Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng khác nhau của cơ thể ở mọi lứa tuổi. Riêng với trẻ em, sự thiếu hụt vitamin A có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng và vĩnh viễn.
Nghiên cứu của Đại học Iowa (Mỹ) cho thấy, thiếu hụt vitamin A làm giảm khả năng sản xuất rhodopsin - sắc tố mắt giúp mắt có thể nhìn thấy, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, thiếu vitamin A cũng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến trẻ dễ mắc bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh tiêu chảy và sởi. Chưa dừng lại ở đó, sự thiếu hụt vitamin A có liên quan chặt chẽ đến tình trạng còi xương, chậm phát triển ở trẻ em, tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và lão hóa sớm.
Kinh tế tốt, vẫn thiếu vitamin A
Trước đây, thiếu vitamin A thường do kinh tế khó khăn, chế độ ăn giàu tinh bột, thiếu chất béo, không đủ thực phẩm từ sữa, gan, rau lá xanh... Tuy nhiên, ngày nay, cuộc sống đầy đủ hơn nhưng thiếu vitamin nói chung và vitamin A nói riêng vẫn xảy ra. Việc đảm bảo trẻ 1 đến 3 năm đủ 1.000 IU vitamin A và trẻ từ 4 tuổi tuổi trở lên là 1.333 IU vitamin A mỗi ngày không đơn giản chút nào.
Theo số liệu khảo sát của Viện Dinh dưỡng, năm 2013 có đến 50% trẻ em Việt Nam thiếu các vi chất dinh dưỡng, trong đó 14,2% thiếu vitamin A. Trong những nǎm qua, nhờ các chương trình bổ sung vitamin A liều cao dự phòng trên toàn quốc, tình trạng khô mắt ở trẻ nhỏ đã giảm đáng kế. Tuy vậy, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nước ta vẫn còn phổ biến và ở mức trung bình.
Thiếu vitamin A làm giảm khả năng miễn dịch của bé
Những nguyên nhân có thể dẫn tới việc trẻ em bị thiếu vitamin A:
- Trẻ em thường không thích ăn những thực phẩm tươi giàu vitamin A như cà-rốt, khoai lang, rau cải bó xôi, ớt chuông đỏ, xoài, bông cải xanh, vốn giàu vitamin A.
- Nhiều trẻ mới biết ăn cơm có thói quen chỉ ăn cơm chan cùng nước canh, không thích nhai thịt, cá, rau, củ, gan nên bữa ăn mất cân bằng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin A.
- Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A thường bắt đầu trong giai đoạn sơ sinh, khi chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin A khiến trẻ không nhận được đầy đủ vitamin từ nguồn sữa mẹ.
- Cách chế biến không đúng cách như ngâm rau quá lâu, nấu quá kỹ làm mất bớt chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A.
- Ngoài ra, vitamin A không tan trong nước mà chỉ tan trong dầu, do đó nếu bữa ăn của bé thiếu chất béo thì cơ thể sẽ khó chuyển hóa và đưa vitamin A tới các cơ quan, bộ phận.
Làm sao để cung cấp đủ vitamin A cho bé?
Trước hết, bạn nên bổ sung vitamin A cho trẻ thông qua thức ăn hàng ngày. Bữa ăn của bé thường xuyên nên có thực phẩm giàu vitamin A như khoai lang, cà rốt, rau lá xanh, bí đỏ, ớt chuông đỏ, cá ngừ, gan, bơ, trứng, sữa có bổ sung vitamin A... Tuy nhiên, trẻ ăn nhiều chưa chắc đã đủ vitamin A vì quá trình chế biến của bạn đã làm mất đi đáng kể lượng vitamin này. Để giữ lại vitamin, bạn cần nấu vừa chín tới và chỉ thái nhỏ sau khi đã rửa sạch.
Phương pháp xào, rán giữ lại vitamin A tốt hơn các phương pháp khác vì thực phẩm đã được bọc một lớp dầu, hạn chế thất thoát, bay hơi. Bên cạnh đó, dầu ăn là dung môi hòa tan vitamin A, giúp cơ thể trẻ hấp thu vitamin A dễ dàng hơn. Song, khi xào, bạn không nên đảo quá nhiều, tránh mở nắp nồi và nên cho trẻ ăn ngay khi chế biến xong. Nếu ăn sau khi chế biến 1 giờ, lượng vitamin bị mất là 25% và sau 2 giờ là 34-57%.
Một số thực phẩm bổ sung vitamin A cho trẻ
Một cách khác để bổ sung vitamin A là cho trẻ sử dụng các thực phẩm bổ sung vitamin A như sữa, bánh, dầu ăn và cho trẻ đi uống vitamin A miễn phí tại các trung tâm y tế khi có chiến dịch.
Theo Afamily