Ngày 20/4, 350 hộ gia đình công nhân trong các Khu công nghiệp và chế xuất ở TP. Hồ Chí Minh đã được HomeCredit trao học bổng cho trẻ mầm non đến trường.
Đây là đợt trao học bổng đầu tiên trong tổng số 1.000 suất học bổng trị giá 01 tỷ đồng của chương trình học bổng "Búp trên cành" do HomeCredit và Viện Nghiên cứu Giáo dục (IER) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức ở 3 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Trong tháng 5 và 6, HomeCredit (tổ chức tài chính cá nhân 100% vốn nước ngoài) sẽ tiếp tục trao tại Bình Dương và Đồng Nai, mỗi tỉnh hơn 300 suất học bổng cho các gia đình công nhân, như một hình thức hỗ trợ thêm kinh phí cho các gia đình này đóng phí học mầm non ở những trường an toàn thay vì đưa vào các nhóm trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tình trạng bạo hành trẻ em trong các nhóm trẻ gia đình ở các vùng công nghiệp thời gian qua một phần được cho là công nhân không có điều kiện gửi ở những trường mầm non có chất lượng.
Trong một nghiên cứu của IER, hiện trạng giáo dục mầm non cho con em công nhân đang làm việc ở các Khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai hầu hết chưa đạt chuẩn quốc gia. Theo IER trường mầm non đạt chuẩn là các trường công và trường tư thục có giấy phép.
TS. Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện IER cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai số lượng các cơ sở mầm non công lập có chất lượng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi mầm non, trong khi tỷ lệ này ở Bình Dương chỉ chiếm khoảng 20%. Tỷ lệ các cơ sở mầm non được cấp phép tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai tương ứng là 63%, 37% và 86%.
Như vậy, ngoại trừ Đồng Nai là địa phương có số lượng cơ sở được cấp phép tương đối cao so với 2 địa phương còn lại (86%) thì ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, tỷ lệ này mới chỉ ở mức trên trung bình (ở mức 63% đối với TP. Hồ Chí Minh) và thậm chí là ở mức dưới trung bình (ở mức 37% đối với Bình Dương).
TS. Nguyễn Kim Dung cho rằng, có thể thấy ở cả 3 địa phương này, khả năng đáp ứng của các trường mầm non có chất lượng so với nhu cầu thực của phụ huynh mới chỉ đạt tối đa khoảng 50%. Đây là một con số đáng báo động mà các nhà quản lý giáo dục và địa phương cần xem xét để có thể tăng số lượng các cơ sở mầm non có chất lượng lên, nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non.
Đặc biệt các công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, vì họ là những người ít có sự lựa chọn nhất khi tìm chỗ gửi con do điều kiện khắc nghiệt về thời gian làm việc và nguồn thu nhập còn quá thấp.
Ông Trần Công Khanh, Chủ tịch Công đoàn các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh mong muốn có thêm nhiều DN chung tay góp sức chăm sóc trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non tại các KCN-CX. Bởi đây là độ tuổi đặt nền tảng rất quan trọng cho việc hình thành nhân cách và phát triển thể chất con người.
Theo thoibaonganhang.vn