Giáo dục mầm non
   Trường mẫu giáo Chim non - Hai Bà Trưng, Hà Nội: Tham nhũng núp bóng "mẹ hiền"
 

 

 Bà Nguyễn Thị Kim Phương - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Chim Non

Trường mẫu giáo Chim non (MGCN) 86 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thành lập năm 1955. Qua hơn 40 năm, trường đã trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục mầm non Hà Nội, được Nhà nước phong tặng danh hiệu tập thể Anh hùng lao động. Hiệu trưởng hiện nay của trường là bà Nguyễn Thị Kim Phương. Bà "nổi danh" với nhiều thành tích: nhà giáo ưu tú, quản lý giỏi cấp TP, được nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Tổng liên đoàn Lao động VN và bà từng được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân...

Điều đáng nói là, từ mấy năm nay, báo PNTĐ đã nhận được nhiều phản ánh về hành vi bớt xén khẩu phần ăn của các cháu mầm non tại trường do bà Phương phụ trách. Thoạt đầu, chúng tôi chưa tin vào việc một hiệu trưởng có bề dày thành tích như bà Phương tại một trường danh tiếng lại có hành vi "ăn bớt phần con trẻ". Đến khi báo PNTĐ thu thập được bằng chứng thì chúng tôi ghi nhận, dư luận về việc bớt xén khẩu phần ăn của trẻ là có cơ sở

 Bớt từ miếng thịt, củ hành

Theo Quy định của Sở GD-ĐT HN, các trường mẫu giáo khi giao nhận thực phẩm phải viết rõ số lượng mua vào Sổ giao nhận thực phẩm, có đủ chữ ký của người giao hàng, người nhận hàng (bắt buộc phải là người mua trực tiếp đứng bếp), người giám sát của trường...Tại buổi làm việc ngày 11/8 với chúng tôi, Hiệu trưởng trường MGCN tỏ ra nắm rất chắc quy định này, khẳng định: "Hệ thống sổ giao nhận thực phẩm của trường rất minh bạch, thống nhất. Việc mua bán thực phẩm công khai, trung thực. Đã nhiều lần trường bị thanh tra đột xuất nhưng vẫn...không có vấn đề gì"

 Nhưng, theo kết quả điều tra của chúng tôi, hệ thống sổ sách liên quan đến việc mua bán thực phẩm ở trường MGCN không hề...thống nhất như Hiệu trưởng Phương khẳng định. Ngoài hệ thống "sổ chính quy" theo mẫu quy định của Sở GD-ĐT, trường MGCN còn có các sổ "ngầm" khác. Một sổ do bà Nguyễn Thị Lương - tiếp phẩm của trường - tự tay ghi chép để nhớ số thực phẩm thực mua trong ngày. Sổ ngầm thứ 2 - cũng có tên Sổ giao nhận thực phẩm do tổ bếp lập ra. Sổ này cũng có đầy đủ chữ ký của người giao hàng và chữ ký xác nhận số lượng hàng thực nhận của tổ trưởng và các nhân viên trực tiếp đứng bếp


"sổ chính quy"

Điều đáng nói là số liệu giữa 2 "sổ ngầm" của bà Lương và tổ bếp hoàn toàn trùng khớp. Trong khi đó, lượng thực phẩm ghi tại "sổ chính quy" của trường và trong Giấy biên nhận kèm Phiếu chi (cơ sở để quyết toán tài chính) đã được nâng khống lên

 Đơn cử ngày 9/2/2006, thịt lợn nạc thực mua ghi trong sổ của tiếp  phẩm Nguyễn Thị Lương và sổ bếp chỉ là 11kg. Trong khi đó, tại Giấy biên nhận và kèm Phiếu chi số 167 có chữ ký của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Phương cùng thủ quỹ, phụ trách kế toán, thủ kho...thì số lượng thịt lợn đã được khống thành 18kg (tăng thêm 7kg). Với đơn giá 37.000đ/kg, nhóm người xấu đã "ăn ra" số tiền 259.000đ

