Năm 2013, Tổ chức Di cư quốc tế ước tính có khoảng 3 - 5 triệu người mỗi năm tại khu vực sông Mê Công di cư để tìm việc làm và thu nhập. Trong khi nỗ lực chấm dứt việc mua bán người dường như còn xa mới đạt những kết quả mong muốn, nhưng có những hành động có thể thực hiện ngay để giảm nguy cơ này.
Cần hướng dẫn và giúp đỡ người lao động, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên di cư tìm việc an toàn. (Ảnh minh họa)
"Thay vì chỉ nâng cao nhận thức, hay "dọa" trẻ em, thanh thiếu niên về nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người, cần hướng dẫn và giúp đỡ các em di cư tìm việc an toàn". Đó là thông điệp được Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) nêu lên nhân ngày Di cư quốc tế 18-12, sau một chương trình nghiên cứu cấp vùng được thực hiện thông qua 1.000 cuộc phỏng vấn tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái-lan và Việt Nam.
Cách tiếp cận nói trên đang thực sự có hiệu quả. Ông John Whan Yoon, Quản lý Chương trình Chấm dứt Mua bán người khu vực Mê Công của World Vision, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi khẳng định với các bằng chứng từ thực tế rằng, công tác phòng chống mua bán người chỉ dựa trên nâng cao nhận thức là không đủ. Thanh thiếu niên sẽ tiếp tục di cư tìm việc. Đây là lúc các cơ quan liên quan cần chuyển trọng tâm sang làm thế nào để giúp các em di cư tìm việc an toàn. Chúng tôi không khuyến khích thanh thiếu niên di cư tìm việc, nhưng hướng tới trang bị cho các em các kỹ năng tự bảo vệ bản thân một cách hợp pháp trong trường hợp các em quyết định đi làm tại các nước khác".
Những trẻ em di cư tìm việc nếu biết các hình thức tự bảo vệ bản thân sẽ có nhiều khả năng tìm được việc làm tốt và kiếm đủ tiền gửi về nhà. Các hình thức đó bao gồm mang theo giấy tờ cá nhân khi đi làm xa, không đưa giấy tờ gốc cho chủ, gửi một bản photocopy giấy tờ cho người thân ở nhà, thường xuyên liên lạc với gia đình, v.v...
Khi quyết định rời quê hương, các bạn trẻ cũng biết về các nguy cơ có thể xảy ra đối với bản thân khi di cư đi tìm việc như bị tăng giờ làm, hoặc bị chủ nơi làm thuê khống chế do nợ nần, bị giữ lương, bị lạm dụng cả về thể chất và tinh thần, hoặc phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm. Tuy nhiên, bất chấp sự thật này, phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên được phỏng vấn cho biết các em vẫn có thể gửi tiền về nhà. Nếu vẫn có thể gửi tiền về nhà, các em cho rằng mình đã thành công và những rủi ro, nguy hiểm chỉ là yếu tố phụ. Với những người có rất ít cơ hội, họ sẽ vẫn tiếp tục dấn thân vào hành trình di cư tìm việc không an toàn bất chấp các nguy hiểm tiểm ẩn, để có tiền gửi về nhà.
Những cảnh báo về nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người không ngăn cản được làn sóng di cư tìm việc. Hiện thực này cho thấy sự cần thiết có cái nhìn xa hơn thông qua việc xóa bỏ các khoảng cách xã hội và bất bình đẳng về kinh tế. Trách nhiệm bảo vệ người lao động di cư, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, khỏi các nguy cơ bị bóc lột, bị lạm dụng, bị mua bán cần được chia sẻ giữa chính phủ với các tổ chức xã hội và mỗi công dân.
Theo NDĐT