hứng lên mẹ ngoại lệ cho bạn.
Nhưng mà ăn cũng có quy định, bạn được học là mỗi lần ăn phải xin phép mẹ (hoặc ba, bà), và chỉ được ăn 2 cái hoặc 2 viên (mỗi tay 1 cái) thôi, to như bánh quy xốp cũng 2 mà nhỏ xíu như bánh cá cũng chỉ 2, cái nào to đặc biệt thì duy nhất 1 hoặc ăn theo sự phân chia của người lớn, nếu cố ý lấy thêm sẽ phải bỏ bớt lại, bỏ bớt lại mà khóc la ăn vạ là cất luôn khỏi ăn cái nào. Và mỗi lần cũng chỉ được ăn 1 loại, ăn bánh thì không ăn kẹo, ăn kẹo này thì không được ăn kẹo khác, bạn được quyền TỰ CHỌN 1 trong 2, léng phéng lèo nhèo là cũng cắt luôn.
Đừng cấm cản những điều nhỏ bé làm nên sự hào hứng của tuổi thơ con mà giúp con tận hưởng điều đó theo cách có lợi nhất cho mình. (Ảnh: Mẹ Nhím)
Nói chung lắm lúc mình nghĩ là chắc bạn không vui lắm. Nhưng có 1 hôm mẹ với bạn ở trên nhà, bạn xin ăn bánh, vì là chiều Chủ Nhật nên mẹ đồng ý, nhưng mẹ đang lười nên bảo bạn tự xuống mở tủ lạnh lấy và nghĩ là bạn sẽ hốt 1 nắm (tranh thủ được tự lấy mà). Không ngờ bạn lục sục khoảng mấy phút thì thấy bạn đi lên, 2 tay bưng 2 hộp bánh và kẹp socola đưa mẹ chờ đợi mẹ mở cho (dù 2 hộp này bạn tự mở được).
Mẹ hơi bất ngờ (vì đã chủ ý để bạn tự do ăn) nhưng vẫn làm mặt lạnh, bảo Nhím chỉ được ăn 1 món thôi, con ăn kẹo hay bánh, và bạn chọn bánh. Mẹ mở hộp bánh cho bạn, bạn lấy đúng 2 cái rồi nói mẹ đậy nắp lại. Mẹ đậy nắp rồi bảo bạn để bánh lại, cất 2 hộp xuống tủ lạnh, bạn lại ngoan ngoãn đi cất xong mới lên ăn bánh. Nghĩ thấy mình siêu ác và bạn thì siêu tội nghiệp. Nhưng mà trong lòng thì khá hài lòng và mãn nguyện. Lúc bạn lên thì mẹ ôm bạn nói: "Mẹ cảm ơn bạn Nhím". Bạn ăn 2 cái bánh quy nhỏ xíu mà thấy cũng rất vui vẻ.
2. Mà nhân tiện cái đoạn này, chắc chắn có mẹ sẽ bảo "con em còn lâu mới chịu để bánh lại xong đi cất" - cái này mình cũng muốn nhấn mạnh một chút là từ sơ sinh mình đã quán triệt trong nhà là tuyệt đối không nói dối bạn, không trêu chọc bạn theo kiểu làm bạn mất lòng tin, nghi ngờ người khác như kiểu là nói mẹ cầm giúp bánh xong rồi mẹ giấu đi và lừa con bảo mẹ ăn mất rồi, hay là nói mẹ đi xuống nhà 5 phút lên xong rồi trốn con đi mất tới tối.... Nhà mình ai làm gì cũng nói rõ với bạn, thậm chí xin phép bạn đàng hoàng. Mình nghĩ là cái này có qua có lại, muốn con tin bạn thì bạn phải tạo sự tin tưởng cho con, muốn con lễ phép, tôn trọng bạn thì bạn cũng phải tôn trọng con, mình không thể bắt con làm nọ làm kia trong khi bản thân mình không thực hiện như thế được.
Con trẻ học từ ai? Học từ chính cha mẹ và người lớn trong nhà! (Ảnh: Mẹ Nhím)
3. Lại tản mạn sang chuyện NÓI của các bạn nhỏ. Hôm trước mẹ Phích có hỏi mình là bạn P đột nhiên bị NÓI LẮP BẮP và như kiểu không nhớ ra từ để nói, nói nhanh, luống cuống, dù trước đó bạn ý nói bình thường, nhớ không lầm thì P tầm 18tháng gì đó. Vấn đề này thì bạn Nhím cũng có một đợt gặp phải, ban đầu mình cũng không chú ý lắm vì khi nói chuyện ở nhà bạn vẫn nói bình thường, nhưng hôm đó có bạn mình qua chơi và cho con bạn sang cùng, bạn Nhím hôm đó nói rất lắp bắp và như kiểu cố gắng nói nhanh sợ người khác tranh mất thành ra lại không kiếm được từ để nói... đại loại là bị trí não chạy quá nhanh còn mồm miệng đi không kịp ý.
Mấy hôm sau mình để ý thì cứ lúc nào quá hào hứng hoặc nói một cái gì đó mới là bạn bị tình trạng vậy. Và mình hiểu đây KHÔNG PHẢI LÀ TẬT mà chỉ là do sự phát triển không đồng đều trong cơ thể các bạn nhỏ, trí não phát triển nhanh hơn các cơ quan khác (điển hình là trong các giai đoạn khủng hoảng lên 2, lên 3) nên có sự chênh lệch này, và cũng một phần do bạn phát hiện ra quá nhiều thứ mới mẻ, vội vã, lo sợ là nếu mình không nói nhanh ra thì người khác sẽ nói mất, hoặc người khác không hiểu hoặc là mình quên mất....
