Sáng nay 9/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn các vấn đề liên quan tới trẻ em trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi được chăm sóc tại trung tâm bảo trợ xã hội. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Bên cạnh 6 chỉ tiêu của giai đoạn 2011-2015, các bộ ngành đã thống nhất đề xuất thêm 8 chỉ tiêu mới liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Theo đó, bảo trợ xã hội cho trẻ em là lĩnh vực mới được bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo.
Chỉ tiêu trong lĩnh vực bảo trợ xã hội tập trung vào tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận chăm sóc, hỗ trợ và tỷ lệ trẻ em được nhận hỗ trợ xã hội trực tiếp bằng tiền mặt. Chỉ tiêu trong lĩnh vực này cũng đề cập đến số người làm công tác xã hội được đào tạo trên tổng số 10.000 dân tại mỗi tỉnh.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bên cạnh hai tiêu chí cũ của giai đoạn 2011-2015 về tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo và tiểu học thì chỉ tiêu mới tập trung vào tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ trẻ em học tiếp lên trung học cơ sở. Trong lĩnh vực giáo dục, kế hoạch phát triển cũng đặt chỉ tiêu mới về tỷ lệ phân bổ chi ngân sách thường xuyên cho mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên tổng chi thường xuyên.
Về lĩnh vực y tế, ngoài các chỉ tiêu trong giai đoạn 2011-2015 về tỷ suất tử vong bà mẹ, trẻ em, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em thì các chỉ tiêu mới tập trung vào tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là một khung pháp lý quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế và xã hội. Theo như những ưu tiên đã được xác định trong kế hoạch năm năm 2011-2015, Việt Nam đã đạt được những cải thiện tích cực cho đời sống trẻ em như: Tỷ lệ nghèo đã giảm 2% hàng năm, 90% trẻ em đã được tiêm chủng đầy đủ, 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận các trợ giúp xã hội.
Theo ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam thì kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chu kỳ mới sẽ là cơ hội để giải quyết các thách thức theo hướng thân thiện với trẻ em cũng như hướng dẫn quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở cả tuyến trung ương và địa phương trong những năm tới đây.
"Trẻ em sống ở vùng nông thôn và vùng miền núi, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em bị khuyết tật là những nhóm trẻ em hiện đang chịu nhiều thiệt thòi nhất. Tiếp cận đến được với những trẻ em này là thách thức chính mà Việt nam đang phải đối mặt tại thời điểm hiện tại," ông Jesper Moller nhấn mạnh./.
Những chỉ tiêu về các vấn đề liên quan đến trẻ em trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015:
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo tập trung vào: Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo phân tổ theo giới, tuổi, dân tộc, thành thị và nông thôn; Tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học phân bổ theo giới, tuổi, dân tộc, thành thị và nông thôn.
Về lĩnh vực y tế gồm các chỉ tiêu: Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, phân bổ theo giới, tuổi, dân tộc, thành thị và nông thôn; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi theo giới, tuổi, dân tộc, thành thị và nông thôn; Tỷ lệ tử vong bà mẹ theo giới, tuổi, dân tộc, thành thị và nông thôn; Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi theo giới, tuổi, dân tộc, thành thị và nông thôn./.
Theo VIETNAM+