Ở những nơi có đông LĐ nữ làm việc như KCN - KCX, vai trò của ban nữ công là vô cùng quan trọng, bởi những cán bộ nữ công chính là người tham mưu cho BCH CĐCS đưa những điều có lợi hơn theo quy định của pháp luật đối với LĐ nữ vào HĐLĐ, TƯLĐTT. Tuy nhiên, công tác tham mưu của ban nữ công CĐ các cấp cũng chỉ đạt được những kết quả rất khiêm tốn. Tại sao vậy?
Một nhà trẻ như thế này mãi là ước mơ của nhiều bậc phụ huynh là CNLĐ. Ảnh: Thu Trang
Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Nhu cầu chăm sóc con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở các KCN, KCX". Đây là một trong những cơ sở để cùng với Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN đề xuất, tham mưu với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ ban hành "Nghị định quy định chi tiết một số điều trong Chương X - Bộ luật LĐ năm 2012 về những quy định riêng đối với LĐ nữ".
Chủ yếu vẫn do thỏa thuận
Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN cho thấy: Nhu cầu gửi trẻ hiện nay trong CNLĐ là rất lớn. Trong khi đó, nhà trẻ thuộc DN hoặc KCN, KCX được tổ chức rất ít (16,9%). Nhiều LĐ nữ không thể gửi con tại các nhà trẻ công lập do không có hộ khẩu thường trú, do con của họ chưa đủ tuổi để gửi nhà trẻ (dưới 3 tuổi)...
Đó là lý do để các cơ sở giữ trẻ tự phát ra đời tại các KCN, KCX - nơi có đông LĐ nữ làm việc. Và không ít việc đau lòng đã xảy ra như vụ bảo mẫu Hồ Thị Ngọc Nhờ bạo hành dẫn đến cái chết của cháu bé 18 tháng tuổi (tháng 11.2013); vụ bạo hành trẻ em ở nhà trẻ Phương Anh (Thủ Đức, TPHCM, tháng 12.2013)... đã đuợc báo chí phản ánh. Bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch CĐ Dệt-May Hà Nội - cho biết:
Hiện tại, một số DN thuộc CĐ Dệt-May HN cũng có hỗ trợ tiền gửi trẻ, tiền đi học cho con CBCNLĐ. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của từng DN mà mức tiền này có thể từ 50.000-100.000 đồng/tháng và dựa trên sự thỏa thuận là chính. "Thực ra, quy định về nhà trẻ, mẫu giáo cũng có rồi, nhưng chế tài chưa phù hợp, không rõ ràng. Vì thế, trong khi hướng dẫn ký HĐLĐ hay TƯLĐTT, CĐ đã phải rất nỗ lực để đưa được thỏa thuận này vào làm sao có lợi nhất cho NLĐ..." - bà Hồng nói.
Không riêng gì CĐ Dệt-May HN, ban nữ công CĐ các cấp, với vai trò của mình đã tham mưu cho BCH CĐ để đạt được những thoả thuận có lợi hơn cho LĐ nữ, nhưng nhìn chung, những sự hỗ trợ này vẫn mang tính nhất thời, giai đoạn, chưa giải quyết được căn bản những khó khăn mà LĐ nữ đang gặp phải.
Cần hành lang pháp lý
Bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên ĐCT, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - cho biết: Đến nay, Nghị định 23/1996/NĐ-CP ngày 18.4.1996 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về những quy định riêng đối với LĐ nữ đã hết hiệu lực. Bên cạnh đó, sau gần một năm thực hiện Chương X BLLĐ năm 2012 đã bộc lộ những quy định chưa rõ, dẫn đến có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho người sử dụng LĐ và LĐ nữ trong việc tuân thủ quy định pháp luật.
Ví dụ: Tại khoản 6, Điều 153 quy định "Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều LĐ nữ" và tại khoản 4, Điều 154 quy định "Người sử dụng LĐ giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ cho LĐ nữ".
Vậy, thế nào được gọi là những nơi có nhiều LĐ nữ? Ở những nơi ấy, Nhà nước sẽ hỗ trợ những vấn đề gì? (quỹ đất, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, quản lý đào tạo, chất lượng giáo viên...?). Ở những DN tự xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo hoặc tư nhân tổ chức trông trẻ là con CNLĐ, Nhà nước sẽ hỗ trợ những gì?
Trong khi đó, nhiều chủ DN đều có chung một kiến nghị, các quy định DN hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo cho LĐ nữ phải tránh tạo gánh nặng thêm cho DN. Vì thế, việc sớm có nghị định quy định chi tiết, phù hợp hơn về quyền lợi của LĐ nữ là điều cần thiết.
Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Nhu cầu chăm sóc con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở các KCN, KCX". Đây là một trong những cơ sở để cùng với Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN đề xuất, tham mưu với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ ban hành "Nghị định quy định chi tiết một số điều trong Chương X - Bộ luật LĐ năm 2012 về những quy định riêng đối với LĐ nữ".
Theo LĐ