Thạch là món ăn vặt được nhiều bé yêu thích. Tuy nhiên có rất nhiều tác hại nguy hiểm khi cho con ăn thạch mà cha mẹ nên đặc biệt lưu ý và tốt nhất là tránh cho bé ăn món này.
Thạch nghèo dinh dưỡng
Màu và vị của thạch đều là các chất nhân tạo. Do đó, xét về giá trị dinh dưỡng thì thạch cực kỳ nghèo dinh dưỡng. Chưa kể, các chất hóa học này còn tích tụ ở gan, thận của bé làm giảm chức năng hoạt động của gan và thận.
Bé ăn nhiều thạch làm giảm hấp thu chất đạm, chất béo trong cơ thể.
Nguy cơ tử vong cao do hóc thạch
Theo các chuyên gia, những ca hóc thạch ở bé có nguy cơ bị tử vong rất cao. Bé có thể bị tử vong trên đường từ nhà tới bệnh viện.
Nguyên nhân: Thạch thường có dạng hình trụ. Khi ăn, bé bóp ở đầu chóp thạch khiến thạch được đẩy ra nhanh, mạnh. Thạch có thể bất ngờ trôi vào họng của bé, gây ngạt đường thở nhanh chóng. Chỉ sau ít phút, bé có thể bị ngạt thở và tử vong.
Bên cạnh đó, việc gắp thạch là rất khó. Các mảnh vỡ của thạch có thể rơi sâu hơn xuống đường thở của bé khiến việc cấp cứu gặp khó khăn.
Xử trí khi bé hóc thạch
Khi thấy bé tím tái do hóc thạch, mẹ có thể áp dụng biện pháp như sau:
- Với bé còn nhỏ, mẹ hãy đặt bé lên đùi mẹ, đầu để thấp và quay nghiêng; sau đó, mẹ vỗ vào lưng bé để thạch bật ra.
- Với bé lớn, mẹ hãy đặt hai tay dưới xương ức của bé và ấn cho tới khi bé ho, bật ra thạch được thì thôi. Sau đó, mẹ đưa bé đi bệnh viện.
Điều cha mẹ nên tránh: Mẹ không dùng tay móc họng của bé, cũng không vuốt ngực bé vì có thể làm thạch trôi sâu hơn hoặc làm phù nề vùng họng khiến bé càng khó thở.
Phòng hóc thạch
Tốt nhất, mẹ nên tránh cho bé dưới 5 tuổi ăn thạch vì nguy cơ bị hóc thạch rất cao. Khi cho bé ăn thạch, mẹ nên giám sát chặt chẽ. Không cho bé cầm cả cái thạch tự ăn hay vừa ăn vừa nô đùa, chạy nhảy. Mẹ hãy dùng thìa dầm nát từng miếng thạch thật nhỏ rồi xúc cho bé ăn.
Theo Mevabe.net