Ngày 15-4, Bộ GD-ĐT, Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (đề án) đã tổ chức giao ban công tác triển khai thực hiện đề án năm 2014 khu vực phía Bắc. Thời gian thực hiện đề án không còn dài nhưng giáo viên (GV) đang là vấn đề lớn nhất của các địa phương khi thực hiện...
Tăng cường giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ trong hệ thống trường phổ thông là chủ trương của ngành giáo dục TP.HCM trong nhiều năm nay. Ảnh: N.Trinh
Nhiều GV không đạt chuẩn
Theo báo cáo của Ban quản lý đề án, hiện đã có 40/63 đơn vị gửi kế hoạch, còn 23/63 đơn vị chưa có kế hoạch gửi về Ban đề án. Mới chỉ có 7/63 đơn vị gửi bản kế hoạch có phê duyệt của UBND tỉnh/thành phố, còn lại 56 đơn vị chưa gửi bản kế hoạch có phê duyệt của UBND tỉnh/thành phố. Trong số 31 trường ĐH, CĐ tham gia đề án cũng mới chỉ có 19 trường gửi bản kế hoạch triển khai nhiệm vụ. Cũng tại hội nghị, đại diện các sở GD-ĐT đều chia sẻ những khó khăn đang gặp phải trong quá trình triển khai đề án. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn cho biết trước khi bồi dưỡng, sở đã tiến hành đánh giá đội ngũ GV ngoại ngữ của tỉnh. Kết quả cho thấy không GV nào đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, trình độ GV rất yếu. Năm học vừa qua, sở đã chỉ đạo các GV phải tự bồi dưỡng bên cạnh chương trình bồi dưỡng theo quy định của sở, của bộ. Hiện, Cao Bằng đã có 15 GV đạt chuẩn theo quy định. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn cũng cho hay, công tác tổ chức bồi dưỡng GV chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do chỉ tập trung bồi dưỡng trong 2 tháng hè. Thứ hai là đội ngũ GV làm tốt ít.
Cũng gặp vấn đề về GV nhưng Sở GD-ĐT Cao Bằng lại "vướng" ở quy định định biên GV. Do đó, không có biên chế cho GV ngoại ngữ tiểu học, sở phải sử dụng GV ngoại ngữ THCS dạy "tràn" xuống tiểu học.
Là tỉnh đồng bằng, có nhiều thuận lợi nhưng đội ngũ GV ngoại ngữ của Hải Dương đạt chuẩn chưa cao. Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết số GV ngoại ngữ đạt chuẩn ở tiểu học chỉ đạt 26%, ở THCS là 52%, THPT 31%. Vừa qua, Sở Hải Dương cũng đưa 296 GV đi bồi dưỡng nhưng trong số này cũng chỉ có 37% nâng được chuẩn so với ban đầu. Bà Tiến cho biết thêm có GV đào tạo đi đào tạo lại những vẫn chưa đạt được chuẩn.
Không chỉ ở cấp phổ thông, các sở mới gặp vấn đề chuẩn GV mà cả ĐH, CĐ cũng trong tình trạng tương tự. Ông Trần Anh Tuấn, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết kết quả khảo sát 887 giảng viên ở các trường ĐH tham gia đề án cho thấy không có giảng viên nào đạt chuẩn C2 (theo khung tham chiếu châu Âu), 8,56% đạt chuẩn C1, B2 có 43,81%, B1 có 25,56%, từ A1-A2 có khoảng 18%. Ông Tuấn khẳng định năng lực ngoại ngữ của giảng viên tương đối thấp. Ông Tuấn đề nghị các trường xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp để nâng chuẩn giảng viên đạt yêu cầu.
Chuyển công việc đối với GV không đạt chuẩn sau bồi dưỡng
Liên quan đến vấn đề chuẩn GV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định những GV bồi dưỡng đi bồi dưỡng lại nhưng vẫn không đạt chuẩn thì phải xếp việc khác. Điều này cũng được quy định trong Luật Công chức khi công chức không đạt được yêu cầu của công việc. Các sở GD-ĐT cũng cần phải tính toán lại định biên GV. GV phải cố gắng kết hợp giữa bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và các hình thức học Elearning. Một lần nữa, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định chỉ nơi nào có đủ GV đạt chuẩn mới triển khai mô hình trường học mới. Nếu chưa đủ, các trường có thể triển khai theo lớp nhưng không được đánh giá học sinh theo chuẩn của mô hình trường học mới. Vì như thế sẽ thiệt cho học sinh.
Việc triển khai đề án, Thứ trưởng Hiển cũng đề nghị phải làm ra tấm, ra món, không kéo dài những cái cũ. Mặt khác, bà Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, Phó trưởng ban Thường trực đề án, cũng cho biết: Trên cơ sở khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đã được Bộ GD-ĐT ban hành đầu năm 2014, các địa phương, trường học sẽ sử dụng định dạng đề thi ngoại ngữ và ngân hàng tiểu mục đề thi, ngân hàng ngữ liệu phục vụ kiểm tra nghe, nói của các cấp học phổ thông để triển khai đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá cần phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội, đồng thời đảm bảo kiểm soát được chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ngoại ngữ ở các cấp học.
Theo Báo Giáo Dục