Trong các ngày qua, nhiệt độ tại TP.HCM lúc nóng nhất được ghi nhận lên đến 38 độ C. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, thời tiết nắng nóng còn kéo dài cho đến giữa tháng Tư. Nắng nóng đang khiến số trẻ em nhập viện tăng. Tại các trường học, việc đối phó với nắng nóng cũng là một "cuộc chiến" của cả thầy lẫn trò.
12g30 trưa ngày 18/3, bất chấp cái nắng như thiêu đốt, nhiều học sinh (HS) trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) vẫn đá bóng trên sân. Cách đó không xa, vào lúc 13g30, tại Trung tâm TDTT Tân Bình, cả trăm HS - sinh viên (SV) các trường THCS Quang Trung, THPT Nguyễn Thái Bình, ĐH Tài nguyên môi trường... cũng thi gan với cái nóng 360C.
Một nhóm HS Trường THCS Quang Trung than với chúng tôi: "Mệt lắm chú ạ. Tụi con ngồi không mà mồ hôi cứ tươm ra. Tụi con chỉ trông được nghỉ". Vào giờ học, các em học tập mất tập trung, thầy Huấn - thầy dạy các em - thỉnh thoảng lại tuýt còi, nhưng tình hình trật tự thì... đâu lại vào đấy. Tôi hỏi lý do, thầy Huấn cho biết: "Nắng nóng quá nên học trò đứng ngồi không yên".
Nhóm SV Trường ĐH Tài nguyên môi trường sau bài khởi động mất 20 phút và thêm vài phút tập chuyền bóng, cũng ngồi giải lao giữa trời oi bức.
14g, nhiệt độ chúng tôi đo được ngoài trời là hơn 360C, trời đứng gió, áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng một nhóm rất đông HS Trường THPT Nguyễn Thái Bình vẫn kiên trì với các bài thể dục nhịp điệu.
Cùng thời điểm đó, dưới sân Trường THCS Tân Bình, một nhóm HS vẫn đang tập bóng rổ; HS Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11) thì nhễ nhại học thể dục giữa sân trường. Tại sân Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11), giữa trời trưa nắng, đội nghi thức của trường vẫn tranh thủ tập để kịp giờ học buổi chiều như các bạn.
HS Trường THCS Quang Trung (Q.Tân Bình) trong giờ sinh hoạt ngoài trời
GIẢI NHIỆT
Để "giải nhiệt", cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) - cho biết: "Trong khả năng, trường yêu cầu các nhân viên vệ sinh phải tăng cường dọn dẹp trong và ngoài lớp. Trong lớp, quạt được mở liên tục; nước uống hết lúc nào là bổ sung ngay lúc đó. Ngoài ra, trường còn tăng cường khu uống ngoài trời (nước máy qua xử lý) để phục vụ HS. Đối với HS bán trú, trường cũng thay đổi thực đơn bữa phụ theo hướng giảm ngọt và tăng cường các loại nước mát như nước sâm hay mía lau".
Theo cô Tạ Thị Thanh An - Hiệu trưởng Trường mầm non (MN) Thần đồng đất Việt (Q.3), thời tiết nắng nóng trẻ rất dễ nhiễm bệnh và lười ăn. Vì vậy, trường tăng cường rau xanh, củ quả và các loại canh để giải nhiệt. Ngoài ra, trường phải tăng cường các loại nước mát nấu bằng rễ tranh, râu ngô và các loại nước ép trái cây sau giờ các bé ngủ trưa và sau bữa ăn xế để tăng vitamin, tăng đề kháng cho các bé. Thời gian gần đây trường không tổ chức các buổi học ngoài trời. Thay vào đó, chúng tôi cho trẻ học trong các khu vui chơi giải trí để tránh nóng. "Quan trọng nhất vẫn phải là đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các bé" - cô Thanh An nói.
Tương tự, Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5) cũng tăng cường các hoạt động để tránh nóng. Ngoài các lớp có máy điều hòa, các lớp học còn lại đều được tăng cường quạt để đảm bảo sự thoáng mát cho HS. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng nhằm ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh.
Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng Phòng Giáo dục Q.5 - cho hay: Phòng đã chỉ đạo cho các trường phải tăng cường quạt máy. Những trường có khả năng thì gắn quạt phun sương ngoài trời (như Trường tiểu học Chính Nghĩa) để HS cảm thấy dễ chịu vào giờ ra chơi. Quan trọng hơn, Phòng yêu cầu các trường phải giảm áp lực học hành nhằm tránh căng thẳng và mệt mỏi cho HS.
Về các hoạt động ngoại khóa, bà Thu cho biết, không thể thay đổi kế hoạch, nhưng các trường cần hướng đến việc cho HS đến những nơi vừa vui chơi, vừa học tập nhưng lại cũng vừa "giải nhiệt" được.
Đối phó với mùa nóng, nhiều trường đang nỗ lực "giải nhiệt" cho HS, nhưng đó chỉ là số ít. Với đa số trường có cơ sở vật chất thiếu thốn hoặc xuống cấp thì các HS cũng đành phải chịu những cơn nóng bức vì không còn cách nào khác.
Theo PN