Nền kinh tế thị trường đòi hỏi ở mỗi con người khả năng tự đánh giá bản thân và đánh giá người khác. Khả năng này không thể ngày một ngày hai mà có. Nó phải được hình thành và phát triển ngay từ tuổi thơ ấu.
Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy trẻ mẫu giáo lớn đã có khả năng tự đánh giá tương đối phù hợp những hành vi và những kết quả cụ thể trong các hoạt động vui chơi, học tập, sinh hoạt. trẻ biết mình ngoan hay chưa ngoan, làm đúng hay làm sai. Do đó ở trường cũng như ở nhà cô giáo và người lớn cần tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động và có những tình huống để trẻ phải tự nhìn nhận khả năng của mình.
Trong khi chơi trẻ có thể lựa chọn vai chơi theo khả năng của mình, tự đánh giá xem mình có thể tuân thủ được luật chơi hay không. Quan sát khi trẻ chơi chúng ta thường thấy trẻ nói: tôi có thể đóng được vai này, vai kia, hoặc không thể đóng vai nào đó. một trong những hình thức độc đáo thể hiện khả năng tự đánh giá là sự tinh nghịch của trẻ. Qua các trò chơi tinh nghịch, trẻ muốn kiểm tra khả năng của mình và tự khẳng định mình trong các khả năng đó. Động cơ của những trò chơi này có thể bộc lộ ở câu hỏi: “Liệu có làm được không?”. Khi đó người lớn càng ngăn cấm thì trẻ lại muốn khẳng định mình. Do đó nhiệm vụ của người lớn là phải kiểm soát hành vi của trẻ để trẻ không chơi những trò chơi nguy hiểm và giúp bé tự khẳng định mình.
Ví dụ: ở ngoài sân chơi, trẻ muốn leo lên thang cô giáo hoặc người lớn nên chỉ dẫn cho trẻ cách leo và bảo hiểm cho trẻ. Nếu ta cấm thì lúc vắng người lớn thì trẻ sẽ thử leo và như thế sẽ rất nguy hiểm. Trước khi giao việc cho trẻ, cha mẹ nên để trẻ tự đánh giá xem mình có làm được hay không. Ví dụ: “Con có thể giúp mẹ sắp xếp bàn ăn bàn ăn được không?”, “Con có thể giúp mẹ nhặt rau được không?”. Sau khỉ trẻ thực hiện xong công việc chúng ta cũng nên hỏi trẻ xem chúng đã làm như thế nào (“con thấy việc mẹ giao con như thế nào?”). Trẻ sẽ đưa ra nhận xét của mình. Và chúng ta cũng nên nhận xét việc làm của trẻ một cách khách quan.
Trẻ mẫu giáo có xu hướng đánh giá cao về mình. Song đánh giá của trẻ về bản thân bị ảnh hưởng bởi đánh giá của những người xung quanh (ông bà, cha mẹ, anh chị, cô giáo). Nếu chúng ta đánh giá đúng về trẻ thì dần dần trẻ cũng sẽ tự đánh giá đúng về mình.
Mặc dù vậy, đối với trẻ, đánh giá cao của người lớn có tác dụng hai mặt. Một mặt, nó thay đổi đánh giá của trẻ về bản thân, một số trẻ thay đổi theo xu hướng đánh giá cao về mình. mặt khác đánh giá cao có thể có vai tró tích cực nhất là đối với trẻ thiếu tự tin, nhút nhát, đánh giá cao huy động sức lực và sự cố gắng của trẻ giúp trẻ tiến gần đến kết quả cao hơn so với khả năng của nó.
Đánh giá thấp của người lớn có tác dụng ngược lại. Nó gây cho trẻ thiếu niềm tin vào bản thân. Thậm chí nó làm cho trẻ từ chối hoạt động và thiếu thiện cảm với người đánh giá trẻ. Đánh giá đúng của người lớn tạo điều kiện cho trẻ hiểu đúng về mình, vì nó trùng hợp với kinh nghiệm mà trẻ thu nhận được qua hoạt động của mình. nhận xét của người lớn về hành vi, kết quả hoạt động của trẻ phải đứng và đồng thời phải có tính động viên trẻ. Ví dụ: “Tranh con vẽ chưa đẹp lắm”. Nếu con tô màu cẩn thận hơn thì bức tranh của con sẽ rất đẹp.
Mong muốn của gia đình và xã hội là giáo dục trẻ trở thành những con người có trách nhiệm với bản thân và những quyết định đúng đắn cho cho mình trong học tập, trong sinh hoạt ở trường, gia đình và cộng đồng. Để đạt được mục tiêu đó, việc giáo dục trẻ biết đánh giá đúng về mình từ tuổi nhỏ là rất quan trọng.
Thạc sĩ: NGUYỄN THỊ THƯ
Theo Tạp chí giáo dục mầm non