BLDS sửa đổi cần có các quy định trao thêm quyền cho phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật... Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo góp ý về BLDS sửa đổi do Bộ Tư pháp phối hợp với tổ chức Từ nhân dân Mỹ (USAID) tổ chức sáng 11-12.
Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia của Việt Nam và thế giới đã nhấn mạnh việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, vấn đề bình đẳng giới, xác định tên người sau khi chuyển đổi giới tính, xác định giới tính đang là những vấn đề bức thiết nhất hiện nay.
Tạo cơ hội cho phụ nữ độc lập hơn
Theo các đại biểu tại hội thảo, cần trao cho phụ nữ nhiều quyền hơn nữa khi tham gia quan hệ dân sự. Chẳng hạn phụ nữ có quyền cho con lấy họ của mẹ, không cứ bắt buộc phải lấy họ của cha. Cạnh đó, cần quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về quyền thừa kế của người phụ nữ để bảo vệ họ bởi thực tế có nhiều trường hợp về nhà chồng, sinh con rồi nội trợ phục vụ gia đình chồng hàng chục năm, đến khi chẳng may chồng mất là họ bị nhà chồng đẩy ra đường trong tình trạng tay trắng.
Theo chuyên gia về giới và phụ nữ Vương Thị Hạnh, BLDS sửa đổi cần nâng cao vị thế kinh tế và vai trò xã hội của phụ nữ, tạo điều kiện để họ độc lập hơn trong việc xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền của mình và gia đình.
BLDS sửa đổi cần tăng quyền nhiều hơn nữa cho phụ nữ, trẻ em. Ảnh minh họa: ĐẶNG TRUNG
Về quyền của trẻ em, các đại biểu cho rằng đối với trẻ em được sinh ra là người dân tộc thì không nhất thiết phải lấy theo họ của cha mà nên để cha mẹ tự thỏa thuận lấy theo họ của ai. Đặc biệt, cần nghiêm cấm dưới mọi hình thức việc thuê trẻ em, lao động dưới 15 tuổi.
Cho phép đổi tên và giới tính?
Ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết việc thay đổi tên trước khi chuyển giới hoặc chuyển giới trước rồi thay đổi tên sau cũng như vấn đề xác định giới tính đang gây khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua, vẫn chưa đi đến thống nhất để đưa vào luật. "Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng lúng túng" - ông Huệ nói.
Hiện nay việc đổi tên cho phù hợp với giới tính ở Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn. Trên thực tế, rất ít người có thể thay đổi được dù đã phẫu thuật chuyển giới, chưa nói tới những trường hợp không có điều kiện để làm phẫu thuật. Một chuyên gia từng tham gia điều tra xã hội học kể có trường hợp sinh viên hoàn thành xong quá trình học đại học nhưng lại chưa muốn thi tốt nghiệp vì phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam, muốn xác định lại giới tính cũng như đổi tên để ghi trong bằng cấp cho phù hợp nhưng vì vướng luật nên chưa thể thực hiện.
Theo ông Huệ, nhiều người tham gia góp ý cho rằng con người có quyền được thay đổi giới tính theo ý muốn của họ và song song đó, họ cũng có quyền được đổi tên cho phù hợp với giới tính mới. Vì thế cần phải sớm nghiên cứu quy định vào luật.
Ông Nguyên Trung (Hội Người khuyết tật Hà Nội) cũng cho rằng cần ghi nhận quyền của con người được thay đổi tên và giới tính mà không phụ thuộc vào việc phẫu thuật chuyển giới hoặc phải xác định giới tính.
Ghi nhận các góp ý trong hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết dự thảo BLDS sửa đổi lần này sau khi được hoàn thiện với sự chú trọng đến các quyền của phụ nữ, trẻ em, quyền bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc... sẽ là cơ sở để giải quyết nhiều vướng mắc, bức xúc trong xã hội hiện nay.
Tăng quyền là cần thiết
Việc lấy ý kiến đóng góp về tăng quyền cho các nhóm yếu thế trong quá trình soạn thảo BLDS sửa đổi là rất cần thiết bởi sẽ cải thiện khả năng pháp lý, bảo đảm các quyền căn bản cho các nhóm yếu thế. Việc trao quyền nhiều hơn sẽ giúp người dân được hưởng lợi, đồng thời xây dựng mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ ngày càng chặt chẽ hơn.
Bà Anne Aarnes, Quyền Giám đốc khu vực châu Á
của USAID
Theo PL