Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 25-3 cho thấy hiện có khoảng 1/8 tổng số ca tử vong trên toàn cầu, gồm khoảng 7 triệu người thiệt mạng, vì ô nhiễm không khí.
TS Maria Neira, Giám đốc bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO, nhìn nhận: "Mối nguy hại về ô nhiễm không khí hiện to lớn hơn trước đây người ta nghĩ, đặc biệt là bệnh tim và đột quỵ".
Ảnh minh họa từ MNT
WHO cho rằng những số liệu mới chính xác và cao hơn dự báo trước đây, không chỉ vì nhiều chứng bệnh mới bị phát hiện do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí như tim mạch và ung thư mà còn do công nghệ hiện đại giúp xác định số liệu người bị phơi nhiễm chính xác hơn. Cách tiếp cận mới bao hồm số liệu do vệ tinh cung cấp; công cụ giám sát và đo lường ở mặt đất; dữ liệu về lượng khí thải cũng như do xác định cách thức ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu của WHO cho thấy các nước bị ô nhiễm không khí nhiều nhất là những nước có mức thu nhập thấp và trung bình thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Hằng năm, có khoảng 3,3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu người chết vì ô nhiễm khí thải bên ngoài tại những khu vực nói trên.
TS Flavia Bustreo, Phụ tá tổng giám đốc WHO về Gia đình và Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em, khuyến cáo: "Làm sạch khí thở ngăn ngừa đươc các bệnh không lây và kéo giảm nguy cơ bệnh tật cho phụ nữ và trẻ em và người cao tuổi. Phụ nữ nghèo và trẻ em trả giá đắt cho tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà vì họ thường ở nhà và hít thở khói, muội từ than và củi bếp"
Chuyên gia của WHO cũng cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn do khí thải giao thông và công nghiệp.
Ô nghiễm không khí cả trong nhà và bên ngoài đều là nguyên nhân của nhiều bệnh tật đáng kế như: Thiếu máu cục bộ tim, đột quỵ, tắt nghẽn phổi mạn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng hô hấp dưới ở trẻ em...
Theo NLĐO