Ai cũng thừa nhận để các trường mầm non công lập nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên là một chủ trương hay. Vấn đề đặt ra liệu có tính bền vững không? Nhà nước có đủ sức để thực hiện được điều này không hay cần có một cách làm khác khả thi hơn?
Phòng học dành cho trẻ từ 24 tháng của Trường mầm non Phượng Hồng (Q.Tân Phú) sẽ được sửa chữa trong hè để năm học mới nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chỉ còn vài tháng nữa, 8 quận huyện của TP.HCM sẽ triển khai thí điểm đề án cho trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi vào mầm non công lập. Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, có rất nhiều khó khăn ở các quận huyện này, nhất là lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất.
Thiếu giáo viên phù hợp
H.Nhà Bè sẽ thí điểm ở Trường mầm non Họa Mi và Đồng Xanh. Theo ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện, hai trường đều có thêm phòng học mới nhưng khó khăn nhất hiện nay là giáo viên, vì Nhà Bè có 8 trường mầm non thì trước đây chỉ một trường nhận trẻ 18 - 35 tháng tuổi nên ít có giáo viên đủ kinh nghiệm dạy trẻ lứa tuổi nhỏ. Phòng Giáo dục có đề án đưa khoảng 70 người (tại địa phương) học trung cấp mầm non 2 năm. "Nếu ổn thỏa, lứa giáo viên này sẽ đi học vào tháng 9 tới và phải 2 năm sau mới học xong và phục vụ tại địa phương. Thật tình chương trình thí điểm chúng tôi có thể làm tốt nhưng chúng tôi lo lắng là khi áp dụng đại trà. Bởi vì khi đó phải cần lượng lớn giáo viên có khả năng chăm sóc được những trẻ ở độ tuổi 6 - 18 tháng", ông Khánh nói thêm.
H.Bình Chánh sẽ thí điểm ở một trường mới xây dựng xong, gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc với 8 phòng học. Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện, cho biết khi các trường mầm non tiếp nhận trẻ 6 - 18 tháng tuổi thì số giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng sẽ thiếu rất nhiều. Khi áp dụng đại trà, huyện sẽ rất "khát" giáo viên mầm non. Phòng giáo dục huyện này cũng đang gửi gần 100 người tại địa phương đi học trung cấp mầm non.
"Quy định thì phải chấp hành" !
Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng Giáo dục Q.7, cho biết bước đầu quận tổ chức thí điểm một lớp với khoảng 15 trẻ tại Trường mầm non 19 Tháng 5. "Nói thật là nuôi giữ trẻ 6 tháng tuổi khó lắm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không biết sao để nói. Chỉ với số lượng trẻ ít như vậy mà đã cần từ 4 đến 6 giáo viên/lớp nên cũng không dám chiêu sinh rộng rãi", ông Đông tâm tư. Khi triển khai thực hiện đề án, theo ông Đông, khó khăn nhất vẫn là cơ sở vật chất vì số phòng học đã cố định, mở thêm lớp này thì phải giảm nhóm tuổi khác trong khi các trường đang phải ưu tiên nhận 100% trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó, để nuôi nhóm trẻ này còn phải chuẩn bị phòng để trong ngày mẹ đến cho trẻ bú sữa mẹ...
Q.Tân Phú bắt đầu thí điểm ở Trường mầm non Hoa Anh Đào và Phượng Hồng. Mỗi trường nhận một lớp với 12 trẻ, có 4 giáo viên phụ trách. Bà Chung Bích Phượng, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết: "Các trường đang đề xuất kinh phí trang bị trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất phòng học để phù hợp cho lứa tuổi như sàn nhà, nệm ngủ, đồ chơi...".
Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục Q.3, khẳng định: "Quy định thì phải chấp hành, phải làm nhưng phải có thời gian chứ đến năm 2015 thì không kịp vì hiện Q.3 đang thiếu giáo viên, phòng ốc không đủ. Hiện tại giáo viên thiếu quá trời, ưu tiên giáo viên đạt chuẩn cho nhóm trẻ 5 tuổi, còn lại các nhóm tuổi khác có khi phải lấy bảo mẫu lên làm công việc của giáo viên. Đã quyết tâm thì phải làm nhưng làm tới đâu hay tới đó vì việc phổ cập trẻ 5 tuổi các trường đã gặp nhiều áp lực".