 Không chỉ ăn về số lượng, nhóm người xấu tại trường MGCN còn ăn chênh lệch cả về đơn giá. Chẳng hạn, ngày 12/4/2006, thịt lợn nạc từ 3kg thực mua bị khống thành 13kg để rút 370.000đ. Cá trắm thực mua 8kg "phù phép" thành 25kg. Đơn giá thực của 1kg cá trắm chỉ 22.000đ/kg được nâng lên 25.000đ/kg. Bằng sự "gian dối kép", họ đã chiếm đoạt 449.000đ chỉ từ việc mua cá trắm. Cũng ngày này, dưa hấu thực mua 8kg với đơn giá 6000đ/kg đã được vống lên 19kg với giá 6.500đ, trục lợi 75.500đ, cà chua khai khống từ 4kg thực mua lên 8kg, ăn ra 10.000đ

 Ngày 6/4/2006, với 322 học sinh đi học, trường chỉ mua có 161 quả chuối (vừa đủ cho 2 cháu ăn chung 1 quả). Số chuối cũng đã bị khai tăng lên thành 309 quả để bớt ra 119.700đ.

 Khi Thanh tra cũng tiếp tay cho hành vi bớt xén

Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 1/9/2006, bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng mầm non - Sở GD-ĐT đã khẳng định, quy trình giao nhận thực phẩm tại các trường mầm non được Sở quy định rất chặt chẽ, khách quan bởi luôn có sự giám sát, kiểm tra của thanh tra nhà trường. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào sự có mặt của thanh tra cũng ...phát huy tác dụng. Thật đáng ngạc nhiên khi bà Ánh Hà - Thanh tra Nhà trường vừa ký xác nhận số thực phẩm thực mua trong Sổ giao nhận thực phẩm của tổ bếp, lại vừa ký xác nhận những con số khống trong Giấy biên nhận. Đơn cử như ngày 21/9/2005, bà ký chức thực số thực phẩm thực mua là 4kg thịt nạc. Trong Giấy biên nhận cùng ngày, số thịt nạc đã bị tăng thành 7kg nhưng bà Hà vẫn ký xác nhận. Ngày 23/9/2005, bà Hà ký xác nhận tổ bếp thực mua chỉ 4kg thịt nhưng cũng lại ký vào Giấy biên nhận chứng thực con số đã bị khai khống thành 8kg thịt. Việc xác nhận bừa bãi của bà Hà đã giúp cho nhóm người xấu "ăn ra" 105.000đ tiền thịt (ngày 21/9/2005) và 140.000đ tiền thịt (ngày 23/9/2005)...

 Chỉ tính riêng ngày 12/4/2006, qua một số khoản thực phẩm thiết yếu chúng tôi tạm liệt kê ở trên như thịt lợn, cá...nhóm người xấu đã ăn bớt số tiền 919.500đ. Vậy, nếu hành vi bớt xén từ miếng thịt cho tới..củ hành diễn ra trong thời gian dài thì số tiền mà họ tham nhũng lên tới bao nhiêu?

