Bị nhà trường bắt quả tang sàm sỡ bạn gái, bé trai 12 tuổi ở Bình Phước được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám. Lúc ấy cha mẹ mới biết bé bị tự kỷ.
Chậm nói nên bé học môn tiếng Việt rất khó khăn. Lần này, bé bắt chước bạn bè chọc ghẹo bạn gái nhưng không biết đó là hành vi cấm. Bị bắt gặp, trong khi các bạn trai khác chạy trốn, bé tỉnh bơ không biết chạy theo nên bị bắt lại.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé giao tiếp mắt kém, không hề sợ hãi hay quan tâm đến nỗi lo lắng của cha mẹ. Bé cũng không biết chơi theo lứa tuổi, không tự khởi xướng tương tác với người khác. Bệnh viện đã cung cấp giấy chứng nhận để bé được nhà trường và cộng đồng hiểu, tiếp tục học với sự hỗ trợ về kỹ năng xã hội.
Mọi người cần trang bị kiến thức và cách tiếp cận trẻ tự kỷ để giúp trẻ hòa nhập tốt hơn. Ảnh minh họa: Lê Phương.
Theo bác sĩ Trang, trẻ tự kỷ bị khiếm khuyết về tương tác xã hội, khả năng diễn đạt bằng lời hạn chế và có một số hành vi không phù hợp như xoay vòng tròn, nhón gót, ngửi, nếm đồ vật... Do rối loạn điều hòa cảm giác nên các em sẽ gặp nhiều khó khăn khi đến trường, kết bạn và học tập. Mọi người nếu không được trang bị kiến thức và cách tiếp cận trẻ tự kỷ sẽ khó chấp nhận bé khi sinh hoạt trong cùng nhóm. Do đó, trẻ dễ dàng bị cô lập, không được kết bạn hoặc thậm chí bị đuổi học.
Theo VnExpress