Thế là hôm đó khi bạn bắt đầu lắp bắp, mình ngồi xuống đối diện với bạn, tay đặt lên vai bạn và nói thật CHẬM với bạn: "Nhím nói CHẬM thôi, mẹ sẽ nghe con nói mà" và yêu cầu bạn nói lại, khi bạn lại lắp bắp "con..con..con... cái...cái...cái...này" mình lập tức nhắc lại câu của bạn, một cách rất RÕ VÀ TỪ TỐN " CÁI...NÀY.... Nhím nói chậm thôi, mẹ sẽ nghe con mà"... cứ như thế mình và bạn nhắc lại nguyên câu cho đến khi bạn có thể nói mà không bị lắp bắp. Ban đầu mình nghĩ bạn sẽ khó chịu vì hành động này của mình, nhưng thực ra thì mình sai, bạn cũng RẤT KIÊN TRÌ nhắc lại từng câu một theo mình, có lẽ vì bạn KHÔNG BỊ BỆNH XẤU HỔ NHƯ NGƯỜI LỚN và có lẽ bạn cũng biết rằng bạn đang bối rối, bạn đang khó khăn và mẹ đang cố gắng giúp bạn.
Một điều quan trọng là lúc đó mẹ cũng phải thể hiện sự kiên nhẫn và lắng nghe bạn tuyệt đối, chứ không phải nghe để đó, bạn sẽ càng lo lắng, bối rối và càng nói lắp bắp hơn vì cho rằng mẹ không hiểu mình, không lắng nghe mình, lâu dài có thể thành TẬT thực sự. Sau khoảng 1 tuần liên tục như thế thì bạn hết hẳn vụ lắp bắp, bây giờ bạn nói khá nhanh và nhiều nhưng rất ít khi vấp/lắp bắp, và thậm chí có lúc bạn lắp bắp 1 tẹo là tự bạn lẩm bẩm "Nhím nói chậm thôi". Mình nghĩ rằng sự KIÊN TRÌ là chìa khoá cho việc trở thành một người mẹ tốt.
Hai mẹ con nhà bạn Nhím. (Ảnh: NVCC)
4. Lại tiếp tục vụ NÓI. Mình thấy rất nhiều nhà yêu cầu con phải dạ, vâng, xin lỗi, cảm ơn, thưa gửi, không được nói trống không... nhưng bản thân cha mẹ thì nói xẵng với con, không chủ ngữ vị ngữ, con đưa đồ thì không cảm ơn, lấy đồ của con thì không xin phép con, đi đâu không chào con, cũng chả chào nhau, làm gì sai cũng không xin lỗi con, thậm chí còn mắng con để lấp liếm cái sai của mình theo kiểu "ba mẹ là người lớn, người lớn luôn đúng, nếu người lớn sai thì xem lại điều 1". Và với cách như thế, người lớn yêu cầu con mình phải NGOAN, phải LỄ PHÉP...
Con trẻ học từ ai? Học từ chính cha mẹ và người lớn trong nhà. Mình tự nhận mình là 1 đứa quen nói trống không với người lớn tới mức hồi mới lấy nhau mấy lần cãi nhau với chồng về thói quen này. Nhưng từ khi có bạn Nhím, mình đã thay đổi cách nói chuyện rất nhiều, nói với con, nói với chồng, với ông bà đều có chủ ngữ vị ngữ đàng hoàng, con gọi cũng "Dạ" (ba Nhím thì không dạ mà nói "ba nghe"), con giúp hoặc làm tốt việc gì thì cảm ơn con, đi thưa về gửi.... và mình tin là điều này dạy con tốt hơn nhiều so với việc suốt ngày lải nhải "con ạ mẹ đi, con cảm ơn mẹ đi, con chào bác đi" mà không hề làm gương tí nào cho con.
Mà kể nghe, nhà mình toàn người "ngoan" thế ý, thế mà đợt rồi cũng loạn cả nhà lên vì vụ ăn nói. Chả là mình với chồng mình bằng tuổi, nên mặc dù xưng hô anh - em ngọt xớt nhưng đôi khi nói chuyện với nhau cũng khá xuồng xã, điển hình là nói gì cũng sẽ "Ừ" chứ không có vâng dạ gì hết ráo. Một ngày đẹp trời, ba mẹ bảo "Lát Nhím ăn xong ngoan chúng mình sẽ đi coi xe lửa nha" - "Ừ"... Ba mẹ nhìn nhau không chớp mắt! Thế là từ hôm đó, lại phải thực hiện chiến dịch thay đổi cách giao tiếp với nhau + chỉnh sửa sai sót cho cô nàng hay bắt chước. Ba mẹ thì không quen vâng dạ với nhau nên thay vì "Ừ" thì đổi thành "OK". Còn với bạn, mỗi khi bạn "Ừ" thì ba mẹ chỉnh ngay "DẠ... mình không có nói Ừ nha".... Liên tục 1 tuần... hôm qua mẹ hỏi bạn "Ở lớp Nhím có bạn Bảo Châu hả Nhím", bạn "Uhm...DẠ..CÓ... mình không nói Uh nha"...
Theo Mẹ Nhím / Trí Thức Trẻ