Đề án "Cải cách căn bản và toàn diện giáo dục" theo Nghị quyết Trung ương VIII (Khóa X) đang được cả nước quan tâm. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, năm 2014 Bộ đang khởi động nội dung đổi mới thi tốt nghiệp và đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015, tích cực hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt với số vốn 70.000 tỉ đồng. Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về số vốn ngân sách đầu tư này...
Sách giáo khoa là người thầy thứ hai
Từ nhiều năm nay GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) nổi tiếng với những phản biện sắc sảo về chương trình và biên soạn SGK. Nhân đề án "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" của Bộ GD&ĐT, chúng tôi chuyện trò với ông để tìm những "điểm nhấn". GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết, ông đồng tình với ý kiến của GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc: "Ngành Giáo dục đổi mới con người là quyết định". GS Hãn mở rộng khái niệm, người thầy ở đây được hiểu theo nghĩa bóng là chương trình chuẩn và SGK chuẩn, tổng hợp được mọi kiến thức của xã hội. Ông dẫn chứng, thời phong kiến Ngũ Kinh vào Việt Nam lúc đó người biết dạy cho người chưa biết, Nhà nước tổ chức thi cử vẫn chọn được hiền tài. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, dù nghèo khó và gian khổ song nhờ có chương trình và SGK chuẩn do lớp trí thức nước ta biên soạn, khi ấy trường lớp có nơi còn mượn đình chùa, song giáo dục đã trở thành một trong những bông hoa đẹp của chế độ. Chương trình SGK, người chuyển tải, cơ sở trường lớp là ba yếu tố quan trọng trong giáo dục được mọi quốc gia, mọi thời đại và mọi chế độ coi trọng, nếu một trong ba yếu tố trên có vấn đề thì khó có thể thành công.
Kể từ khi chúng ta giành độc lập đến năm 1975 thống nhất đất nước, ngành Giáo dục ba lần thay sách phổ thông thành công vào các năm 1945, 1955 và 1975, với kinh phí không đáng kể, làm tập trung, triển khai đồng bộ, cho tất các các lớp ở bậc phổ thông một lúc, việc biên soạn mỗi lần trong khoảng một năm. Thời đó trí thức có học hàm, học vị đếm trên đầu ngón tay, còn hiện nay số người có học hàm GS, TS đến con số hàng vạn mà vẫn không làm được những việc mà thế hệ cha anh đã làm!
Từ năm 1980 đến nay ta có hai lần thay sách vào năm 1981 và năm 2002, với cách làm cắt khúc, cuốn chiếu thay dần kiểu "vừa chạy, vừa xếp hàng" dẫn đến giáo dục bất ổn triền miên, kinh phí biên soạn ngày càng tăng và sau mỗi lần thay sách thì sự thất vọng của xã hội về SGK lại càng tăng lên.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nói: "Chuyện chương trình và SGK phổ thông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển từng vừa lau mồ hôi, vừa trình bày trước Quốc hội. Giờ đã qua ba Bộ trưởng mà "cuộc chiến" này vẫn chưa dừng".
33 năm không làm được chương trình và SGK chuẩn
Đã 33 năm, qua năm đời Bộ trưởng, ngành Giáo dục vẫn không làm được chương trình chuẩn và SGK chuẩn ở bậc phổ thông. GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, đây là lỗi hệ thống và cách dùng người còn bất cập. Theo Điều 36 của Hiến pháp, Điều 100 của Luật Giáo dục năm 2005, người chịu trách nhiệm về chương trình - SGK chuẩn trước Quốc hội và dân là Thủ tướng. Lỗi này một phần liên quan đến Quốc hội vì chưa đưa ra một chế tài như các nước: SGK được in ra, phải được dùng ít nhất một vòng 12 năm mới được in lại, như nhiều nước đã làm.
Vì chưa có chương trình chuẩn và các bộ SGK chuẩn, thường xuyên phải chỉnh sửa, nội dung kiến thức phổ thông quá tải, kéo theo học sinh bị nhồi nhét kiến thức. Ví như sách Toán phổ thông, các nhà chuyên môn đánh giá, thừa tới 60% kiến thức. Sách Vật lí, Sinh học cũng nặng nề, quá nhấn mạnh vào kiến thức cổ điển... Trong khi đó, cái cần dạy lại không dạy.
Thời gian qua Bộ GD&ĐT có những giải pháp nhằm khắc phục hạn chế bất cập của chương trình và SGK, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài phải xây dựng lại chương trình và SGK mới sau 2015.
Quy trình ngược và thiếu Tổng chủ biên
Hiện ngành Giáo dục đang xây dựng đề án đổi mới "Chương trình và SGK" trình Chính phủ phê duyệt đến sau năm 2015 phải có SGK mới. Đây có thể coi là cuộc chạy ma-ra-tông mà theo nhiều chuyên gia có "vắt chân lên cổ" cũng không kịp. Khi sự chuẩn bị chưa sẵn sàng, chu đáo... thì Bộ GD&ĐT có nên "cố ép đẻ non" không?
Từ năm 2011, Bộ tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, các trường để khởi động cho chương trình biên soạn lại SGK. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận: SGK hiện hành làm theo quy trình ngược, biên soạn SGK trước, xây dựng chuẩn kiến thức sau và thiếu một Tổng chủ biên. Hậu quả là chương trình giáo dục phổ thông chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến từng môn học; nội dung sách nặng nề, quá tải. Việc không có Tổng chủ biên chương trình là bài học "xương máu" cho lần đổi mới chương trình - SGK sau năm 2015. Thế nhưng, hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa thể công bố được Tổng chủ biên đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 là ai; cũng chưa có một kịch bản khoa học cụ thể... Vậy có nên đầu tư 70.000 tỉ đồng cho chương trình - SGK nữa không?
100 tỉ đồng hay 70.000 tỉ đồng?
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn về giáo dục: "Thay đổi cách tổ chức biên soạn chương trình, SGK, thực hiện dân chủ, công khai, tránh độc quyền, có hội đồng thẩm định nghiêm túc, tránh sửa đi sửa lại, biên soạn kéo dài và thay đổi sách triền miên. Một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết vấn đề chương trình và SGK chuẩn cho cả phổ thông và đại học trong một năm với kinh phí 100 tỉ đồng. Những ý kiến như vậy nên được trao đổi, bàn bạc".
Theo GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc, cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chỉ cần đầu tư từ 100 đến 150 tỉ đồng là có thể viết được chương trình SGK mới. Còn GS Nguyễn Xuân Hãn cảnh báo: "Không thể mượn "chiêu bài" đổi mới SGK để làm việc khác. Nhà nước nên xem lại dự án này và nên xem lại cách làm chương trình và SGK. 100 tỉ đồng của nhóm nhà giáo và khoa học, hay 70.000 tỉ đồng như yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Rất tiếc hiện nay, chưa ai có trách nhiệm trả lời dân việc này"?
GS Nguyễn Xuân Hãn nhận định, với góc độ khoa học, vẫn con người cũ, cách làm cũ, ngược khoa học như hiện nay, thì số tiền đầu tư dù có bỏ ra gấp nhiều lần, xin khẳng định cũng không làm được. Đối với những việc liên quan đến khoa học, không phải đông người và nhiều tiền là làm được.
Theo Báo Người Cao Tuổi