 Một dạng tham nhũng phi nhân tính

Có ý kiến cho rằng, số tiền nhóm người xấu bớt xén từ khẩu phẩn ăn của các cháu chưa thấm vào đâu so với các loại hình tham nhũng khác như "ăn" vật liệu xây dựng, đường sá...Nhưng, với những bậc làm cha, làm mẹ, với toàn thể nhân dân thì việc bớt xén khẩu phẩn ăn của các cháu đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với ngành GD mầm non. Trong những năm gần đây, vấn đề hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng luôn là mối quan tâm của cả xã hội. Sự việc ở trường MGCN cho thấy, ngoài những lý do như tập quán ăn uống, trình độ nuôi con của các bà mẹ còn hạn chế...thì dạng tham nhũng mới này cũng góp phần tiếp tay làm suy giảm thể chất của các cháu. Thử hỏi, những ngày như 14/2/2006, với 301 học sinh nhưng trường chỉ mua có 7kg thịt, ngày 12/4/2006 với 341 cháu, các cô mua có 3kg thịt nạc, 8kg cá ...thì có đủ dinh dưỡng cho các cháu phát triển? Được biết, hàng tháng riêng tiền ăn, cha mẹ mỗi cháu đã phải nộp hơn 100.000đ (5000đ/ngày), chưa kể số tiền 15.000đ/cháu/tháng tiền sữa thu thêm với niềm tin con mình được ăn no, ăn đủ. Từ tháng 1/2006, tiền ăn của các cháu lại tiếp tục được trường nâng lên 6000đ/ngày. Không biết, với cung cách gian dối của nhóm người xấu trên tại trường MGCN, số tiền họ bớt xén của các cháu còn tăng đến mức nào?

 Trong cuộc họp giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Thành ủy trung tuần tháng 8/2006, khi chúng tôi đang tiến hành điều tra vụ việc tham nhũng ở trường MGCN, ông Phó GĐ Sở GD-ĐT HN phát biểu trên diễn đàn tự hào về ngành GD Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước. Nghe ông nói, chúng tôi càng đau xót khi nghĩ về trường MGCN- một điển hình Tiên tiến xuất sắc của ngành GD Thủ đô. Tiếc thay, tại một ngôi trường có bề dày thành tích lại xảy ra những hành vi vi phạm đạo đức xã hội không thể chấp nhận

 Chúng tôi đề nghị Bộ GD-DT thanh tra, xem xét vụ tiêu cực này, xử lý nghiêm những người vi phạm để lấy lại niềm tin trong lòng các bậc cha mẹ và công chúng

 Người có trách nhiệm nói gì?

Phó phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng Vương Thúy Thìn:

Ngay khi nhận được phản ánh của PNTĐ, phòng GD quận đã làm việc với Hiệu trưởng trường MGCN Nguyễn Thị Kim Phương. Xác định ban đầu cho thấy, có dấu hiệu vi phạm khẩu phần ăn của trẻ tại trường. Quá trình ăn bớt diễn ra ít nhất là trong năm học 2005 - 2006. Việc bớt khẩu phần ăn xảy ra gần như hàng ngày. Đây không phải là hành động của một cá nhân mà có sự liên kết của một nhóm người trường

 Theo tìm hiểu của PNTĐ, năm học 2005 - 2006, giáo viên trường MGCN đã nhiều lần phản ánh tới phòng GD quận về sự xuống cấp chất lượng bữa ăn hàng ngày của trẻ nhưng không thấy Phòng động tĩnh gì. Về điểm này, bà Thìn cho biết, đầu năm học trước, Phòng có nhận được đơn khiếu nại (nặc danh). Lúc đó, Phòng nghĩ có thể lá đơn xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân nên đã gọi Ban giám hiệu lên nhắc nhở

 Theo bà Thìn, năm học vừa rồi, họat động thanh tra của Phòng đối với trường MGCN có ít hơn mọi năm. Phòng chỉ tổ chức kiểm tra đột xuất trường 1 lần và "kiểm tra thêm" 2 lần nữa khi kết hợp xuóng trường chấm GV giỏi. Bà Thìn thừa nhận, hiện nay, phòng GD Hai Bà Trưng quản lý tới trên 30 trường mầm non các loại. Phòng cũng còn quá nhiều việc phải làm nên công tác kiểm tra đột xuất các trường còn hạn chế. Trường MGCN là lá cờ đầu của ngành GD mầm non TP nên Phòng  đặt nhiều niềm tin. Phòng dành chú ý nhiều hơn cho các trường còn khó khăn..." Về kết quả kiểm tra công tác hè năm học 2005 - 2006 tại trường Chim non, bà Thìn cho biết, đoàn đã không phát hiện được sai sót lớn mà chỉ nhắc nhở trường một vài lỗi nhỏ như: nền nếp học sinh chưa tốt, tổ chức bữa ăn cho trẻ chưa chu đáo. Hôm đoàn xuống kiểm tra, thực đơn quà chiều của trẻ là xôi với chuối nhưng đoàn phát hiện tại trường không có chuối.

