Cô giáo Nguyễn Thu Hào - Trường Mần non Tràng An (Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm làm đồ chơi và xây dựng môi trường góc mở khuyến kích trẻ hoạt động tích cực.
Xây dựng môi trường góc mở
Cô giáo Nguyễn Thu Hào đã sử dụng những mảng tường và các giá đồ chơi để thiết kế thành những góc hoạt động cho trẻ như: Góc tạo hình, Góc gia đình, Góc nghệ thuật, Góc bán hàng và một số bảng trang trí lớp.
Góc hoạt động được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ để trẻ có thể dễ dàng lấy, cất đồ chơi và tự ý bày biện đồ chơi theo ý thích của mình.
Sử dụng những sản phẩm do trẻ tạo ra để trang trí cũng như làm đồ dùng góc chơi làm cho góc hoạt động không bao giờ cũ đối với trẻ vì luôn được thay đổi để phù hợp với các chủ điểm trong năm học.
Các góc hoạt động liên kết mật thiết với nhau, qua mỗi buổi chơi và ở các nhóm chơi khác nhau, trẻ có thể tạo ra nhiều sản phẩm để trưng bày, cũng như sử dụng sản phẩm của các bạn khác trong lớp để chơi, chính điều này làm cho mỗi buổi chơi trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn và mỗi buổi chơi có hiệu quả hơn với trẻ.
Không những vậy, việc tạo ra nhiều sản phẩm còn rèn cho trẻ những đức tính tốt, như: kiên trì, biết tôn trọng và giữ gìn sản phẩm do chính mình hay người khác tạo ra...
Hướng dẫn trẻ làm đồ chơi
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo lớn có trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo vô cùng độc đáo. Để khuyến khích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ, cô giáo Nguyễn Thu Hào đã sử dụng và tận dụng nhiều nguyên vật liệu khác nhau để hướng dẫn trẻ làm đồ dùng đồ chơi để phục vụ chính những góc hoạt động trong lớp.
Cô đã hướng dẫn trẻ tạo ra những sản phẩm từ: những viên sỏi, quả thông, dây trang kim xốp, giấy bìa...
Cô Hào cho biết thường trò chuyện với trẻ để cùng trẻ tượng tượng ra với những nguyên vật liệu này có thể làm thành những sản phẩm gì... rồi cùng trẻ trang trí và giúp đỡ trẻ để có thể hoàn thành được sản phẩm của mình.
Qua các buổi chơi, trẻ có thể tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo và chính những sản phẩm này được sử dụng để trang trí vào các góc chơi, điều này càng khuyến khích trẻ hoạt động tích cực.
Cô Hào cho biết, qua quá trình thực hiện, thấy rằng, ngoài việc trẻ hứng thú với các góc chơi, còn rất tích cực hoạt động để có thể tạo ra nhiều sản phẩm giúp cô trang trí các góc lớp, hay để được khoe với cha mẹ, với bạn bè.
Với việc tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có không những khuyến khích trẻ hoạt động một cách tích cực, tiết kiệm được kinh phí mà còn là một hình thức liên kết giữa gia đình và nhà trường một cách tự nhiên.
Mỗi chủ điểm mới, cô giáo có thể khuyến khích cha mẹ học sinh cho con em mình mang đến trường một số đồ dùng mà không sử dụng đến nữa.
Từ những đồ dùng đó, cô và trẻ tạo ra những sản phẩm phục vụ quá trình học của trẻ, thông qua đó, gia đình trẻ có thể hiểu phần nào đó về công việc của cô giáo và cũng như quá trình học tập của con em mình ở trường, để cùng với nhà trường để giáo dục con.
Cũng chính việc trẻ hoạt động một cách tích cực, chủ động và sáng tạo đã giúp tôi dễ dàng hơn trong việc đưa đến cho trẻ những kiến thức mới, hay thông qua các buổi chơi, tôi có thể dễ dàng giúp trẻ tiếp nhận được những cách ứng xử với thế giới xung quanh.
Việc thiết kế và xây dựng các góc mở, có thể thay đổi dễ dàng phù hợp với thời điểm hay chủ điểm của năm học còn giúp giảm tải công việc cho giáo viên.
"Nếu như trước đây, cứ mỗi chủ điểm mới, tôi phải trang trí lại nhiều góc hoạt hoạt động, hay nhiều mảng tường trong lớp cho phù hợp với chủ điểm thì bây giờ, cứ mỗi chủ điểm mới, tôi chỉ cần tìm tài liệu, và hướng dẫn học sinh tạo ra những sản phẩm phù hợp với chủ điểm mới và trang trí vào khung đã có sẵn" - cô Hào cho biết.
Như vậy, không những có thể lưu giữ lại những sản phẩm do trẻ tạo ra từ chủ điểm trước mà còn giúp trẻ nhận biết một chủ điểm mới một cách tự nhiên và dễ dàng mà cô giáo không mất nhiều thời gian để trang trí lại...
Theo GD&TĐ