Theo ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng Giáo dục Q.11, quận có 17 trường mầm non công lập, chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu trẻ học mẫu giáo, hơn 20% nhà trẻ, giờ triển khai nhóm nhỏ thì khó lòng xây kịp trường. Ông Vịnh nói tiếp: "Thực tế quận đã khó khăn về phòng học, giáo viên thiếu, không có nguồn tuyển. Đặc biệt là khối trường ngoài công lập. Giờ thành phố chỉ đạo thì phải làm. Chúng tôi "xí" phần đất 2 trạm trung chuyển rác của thành phố ở phường 5 và phường 7 để xây dựng trường. Hy vọng khi có chỉ thị về mầm non như vậy, thành phố sẽ quan tâm mà di dời 2 đơn vị trên".
"Ngân sách nhà nước không đủ sức"
Khi đoàn giám sát của HĐND TP.HCM làm việc với Sở GD-ĐT vào ngày 15.4 về đề án, bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó trưởng phòng Kế hoạch văn xã Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, nêu ý kiến: "Nếu tập trung đầu tư phát triển trường công lập sẽ làm tăng chi phí quản lý, cồng kềnh bộ máy hoạt động. Thay vào đó, nhà nước chỉ cần ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động sẽ đạt hiệu quả cao hơn".
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP khẳng định: "Ngân sách nhà nước không đủ sức bao cấp hết cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi". Ông Hùng đề nghị: "Chủ trương của UBND TP là trong thời gian sắp tới, những trường mầm non xây mới sẽ tập trung ưu tiên cho nhóm trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi chứ không rải đều từ nhà trẻ đến lớp lá như hiện nay. Riêng đối với những địa bàn đã có trường mầm non công lập đang hoạt động sẽ không cấp thêm ngân sách xây trường công lập, thay vào đó ưu tiên nguồn xã hội hóa và các nguồn vay từ vốn kích cầu để xây dựng".
Ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình, cho biết: "Chủ trương này đáp ứng nhu cầu của một bộ phận phụ huynh học sinh, nếu như làm được thì quá hay nhưng không thể làm vội vàng được". Theo ông Minh, còn nhiều khó khăn như với trường lớp hiện nay thì lứa tuổi 24 tháng trở lên còn không đủ chỗ học. Hiện vẫn thiếu hàng ngàn giáo viên. "Nếu bây giờ chạy theo đào tạo đủ số lượng qua các lớp ngắn hạn, liên kết này kia mà không đảm bảo chất lượng thì nguy hại vô cùng. Đội ngũ này sẽ tác động một phần đến sự phát triển 5 năm đầu đời của trẻ có giá trị định hình 3/4 cuộc đời. Nên có quy hoạch cho từng địa phương và ưu tiên tập trung cho người lao động nghèo, khó khăn. Về mặt quản lý thì nên chăng tận dụng sức mạnh trường ngoài công lập cùng với đó là có biện pháp quản lý hợp lý để đảm bảo chất lượng. Chứ nhà nước không nên ôm và cũng không thể ôm xuể", ông Minh đề nghị.
Lãnh đạo một phòng giáo dục thẳng thắn: "Ngay chuyện muốn đào tạo giáo viên thì cũng cần ít nhất 18 tháng cho trình độ trung cấp. Từ nay đến năm 2015 đâu còn nhiều thời gian mà với chế độ chính sách cho giáo viên mầm non như hiện nay thì khó lòng thu hút".
Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: "Dự án thể hiện sự tích cực của thành phố. Khả thi hay không cần có sự cương quyết, quá trình chuẩn bị kỹ càng và cần có sự đồng bộ của các cấp, ban ngành. Ở một số nước, họ có dự báo số lượng trẻ, lứa tuổi cụ thể, trường nào phù hợp và lứa tuổi nào thì nhà nước hoặc tư nhân thực hiện".
Nên có quy hoạch cho từng địa phương và ưu tiên tập trung cho người lao động nghèo, khó khăn. Về mặt quản lý thì nên chăng tận dụng sức mạnh trường ngoài công lập cùng với đó là có biện pháp quản lý hợp lý để đảm bảo chất lượng. Chứ nhà nước không nên ôm và cũng không thể ôm xuể
Ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình, TP.HCM
Theo Thanh Niên