 Được biết, Thanh tra phòng GD quận HBT năm học vừa qua đã không tự phát hiện được lỗi sai phạm nào về việc có sự bớt xén khẩu phần ăn của trẻ tại trường mầm non. Về điểm này, bà Thìn nêu ra nhiều lý do để dư luận "thông cảm": Thanh tra thường chỉ xuống trường trong một thời điểm nhất định, cơ sở để thanh kiểm tra cũng chỉ dựa trên sổ sách, chứng từ mà trường cung cấp. Nếu sổ sách đầy đủ chữ ký, khớp số liệu thì không thể phát hiện được. Về nguyên tắc, quy trình giao nhận thực phẩm được Sở GD-ĐT quy định rất chặt chẽ, có chữ ký "tay ba" của người bán, người mua và được phía trường giám sát nhưng trên thực tế, nếu cả nhóm người này cùng liên kết thì thanh tra cũng chịu. Vì vậy, phòng GD chủ yếu kêu gọi tính tự giác, tự chủ của các trường mà thôi"

 Về hiệu trưởng trường MGCN, bà Thìn nhận xét từ xưa đến nay, bà Kim Phương là người đứng đắn trong quận (!?). Tuy nhiên, những năm gần đây, bà Phương bị bệnh cao huyết áp và tiểu đường nên có ảnh hưởng đến tính cách (!?). Ngay khi PNTĐ phát giác sự việc ăn bớt khẩu phần của trẻ, bà Phương đã thành khẩn nhận lỗi và luôn tỏ ra ăn năn. Phòng đang yêu cầu bà Phương viết bản tường trình về toàn bộ sự việc trên

 Nguyên nhân sai phạm tại trường MGCN, theo bà Thìn ghi nhận ban đầu "không phải vì mục đích cá nhân mà để sử dụng vào việc công, trong đó có phần chi cho giáo viên toàn trường, bồi dưỡng công đoàn".

 Phòng GD quận HBT tỏ ra tin vào lời giải thích của bà Nguyễn Thị Kim Phương rằng: bà bớt xén khẩu phần ăn của các cháu không phải vì tư lợi. Nhưng, chúng tôi, những người làm cha, làm mẹ và công chúng không tin vào những lời bao biện đó. Một tập thể cán bộ giáo viên đã góp công xây dựng nên ngôi trường Chim non anh hùng, chắc chắn là tập thể có nhiều người tốt. Chả lẽ, họ cũng vào hùa với nhóm người xấu để ăn bớt khẩu phần của những học trò bé nhỏ non nớt của mình - những chủ nhân tương lai của đất nước?


Theo Phụ Nữ Thủ Đô

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP Hồ Chí Minh: Thêm một trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật (14/9)
 TP.HCM: tuyển bổ sung thêm 300 giáo viên các cấp (14/9)
 Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non: Đào tạo người tại chỗ kết hợp tăng lương (11/9)
 TPHCM: Các trường mầm non chào đón năm học mới (5/9)
 Các trường mầm non TPHCM trước năm học mới: Học sinh tăng, giáo viên thiếu (27/8)
 Cần Thơ: Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở bậc học mầm non (25/8)
 Điểm chuẩn CĐSP Nhà trẻ Mẫu giáo TW1 (23/8)
 TPHCM: Nhiều trường mầm non ngoại thành được xây mới. (22/8)
 TP.HCM: không tăng học phí (21/8)
 Tại sao phải phát triển khả năng tự đánh giá của trẻ mẫu giáo (19/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i