Khoảng 35% dân số thế giới (tương đương 2,5 tỉ người) không được sử dụng nhà vệ sinh, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhân ngày Toilet thế giới hôm 19-11.
Có 1 tỉ người thường xuyên đi vệ sinh ngoài trời, do đó dễ bị bệnh tiêu chảy. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của khoảng 2.200 trẻ em mỗi ngày.
Báo cáo cũng cho biết gần 2 tỉ người sử dụng nước bị nhiễm phân, dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe cho dù hàng tỉ USD đã được chi ra để cải thiện vệ sinh môi trường toàn cầu.
Một bé trai uống từng giọt nước ở vòi nước công cộng tại Nepal. Ảnh: REUTERS
Ông Bruce Gordon thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: "Nếu không cải thiện điều kiện vệ sinh thì tổn thất về kinh tế và sức khỏe con người ngày một tăng. Chúng ta cần nỗ lực giúp đỡ những người đang sống trong điều kiện vệ sinh kém và chưa tiếp cận được nước sạch. Đây là yếu tố tiên quyết để ngăn chặn sự bùng phát Ebola hoặc dịch tả".
Mặc dù tiền đầu tư vào cải thiện nguồn cung cấp nước và điều kiện vệ sinh đang ở mức cao kỷ lục nhưng vẫn còn 1,8 tỉ người tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm. Theo Reuters, chỉ có 1/4 khoản tiền này được chi cho việc cải thiện điều kiện vệ sinh khiến nhiều khu vực nông thôn bị bỏ quên. Ngoài ra, người sáng lập Tổ chức Toilet thế giới, ông Jack Sim, chỉ ra yếu tố khác liên quan đến nhận thức và lối sống: Người dân tại một số nơi vẫn lựa chọn đi vệ sinh ngoài trời.
Ngày 19-11 được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận là ngày Toilet thế giới vào năm 2013. Bước đi này được kỳ vọng sẽ giúp thế giới nhớ đến tầm quan trọng của một hệ thống nhà vệ sinh tốt hơn cho tất cả mọi người chứ không phải là chuyện mua vui.
Theo Người Lao Động