Bưởi là loại quả ngon, giàu dinh dưỡng như lycopene, vitamin A và beta-carotene cho bé. Quả bưởi cũng được gọi là "loại quả từ thiên đường" vì tính tăng cường sức khỏe cũng như ngăn ngừa bệnh của bưởi.
Lợi ích sức khỏe của bưởi với bé
Bưởi có rất ít kalo, chỉ 42 kalo mỗi 100g bưởi. Tuy nhiên, bưởi lại giàu chất xơ pectin hòa tan, có tác dụng như thuốc nhuận tràng. Pectin cũng đã được chứng minh là làm giảm nồng độ cholesterol trong máu bằng cách giảm tái hấp thu cholesterol trong ruột kết ở bé.
Bưởi có chứa hàm lượng lớn vitamin A (khoảng 1150IU vitamin A trong mỗi 100g bưởi) và chất chống oxy hóa flavonoid (như naringenin, naringin). Ngoài ra, bưởi còn chứa lycopene, beta-carotene, lutein và xanthin. Các nghiên cứu cho thấy, các hợp chất này có đặc tính chống oxy hóa và rất cần thiết cho thị lực của bé.
Các bé ăn nhiều hoa quả tự nhiên giàu vitamin A và chất flavonoid giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh ung thư phổi và khoang miệng sau này.
Bưởi còn là một nguồn tuyệt vời của chất chống oxy hóa vitamin C. Vitamin C trong bưởi là một chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ và giúp cơ thể phát triển sức đề kháng chống lại các nguyên gây bệnh và "quét dọn" các gốc tự do có hại. Vitamin C cũng tạo điều kiện cho sự hấp thụ sắt từ chế độ ăn uống của bé.
100g bưởi tươi chứa khoảng 135mg kali. Kali là một thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch cơ thể, giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp cho bé.
Giống bưởi đào rất giàu chất chống oxy hóa flavonoid, đặc biệt là lycopene. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lycopene giúp bảo vệ tổn thương da cho bé khỏi tia cực tím.
Ngoài ra, bưởi có chứa hàm lượng trung bình vitamin nhóm B như folate, riboflavin, pyridoxine và thiamin; bên cạnh một số khoáng chất như sắt, canxi, đồng và phốt pho.
Chọn mua và bảo quản
Bưởi có thể mua quanh năm. Những quả bươi có vỏ sáng, tươi, nặng tay thì ngon hơn bưởi bị bầm dập. Bưởi có thể bảo quản ở nhiệt độ trong phòng vài ngày hoặc lâu hơn, tùy giống bưởi.
Cho bé ăn bưởi
Cho bé uống nước ép bưởi: Bé 7-8 tháng, mẹ có thể pha loãng nước ép bưởi cho bé uống. Mẹ nên chọn loại bưởi ngọt, mọng nước. Tiếp đến, bưởi được bỏ vỏ, bỏ hạt, ép lấy nước. Khi mới tập cho bé uống nước ép bưởi, nên pha loãng nước ép bưởi với nước lọc. Chỉ nên cho bé uống nước ép bưởi nguyên chất, không cần pha thêm mật ong hay đường.
Với bé lớn hơn, có thể tách từng tép bưởi và cho bé ăn cả tép. Tuy nhiên, do bé chưa nhai thành thạo nên tép bưởi thường không được tiêu hóa hết. Kết quả, MẸ có thể nhận thấy những tép bưởi còn nguyên dạng, lẫn trong phân của bé. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể dùng kéo, cắt ngang một miếng bưởi nhỏ (gồm nhiều tép). Cuối cùng, các tép bưởi sẽ được cắt thành đoạn ngắn, có độ dài vừa phải. Tiếp đó, mẹ có thể tách rời từng tép bưởi, đặt một số ít tép bưởi vào thìa và cho bé ăn. Nên lưu ý với số lượng tép bưởi có trong thìa để bé không bị nghẹn.
Cũng có thể chọn cách cho bé mút cả múi bưởi. Chọn một múi bưởi ngon, bỏ hạt, giữ nguyên lớp vỏ ngoài của múi bưởi. Sau đó, cho bé cầm cả múi bưởi để mút. Cha mẹ nên lưu ý vì khi mút, bưởi có thể bị tách ra thành một miếng lớn, khiến bé bị nghẹn.
Một số lưu ý khi cho bé ăn bưởi:
- Bé bị tiêu chảy hoặc đang rối loạn tiêu hóa kém không nên ăn bưởi: Bưởi tính lạnh, khiến bé bị tiêu chảy ăn vào sẽ càng nghiêm trọng.
- Không cho bé ăn bưởi khi đang uống thuốc: Bé đang sử dụng thuốc chống dị ứng nếu ăn bưởi (hoặc uống nước ép bưởi) có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim...
Ngọc Huê (mevabe.net)