|
Cô và trẻ trong giờ ăn tại trường mẫu giáo (Ảnh Minh họa) |
Năm học mới vừa bắt đầu chưa đầy chục ngày, dư luận đã không khỏi bàng hoàng, lo lắng về những sai phạm liên tiếp xảy ra tại hai trường mầm non Việt Hưng (quận Long Biên) và mẫu giáo Chim Non (quận Hai Bà Trưng).
Không chỉ khiến dư luận xã hội bất bình, sự việc xảy ra còn khiến các bậc cha mẹ nảy sinh mối nghi ngờ về chất lượng nuôi dạy trẻ ở các nhà trường hiện nay.
Cũng có không ít người đã băn khoăn: Liệu có còn những vụ việc tương tự khác chưa được phát giác ? Ngành GD-ĐT Thủ đô làm gì để lấy lại lòng tin của xã hội ? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT để tìm câu trả lời.
- Vài ngày gần đây, dư luận quan tâm về những vụ việc đáng tiếc tại hai trường mầm non của Hà Nội . Một vi phạm về phương pháp sư phạm, một là về quản lý, sử dụng tài chính. Với cương vị là người quản lý ngành, bà nhìn nhận về sự việc này như thế nào ?
- Trước khi những vụ việc được đăng tải trên báo chí, Sở GD-ĐT đã có thông tin về dấu hiệu sai phạm ở trường Chim Non, và ngày 31-8 đã làm việc với lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận , yêu cầu xác minh và báo cáo UBND quận. Ngày 4-9, lãnh đạo Sở cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng, đề nghị khẩn trương làm rõ vụ việc. Những sai phạm ở trường Việt Hưng cũng đang được xác minh. Theo thông tin ban đầu mà chúng tôi nhận được, có thể khẳng định rằng, những sai phạm của hai đơn vị này là có. Tuy nhiên, sai phạm ấy ở mức độ như thế nào thì còn phải chờ kết quả của các đoàn kiểm tra.
- Xin bà cho bạn đọc biết rõ hơn về diễn biến mới của từng vụ việc, và hướng giải quyết của ngành ?
- Qua xác minh ban đầu của phòng GD-ĐT quận Long Biên về vụ việc xảy ra tại trường Mầm non bán công Việt Hưng, thì chiều ngày 18-8, trong giờ đọc thơ, khi thấy cháu Hồng Anh không thuộc thơ, lại nói chuyện riêng với bạn nên cô giáo Mai đã dọa cháu là sẽ nhốt vào bao tải… Cũng có thông tin trên báo chí nói rằng, cô đã nhốt cháu vào bao tải thật… Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của sự việc này tới đâu sẽ được các tổ công tác điều tra làm rõ trong vài ngày tới. Nhưng dù chỉ mới là “dọa”, thì hành vi ấy cũng không thể chấp nhận được, vì nó không chỉ là sai về phương pháp sư phạm, mà sâu xa hơn, còn là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngày 12-9, khi tổ công tác của phòng bắt đầu làm việc, cũng là lúc cô Mai và cô Dơn (người cùng phụ trách lớp) nhận quyết định đình chỉ công tác giảng dạy. Hai cô giáo khác đã được thay thế để phụ trách lớp mẫu giáo này.
Vụ việc ở trường mẫu giáo Chim Non đang được UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra. Theo báo cáo ban đầu của lãnh đạo phòng, hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Kim Phương đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về những sai phạm. Hiện tại, đoàn thanh tra đang xác định mức độ vi phạm và những sai phạm ấy kéo dài đã bao lâu… để có biện pháp xử lý.
- Được biết, trong biên bản tường trình, hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Phương có giải trình rằng, bà bớt xén khẩu phần ăn của trẻ không phải vì mục đích cá nhân, mà một phần dùng để mua đồ chơi, số còn lại để hỗ trợ phục vụ đời sống giáo viên toàn trường. Theo bà, cách giải thích như thế liệu có thuyết phục ?
- Tôi xin nói ngay rằng, dù phục vụ bất cứ mục đích gì, thì việc bớt xén khẩu phần ăn của trẻ là hành vi không thể chấp nhận được. Với chức năng quản lý ngành, nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã có quy định rõ ràng về việc tổ chức và quản lý bữa ăn của trẻ mầm non, với yêu cầu phải công khai khi giao nhận thực phẩm, cùng nguyên tắc bắt buộc là sổ giao nhận thực phẩm phải có đủ chữ ký của người giao hàng, người trực tiếp đứng bếp, người giám sát (thanh tra nhà trường, đại diện ban giám hiệu…). Theo tôi, nếu không có sự liên kết, tiếp tay của nhiều người, chắc chắn, sai phạm ấy không thể diễn ra, và lại diễn ra không chỉ trong một vài ngày. Tuy nhiên, với cương vị là hiệu trưởng - cũng là người đã ký vào toàn bộ chứng từ thanh quyết toán của trường, thì trách nhiệm của hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Phương là rất rõ ràng.
- Vấn đề thu chi, quản lý và sử dụng tài chính vốn đã là vấn đề nhạy cảm đối với dư luận. ở đây, lại một lần nữa, nó được nhắc tới khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Có người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sai phạm một phần xuất phát từ đời sống của các thầy cô giáo quá khó khăn. Bà có đồng tình với ý kiến này?
- Không thể đổ lỗi như vậy được. Trên thực tế, hàng ngàn thầy cô giáo vẫn ngày đêm hăng say trên bục giảng. Trong số ấy, không ít người đã lập nhiều thành tích đáng trân trọng, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục. Vài năm trở lại đây, cùng với việc phát triển kinh tế- xã hội, đời sống của các thầy cô giáo cũng đã được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt với các giáo viên mầm non. Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2010 vừa được Chính phủ phê duyệt, định mức chi cho trẻ mầm non khu vực nông thôn cũng vừa được HĐND thành phố thông qua… là minh chứng cho sự quan tâm cụ thể của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, tiêu cực là vấn đề xã hội và chúng ta đang cùng nhau tìm mọi cách để kiên quyết loại bỏ nó…
- Với GD-ĐT Thủ đô, năm học này được coi là năm của kỷ cương và chất lượng. Tin tưởng vào điều ấy, dư luận xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào sự cương quyết của ngành trước những hiện tượng tiêu cực. Chắc hẳn, ngành Giáo dục sẽ có những hình thức xử lý nghiêm khắc với những sai phạm vừa được phát giác ?
- Đây là năm học mà ngành giáo dục nhận được sự quan tâm thiết thực của toàn xã hội, cũng là năm đặt ra nhiều trọng trách cho ngành trong việc xây dựng đội ngũ với yêu cầu không chỉ đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, cùng với giáo dục cả nước trong việc triển khai cuộc vận động “hai không”, bám sát quan điểm “kỷ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá” đã được thực hiện từ mấy năm qua, những sai phạm được phát giác chắc chắn sẽ được nghiêm khắc xử lý và rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Từng bộ phận, cá nhân và tất cả những người có liên quan đều phải chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra, tùy theo mức độ. Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc, bởi nó không chỉ khiến dư luận lo lắng, mà còn gây bất bình trong chính đội ngũ cán bộ, giáo viên. Quan điểm chỉ đạo của ngành là dù sai phạm nhỏ, cũng phải xử lý thật nghiêm, không bao che, kiên quyết không dung túng cho tiêu cực, giữ vững kỷ cương trong toàn ngành.
- Xin cảm ơn bà !
Hà Nội Mới